Trời hanh khô, mẹ cần học ngay 4 cách “cấp cứu” khẩn này khi con bị VIÊM DA CƠ ĐỊA

Trời hanh khô, mẹ cần học ngay 4 cách “cấp cứu” khẩn này khi con bị VIÊM DA CƠ ĐỊA

Thu Hà 2018-12-01 06:32
- Làn da con bị viêm da cơ địa thường nóng rát, khô trên bề mặt khiến trẻ ngứa ngáy, quấy khóc suốt ngày. Mẹ có thể học hỏi các bí kíp làm mát da con theo hướng dẫn của điều dưỡng tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhé!

Mẹ định chuyển nhà vì con ngứa “mất ăn mất ngủ”

Bốn năm nuôi con bị viêm da cơ địa, chị Hồng Nhung (Hà Nội) bảo chưa đêm nào chị được ngủ tròn giấc. Bởi lúc nào con cũng trong tình trạng ngứa ngáy, đặc biệt là những khi thời tiết chuyển lạnh, khô hanh.

“Con quấy khóc suốt đêm vì ngứa. Mẹ vừa xoa lưng cho con vừa buồn ngủ ríu mắt mà không dám rời tay. Vì con sẽ cào, gãi xước da xước thịt”, chị Nhung bộc bạch.

Có đợt cả nhà đi du lịch Đà Nẵng dài ngày, con lại bớt ngứa.

Trời hanh khô, mẹ cần học ngay bốn cách “cấp cứu” làn da con bị VIÊM DA CƠ ĐỊA

Làn da con bị đỏ rát, sẩn ngứa điên cuồng là nỗi ám ảnh của các bà mẹ. Ảnh minh họa. 

Sau chuyến đi đó, đã có lúc chị Nhung tính đến phương án chuyển vào Đà Nẵng sinh sống để con hưởng thụ không khí mát mẻ, tránh tái phát thứ bệnh quái ác này.

Ai đã từng trải qua thời kỳ nuôi con bị viêm da cơ địa đều mang tâm tư như chị Nhung. Nhìn hai má đỏ au như quả cà chua, khô rát, thậm chí dày sừng lên, mẹ nào cũng chỉ ước có cách nào đó “giải cứu” làn da của con.

Theo cử nhân điều dưỡng Phạm Thị Thu Trang, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị viêm da cơ địa thường bị khô, phát ban đỏ trên mặt, da đầu, cánh tay và chân hoặc sau tai.

Với trẻ mới biết đi và lớn hơn, ban thường nổi ở vùng da quanh đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và mắt cá chân. Trong một số trường hợp ban có thể xuất hiện ở toàn bộ cơ thể của trẻ. Ban rất ngứa nên khiến trẻ bị mất ngủ, đặc biệt là vào ban đêm.

“Mặc quần áo dày, chất vải nóng, tắm nước nóng, xà phòng, điều hòa, nhà có lò sưởi, lông động vật, trẻ gãi đều là những yếu tố khiến bệnh nặng thêm, gây nhiễm trùng.

Nguyên tắc cải thiện triệu chứng bệnh là sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, dưỡng ẩm, cấp nước cho da trẻ và bảo vệ da khỏi các yếu tố gây nhiễm trùng, đặc biệt là việc trẻ gãi”, Điều dưỡng Thu Trang cho biết.

Giữ ẩm cho da

Kem dưỡng ẩm là thứ không thể thiếu nhằm “hạ hỏa” làn da của trẻ. Kem được sử dụng thường xuyên khi trẻ xuất hiện triệu chứng của bệnh và ngay cả khi đã lui bệnh.

Theo đó, mẹ nên bôi kem sau khi làm ẩm da (lau, tắm) để kem thẩm thấu vào da tốt hơn.

Trời hanh khô, mẹ cần học ngay bốn cách “cấp cứu” làn da con bị VIÊM DA CƠ ĐỊA

Kem dưỡng ẩm cần được bôi thường xuyên để tạo ẩm cho da trẻ. Ảnh minh họa.

