"Nghề làm mẹ" có lẽ là một trong những nghề lấy được nhiều tâm huyết từ các mẹ nhất. Bất kể ai đã được làm mẹ đều muốn dành cả yêu thương, tình yêu để
chăm sóc những đứa con của mình. Và chị Nguyễn Ngọc Hà ở Hà Nội cũng vậy, chị ấy đã và đang dành cả tâm huyết của mình để chăm bé Nguyễn Minh Khang từng ngày, những mong con khỏe mạnh, thông minh và được là em bé hạnh phúc nhất thế gian.
Như bao bà mẹ khác, khi con trai đến tuổi ăn dặm, chị Hà dành thời gian để tìm hiểu thông tin về ăn dặm, rồi chuẩn bị mọi thứ, từ chiếc ghế ăn dặm cho tới những chiếc yếm ăn nhỏ xíu... Tất cả sẵn sàng để chị cùng con trai trải nghiệm giai đoạn đầy thú vị này.
Chị Hà và con trai. Ảnh: NVCC
Chị Hà chia sẻ: "Ăn dặm chỉ là để tạo cho con thói quen ăn uống, giới thiệu cho con biết mùi vị thức ăn ngoài sữa. Dưới 1 tuổi, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Thế nên các mẹ không cần phải quá áp lực về lượng con ăn được bao nhiêu mỗi bữa. Mẹ chỉ cần tạo không khí vui vẻ trong mỗi bữa ăn cho con và rèn con có nếp ăn ngoan bằng cách: ngồi ghế khi ăn, không vừa ăn vừa chơi, vừa xem tivi, ipad... và phải giới hạn thời gian cho mỗi bữa ăn, tuyệt đối không được ép con ăn dưới mọi hình thức".
Sau khi đọc và chắt lọc kiến thức từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, chị Hà quyết định cho con ăn dặm theo kiểu Nhật kết hợp với ăn dặm truyền thống. Những ngày đầu tiên, chị Hà nấu cháo theo tỉ lệ 1:10 và rây lại rồi cho con ăn chừng 5ml. Ngày thứ 2, chị Hà cho con ăn 10ml, cứ thế tăng dần mỗi ngày 5ml cho đến 30-40ml.
Tuần thứ 2 chị bắt đầu bổ sung thêm rau củ nghiền vào mỗi bữa ăn của con. Tuần thứ 3, chị tập cho con ăn kết hợp bằng cách hòa cháo với 1 loại rau củ, 1 loại rau củ ăn riêng, thêm đạm nhẹ như đậu hủ, đậu nành... Tuần thứ 4 thêm đạm cá (chỉ ăn được cá thịt trắng).
Theo chị, cho bé ăn sớm quá hoặc muộn quá thì cũng đều không tốt cho bé. Ảnh: NVCC
Qua tháng thứ 2, chị bắt đầu trộn các loại rau củ, cá với rau củ, cháo với cá, cháo với rau lại với nhau. Chỉ trộn 2 món một, hoặc trộn với soup để cho con làm quen.
Chị kể: "Vì nhu cầu của con mà 5 tháng rưỡi là mình quyết định cho con bắt đầu tập ăn". Đây cũng là khoảng thời gian tốt nhất để bé tập ăn dặm. Theo chị, cho bé ăn sớm quá hoặc muộn quá thì cũng đều không tốt cho bé.
Khi cho con tập ăn, mẹ phải tạo thói quen ăn đúng giờ cho con, không nên để con ăn lúc gắt ngủ, không vui vẻ như thế con sẽ không hợp tác. Nhiều mẹ nghĩ để con thật đói thì con mới ăn ngoan, thật ra lại không phải như vậy, thường những lúc như vậy là con hay cáu gắt và không chịu ăn.
Cho con ngồi ghế khi ăn, thời gian này thường các bé vẫn chưa ngồi vững nhưng mẹ vẫn có thể chọn ghế có điểm tựa và đai an toàn để cho bé ngồi mà không sợ bé cong lưng, gù lưng. Nếu cần, mẹ có thể chèn thêm gối vào giúp con ngồi vững hơn.
