Tết Trung thu: "Mẹ để trẻ được tự tay làm ra bánh nướng, bánh dẻo để biếu ông bà"

Tết Trung thu: "Mẹ để trẻ được tự tay làm ra bánh nướng, bánh dẻo để biếu ông bà"

Thu Hà 2018-09-16 09:36
- Không ít bà mẹ hụt hẫng vì cảm giác mùa trăng cổ tích đang mai một dần giữa nhịp sống hối hả của thị thành...

Phá cỗ xong xuôi tất cả lại về!

“Tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…”. Tại thành phố, hình ảnh những đứa trẻ nối đuôi nhau rước đèn trong đêm rằm tháng tám như câu hát giờ đã trở nên hiếm hoi. 

Hỏi cảm  nhận của phụ huynh ngày nay về ngày trung thu dành cho con trẻ, câu trả lời nhận được là “Trung thu bây giờ nhạt, không còn được như xưa”.

Ngày này chỉ loanh quanh trong những màn tiệc tùng, một số đồ chơi có sẵn. Lễ hội vốn dành cho con trẻ này đang bị nhào nặn bởi chính nhịp sống công nghiệp bận rộn của người lớn.

Nhớ lại trung thu xưa, chị Lưu Vân (KĐT Mỹ Đình 1, Hà Nội) cho biết đó là những đêm trăng tụi trẻ con trong xóm tụ tập rước đèn, xâu hạt bưởi lại thành chiếc vòng cổ xinh xắn rồi rít rít theo đoàn múa lân đi khắp xóm ca hát véo von… “Trung thu khi ấy thiếu thốn nhưng đầy thơ mộng, ai cũng mong chờ màn phá cỗ trông trăng lên”, chị Vân nhớ lại.

Mẹ Hà thành vẫn hụt hẫng vì “Tết  trung thu thời công nghệ nhạt nhẽo, chóng vánh quá!

Trẻ rồng rắn rước đèn đi chơi, tỉ mẩn tự làm đèn lồng đã trở thành hình ảnh hiếm hoi trong mùa trăng ở thị thành. Ảnh: Thu Hà

Vậy mà giờ, khi các bà mẹ cùng tổ chức tiệc trung thu cho con ngay tại trường mẫu giáo một cách hoành tráng, chị Vân lại cảm thấy không khí ngày này cứ nhàn nhạt. Ngay khu nhà chị đang ở, trung thu cũng chỉ đơn giản là phát cho mỗi cháu một túi quà con con, thuê người đến hát múa.

“Nhà nào biết nhà nấy, ai cũng bận nên hát xong xuôi tất cả lại về chứ không có cảnh trẻ con rồng rắn chơi các trò chơi. Tôi cho con đi dạo phố cho “có không khí” nhưng vẫn cảm giác trung thu đến với con năm nào cũng theo một mô típ, chóng vánh và chẳng đọng lại chút dư âm”, chị Vân xót xa.

Còn với trẻ, cảm nhận của chúng về ngày này cũng thật khác. Cứ đến gần trung thu là bé Kiều Thạch Anh (5 tuổi, học sinh mẫu giáo, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại hỏi “Bao giờ trường tổ chức trung thu hả mẹ?”. Bởi bố mẹ đều bận, nên rất nhiều em bé mẫu giáo như Thạch Anh đều được tổ chức tại trường luôn cho tiện.

Trung thu của Thạch Anh chính là những chiếc bánh mua vội ngoài tiệm và chiếc đèn ông sao mà thứ đồ chơi đó, mẹ của Thạch Anh cho biết, bé chỉ xem qua rồi cất đi, không đoái hoài đến nữa. 

Với những học sinh lớn hơn, có lẽ lịch học dày đặc nên trung thu diễn ra có phần vội vã. Em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 3, Q. Hà Đông, Hà Nội hồn nhiên ước ao: “Trung thu em thường ra nhà văn hóa xóm phá cỗ với các bạn. Đi một lúc rồi lại về học bài, chứ không chơi lâu được. Em ước tết trung thu được nghỉ hẳn một ngày để vui chơi thỏa thích”.