Nếu cần bôi thuốc chuyên khoa thì bôi thuốc trước rồi phủ kem dưỡng ẩm lên trên.

Bôi trên diện tích rộng, thậm chí toàn thân chứ không chỉ bôi ở vùng da bị tổn thương.

“Đắp ẩm” bằng băng ướt

Nếu trẻ không thể kiểm soát tình trạng bệnh sau 24 – 48h điều trị bằng thuốc chứa corticoid và giữ ẩm thì cha mẹ cần sử dụng băng ướt.

Trời hanh khô, mẹ cần học ngay bốn cách “cấp cứu” làn da con bị VIÊM DA CƠ ĐỊA

Cha mẹ có thể đắp ẩm cho da trẻ bằng khăn, băng. Ảnh minh họa.

Băng ướt rất hiệu quả và thường chỉ cần từ ba đến năm ngày. Các bước đắp ẩm bằng băng ướt như sau:

- Làm ướt khăn, băng trong chậu nước ấm có pha dung dịch làm ẩm cho da (dầu tắm Hamilton bath oil).

- Bôi thuốc corticoid hoặc các loại thuốc theo chỉ định của bác sỹ vào những vùng da khô, sẩn đỏ.

- Bôi kem dưỡng ẩm toàn thân.

- Băng ướt hoặc đắp ẩm tùy theo vị trí tổn thương da.

Khi nào băng (khăn) khô thì tháo ra, bôi kem dưỡng ẩm và mặc đồ lại cho trẻ như bình thường.

Với vùng mặt, mẹ làm ướt khăm mềm với nước mát sau đó áp vào mặt vùng da khô và sẩn đỏ trong 5 -10  phút.

Với vùng đầu, mẹ có thể làm ướt chiếc mũ cotton mềm với nước mát rồi trùm lên đầu trẻ trong vòng 5 - 10 phút.

Tắm cho trẻ

Tắm cho trẻ cũng là một cách làm mát làn da.

Tuy nhiên, điều dưỡng Thu Trang khuyến cáo mẹ không nên tắm bằng nước quá nóng, không dùng xà phòng vì sẽ làm da trẻ khô, ngứa nhiều hơn.

Trời hanh khô, mẹ cần học ngay bốn cách “cấp cứu” làn da con bị VIÊM DA CƠ ĐỊA

Tắm cũng là một biện pháp làm dịu da trẻ, tránh làm da bị bội nhiễm. Ảnh minh họa.

Chỉ pha nước tắm ấm nhẹ, không quá 30oC hoặc mát hơn tùy thời tiết.

Cho trẻ ngâm mình trong chậu tắm hoặc bồn tắm có pha sữa tắm trong 15-30 phút để tăng cường cấp ẩm cho da.

Nên tắm cho trẻ 2 giờ trước khi ngủ để giúp trẻ ngủ ngon hơn.

Trong trường hợp da trẻ bị bội nhiễm, mẹ nên tắm cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

Tạo môi trường thoáng mát cả ngày lẫn đêm

Ngoài việc cấp ẩm cho da, cha mẹ cần tạo môi trường thoáng mát cho trẻ cả ngày lẫn đêm. Tránh các yếu tố kích thích da khiến trẻ phát ngứa.

Trời hanh khô, mẹ cần học ngay bốn cách “cấp cứu” làn da con bị VIÊM DA CƠ ĐỊA

Chỉ cần một cái nhãn mác trên quần áo cọ vào cũng có thể khiến cơn ngứa của trẻ kịch phát. Ảnh minh họa.

Dù chỉ là cái nhãn mác trên quần áo cũng cần loại bỏ hoàn toàn để tránh cọ xát vào da trẻ.

“Nên cho trẻ đi khám ngay nếu trẻ không cải thiện sau hai ngày điều trị hoặc có biểu hiện nhiễm trùng như vùng da tổn thương bị nứt, chảy nước”, Điều dưỡng Thu Trang tư vấn.

 Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bỏ thuốc lá - Chưa bao bao giờ dễ tới vậy!

Đọc nhiều nhất