Không nên sử dụng gia vị cho con khi con dưới 1 tuổi. Nếu có thì mẹ phải cho con sử dụng nêm dành riêng cho bé với lượng rất ít. Ảnh: NVCC
Không nên sử dụng gia vị cho con khi con dưới 1 tuổi. Nếu có thì mẹ phải cho con sử dụng nêm dành riêng cho bé với lượng rất ít. Tuyệt đối không cho con ăn thử đồ ăn của người lớn vì các món đó đều đã có gia vị đậm đà, đến khi mẹ cho con ăn nhạt con sẽ không chịu hợp tác. Chị Hà tỉ mẩn làm nước hầm rau củ để lấy độ ngọt tự nhiên thêm vào bữa ăn hàng ngày của con mà không cần phải dùng gia vị.
Chị nói: "Dưới 1 tuổi, mình chưa cho Khang dùng gia vị vì sợ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, chức năng gan thận còn non nớt của con". Không cho con vừa ăn vừa uống nước làm con lười nhai mà nuốt thức ăn một cách thụ động.
Đến khi con được 7, 8 tháng, chị Hà bắt đầu tăng độ thô cho con tập nhai. "Lúc này mình nấu cháo với tỉ lệ 1:7, sau đó vẫn cần rây lại. Ninh cháo bằng bếp dễ bị mất nước, nên mình hay dùng cốc nấu cháo nấu cùng vào nồi cơm điện của cả nhà, khi cơm chín thì ủ thêm 30-40 phút nữa là cháo ngon. Cứ như vậy, mình tăng dần độ thô phù hợp với từng giai đoạn của con làm sao khi con 1 tuổi là có thể ăn cơm nát là được. Đối với rau củ, mình băm nhuyễn, hấp hoặc luộc với ít nước rồi rây lại cho con ăn riêng để con biết phân biệt từng vị. Còn với cá và thịt gà, mình nấu thật nhừ rồi dùng thìa để dầm nát nhuyễn rồi cho vào rây lại để kiểm tra độ nhuyễn. (Chú ý: Với cá nên bỏ nước đầu tiên đi vì trong cá chứa nhiều muối, muối sẽ ra trong nước đầu). Khi con được ngoài 9 tháng, mình bắt đầu cho con tập làm quen với thịt đỏ (thịt lợn và thịt bò), lúc đó, con đã ăn thô khá tốt rồi nên mình chỉ cần băm nhỏ là ổn", chị Hà kể lại.
Hiện giờ, bé Minh Khang đã được 1 tuổi và trộm vía, ăn uống rất hợp tác với mẹ, rất vui vẻ, hào hứng trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Cứ như thế, chị Hà đã cùng con vượt qua giai đoạn ăn dặm một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Hiện tại, chị đã tăng độ thô và hàm lượng dinh dưỡng dần lên cho con theo từng giai đoạn theo hướng dẫn dưới đây:
5-6 tháng tuổi
Cháo trắng tỉ lệ 1:10, rây lại, tăng từng 5ml theo ngày, đến khi tinh bột (cháo, mì) đạt 50ml, rau củ 20ml và đạm không quá 10ml.
9-11 tháng tuổi
- Tinh bột: 90g cháo 1:5 hoặc 80g cơm nhão.
- Rau củ, trái cây: 30-40g
- Thịt, cá: 15g
- Đậu hủ, đậu nành: 45g
- Các chế phẩm từ sữa: 80g
- Trứng: 1/2
1 đến 1 tuổi rưỡi
- Tinh bột: 90g cơm nhão hoặc 80g cơm thường.
- Rau củ, trái cây: 40-50g
- Thịt, cá: 15-20g.
- Đậu hủ, đậu nành: 50-55g
- Các chế phẩm từ sữa: 100g
- Trứng: 1/2 đến 2/3 trứng.
Một số món ăn mà chị Hà đã làm cho Khang, các mẹ cùng tham khảo:
Mẹ Khoai
6 người đẹp Việt khiến cư dân mạng 'thót tim' vì diện váy xẻ quá cao