Trung thu thời công nghệ, làm thế nào để trẻ vui?         

Trung thu thời công nghệ còn khiến các bậc phụ huynh “mắc kẹt” trong tâm tưởng, ý muốn của chính mình. Một mặt, cha mẹ muốn con hưởng một trung thu vui vẻ, dư âm đến cả tuần sau đó.

Nhưng mặt khác, cuộc sống ngày nay quá đủ đầy, vội vã nên niềm vui trong trung thu truyền thống lại bị mai một dần. Làm cách nào để trả lại lễ hội trung thu dân gian cho trẻ? Làm sao để trẻ cũng được trải qua niềm vui sướng của các lễ hội như các thế hệ cha mẹ, ông bà của chúng? Đó là những câu hỏi khiến các bậc phụ huynh hết sức “đau đầu”.

Mẹ Hà thành vẫn hụt hẫng vì “Tết  trung thu thời công nghệ nhạt nhẽo, chóng vánh quá!

"Người lớn chúng ta hãy tạo điều kiện nhưng hãy để trẻ được tự tay làm nên lễ hội của mình". Ảnh: Thu Hà

Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định trung thu là lễ hội của trẻ. Thực ra, việc đó không quá phức tạp, nếu cha mẹ thực sự để tâm đến ngày lễ hội của con.

Đầu tiên, các bậc phụ huynh hãy cho trẻ tham gia vào các công tác chuẩn bị lễ hội. Khi được thực sự tham gia và làm được việc gì đó “có ích”, trẻ sẽ có được niềm vui háo hức mong chờ ngày lễ hội đó. Chẳng hạn thay vì đi mua đèn lồng hoặc đồ chơi ngoại nhập, các cha mẹ hãy mua nguyên liệu về và dạy con cùng làm đèn ông sao, đèn lồng….

Dù món đồ có không thật đẹp đẽ nhưng chắc chắn con sẽ vô cùng vui sướng khi nhìn ngắm thành phẩm và mong chờ ngày Trung thu sắp đến.

Vui chơi trong ngày lễ hội mà không biết ý nghĩa của nó thì niềm vui sẽ trôi qua rất nhanh. Cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu ý nghĩa lễ hội và ý nghĩa của từng món đồ trong lễ hội. Đảm bảo điều đó sẽ giúp trẻ vui vẻ và hào hứng hơn nhiều là việc chỉ mua đồ chơi có sẵn.

Các bố mẹ hãy tổ chức lễ hội với một nhóm trẻ chứ đừng tổ chức riêng lẻ. Lễ hội bao giờ cũng cần có nhiều người tham gia.

Bởi nếu chỉ mua đồ cho con trưng bày và chơi một mình, con sẽ nhanh chóng chán nản. Nên tổ chức các lễ hội cho trẻ nhỏ ở cùng lớp, cùng khu phố hay một nhóm các gia đình thân thiết nhau. Mỗi người một việc, trẻ được cùng người lớn chuẩn bị, đi chợ mua đồ… một cách xôm tụ, náo nhiệt.

“Trẻ sẽ rất vui khi được mang niềm vui đến cho người khác. Vì thế, bạn nên để trẻ được tự tay làm ra chiếc bánh nướng, bánh dẻo rồi đem bánh biếu ông bà, bố mẹ. 

Sau lễ hội, tất cả cùng phải ở lại để chung tay dọn dẹp. Mỗi người một việc, chung tay không chỉ khiến công việc dọn dẹp được diễn ra nhanh gọn mà còn giúp trẻ học được kỹ năng chia sẻ. Không ai khác, chính người lớn chúng ta hãy tạo điều kiện nhưng hãy để trẻ được tự tay làm nên lễ hội của mình”, Tiến sĩ Thu Hương bày tỏ.

 Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Nghiên cứu chứng minh: Phụ nữ độc thân kiếm kiếm tiền giỏi, thành công hơn

Đọc nhiều nhất