Trời rét thế này, mẹ không cần mất công cả đêm ôm con, đây là cách đơn giản mà hiệu quả giúp bé ngủ khì khì
Tin liên quan
Chia sẻ trên mạng xã hội, một bà mẹ trẻ đã bày tỏ sự băn khoăn khi không biết làm cách nào để có thể giữ ấm tuyệt đối cho con trong lúc ngủ, khi mà nhiệt độ ban đêm có thể xuống tới 8-10 độ C. Bà mẹ này cho biết: “Thời tiết thế này, đến người lớn còn thấy rét run cầm cập nữa là trẻ con. Các bố mẹ ở thành phố có điều hòa, quạt sưới, chứ mình ở nông thôn, không biết cách nào có thể ủ ấm cho con, nhất là vào ban đêm. Thực sự vô cùng lo lắng”.
Đó cũng là tâm trạng của rất nhiều bà mẹ có con nhỏ. Có người chia sẻ, phải ngồi cả đêm để ôm con ngủ cho con ấm, thậm chí mẹ lo lắng đến mất ngủ để đắp chăn cho con vì sợ con đạp ra… Một bà mẹ cho biết: “Thời tiết khắc nghiệt quá. Thôi thì mẹ chịu khó thức để cho con đỡ bị lạnh. Cẩn thận một chút tránh con bị ốm”.
Khi mới ngủ, cơ thể bé thường nóng nên bé thường đạp chăn ra mà chưa có khả năng kéo chăn đắp lại khi lạnh. Đến giữa đêm, nhiệt độ giảm xuống sâu khiến toàn thân bé lạnh giá nếu mẹ ngủ quên không đắp chăn cho bé nên dễ dẫn đến viêm đường hô hấp, viêm phổi… Tuy nhiên, có nhiều cách khoa học để mẹ có thể giúp bé ủ ấm chứ không nhất thiết phải thức cả đêm, tránh được việc cơ thể mẹ mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho bé bú.
Theo BS chuyên khoa Nhi Nguyễn Trung Kiên, có 3 bộ phận mẹ cần đặc biệt chú ý giữ ấm cho bé trong mùa đông, nhất là lúc ngủ đó là phần đầu, bụng và tay chân
“Đối với bé sơ sinh, đầu là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Theo khuyến cáo, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ của não bé tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.
Tuy nhiên, khi thời tiết giảm sâu xuống dưới 10 độ C thì mẹ cần đội mũ cho bé khi ngủ để bảo vệ phần đầu. Mẹ nên lựa chọn các loại mũ có chất vải cotton thoáng khí, 1 lớp. Nếu trong trường hợp bé hay ra mồ hôi, cách 3 tiếng một lần, mẹ nên lấy một chiếc khăn xô mỏng thấm mồ hôi cho bé. Nếu không, mồ hôi ngấm ngược trở lại, gây hại cho bé. Nếu bị lạnh đầu, bé dễ bị đau đầu, cảm cúm, chảy nước mũi... ”, BS Kiên cho biết.
Bên cạnh đó, mẹ cần chú ý đến phần bụng của bé. Tốt nhất nên chọn những bộ đồ body, tránh việc bé bị hở bụng khi ngủ đêm rất nguy hiểm. Lạnh phần bụng dễ rối loạn hệ tiêu hóa. Tình trạng đau bụng, đi ngoài, tiêu chảy sẽ khiến bé mệt mỏi, chậm lớn, còi cọc. Nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.
Chia sẻ với PV Emdep, BS Kiên còn khuyên các mẹ nên sử dụng đầy đủ tất tay, tất chân cho các bé. Có thể mua túi ngủ cho bé. Nếu bé cảm thấy khó chịu, có thể để hở phần ở dưới chân để bé thoải mái thò chân ra ngoài. Hoặc khi đắp chăn cho bé, nên để hở phần chân, đi tất mỏng, thấm mồ hôi, bé sẽ bớt ngọ nguậy.
“Tuy nhiên, quan trọng nhất là phòng ngủ của bé phải ấm, không có gió lùa. Nếu có điều kiện, nên mở điều hòa ở nhiệt độ 26-28 độ C. Hoặc mẹ có thể dùng quạt sưới, nhưng cần lưu ý, Bố mẹ nên bật quạt sưởi 5 đến 10 phút trước khi sử dụng để nhiệt được phát tán đều ra khắp phòng, cách giường bé tầm 2m để tránh gây khô da, khô mũi cho bé”, BS Kiên tư vấn.
Giữ ấm đúng cách là giữ đủ ấm cho bé, nhất là những vùng dễ bị nhiễm lạnh như lòng bàn chân, bàn tay, thóp và ngực. Nhưng mẹ không nên ôm con cả đêm ngủ, vì ủ ấm quá có thể làm tăng nguy cơ đột tử khi ngủ ở trẻ.
Ngoài ra, hằng ngày, mẹ nên cho bé ăn dặm đủ lượng, với các thực phẩm ấm, nóng để tích trữ lượng calo, giúp sưởi ấm cơ thể bé từ bên trong.
Châu Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất