Mẹ “méo mặt” vì quen cho con bú lệch
Tin liên quan
Méo mặt vì cho con bú lệch
Rất nhiều mẹ, vì cho con bú lệch mà đã phải gánh hậu quả có bộ ngực “bất thường” chỉ sau vài tháng lơ là. Điều này không chỉ khiến mẹ tự tin vì mất thẩm mĩ, mà còn khiến con thiệt thòi vì chỉ được hưởng một bầu sữa mẹ. Tệ hơn, có thể khiến bé bị ngoẹo cổ vì liên tục phải nghiêng về một phía khi bú mẹ.
Lần đầu sinh con, chị Hoài Ly (Lĩnh Nam – Hà Nội) cho biết, chị rất khó khăn để cho con bú, vì thế, khi cho con bú thành công bên ngực trái, chị rất hào hứng và chỉ tự tin khi cho con bú bên trái.
Người mẹ trẻ không nghĩ rằng, mình đã tạo cho bé một thói quen xấu, chỉ chịu bú ngoan khi được mẹ cho ti bên ngực trái quen thuộc.
“Càng lớn, bé càng bất hợp tác, không chịu ti bên phải. Chỉ sau 1 tháng, mình thấy ngực bên phải ít sữa thấy rõ, còn con thì nhất quyết không chịu bú nếu không phải là bên trái. Mình thật sự lo lắng” – chị Ly cho biết.
Cho bé bú không đúng cách có thể dẫn đến bú lệch, gây hại cho cả mẹ và con
Đến nay, khi con trai chị được 9 tháng tuổi, cũng là lúc chị Ly “méo mặt” vì ngực của mình cũng bị lệch theo thói quen bú của con. Ngực lệch khiến chị vô cùng xấu hổ, tự ti khi ra ngoài.
“Không phải cứ mặc áo độn là xong, mình cảm giác như ai ai cũng nhận ra sự bất thường ấy của mình…” – chị Ly tâm sự.
Đồng cảnh ngộ với chị, chị Hoài An (Gia Lâm, Hà Nội), lại bị ngực bên ngực phải lớn hơn ngực trái, cũng vì cho con bú sai cách.
“Bé nhà mình nết ngủ cực kỳ xấu, chỉ chịu ngủ khi bú. Những ngày đầu sau sinh, vì đau đớn và vì mệt mỏi, mình thường nằm cho con bú và nằm nghiêng phải. Cũng vì thế, bầu ngực bên phải luôn căng sữa hơn bên trái. Vì thế mình cũng hay cho con bú bên phải hơn. Rồi sau đó, cũng bởi liên tục cho con bú nằm, không biết cách đổi bên cho con, nên mình kệ. Ai ngờ, bên ngực trái mất sữa luôn. Cho đến hơn 1 tuổi, con mình vẫn chỉ bú bên phải. Bên trái, nếu có cũng rất ít và cũng không đủ lượng sữa để thỏa mãn bé” – chị An cho hay.
Tuy nhiên, trường hợp của chị An và chị Ly vẫn còn lạc quan, bởi bé vẫn đủ sữa bú, còn mẹ chỉ bị ảnh hưởng về mặt thẩm mĩ. Còn chị Mai Anh (Lý Nam Đế - Hà Nội) thì thực sự stress vì thói quen cho con bú lệch còn khiến cậu con trai 3 tháng tuổi dường như bị vẹo cổ sang một bên – bên phải theo chiều bú mẹ.
Chị Mai Anh kể, mới làm mẹ nên chị không biết cho con bú đúng cách, bé ngậm sai khớp ngậm nên bú được rất ít sữa. Một bên ngực trái của chị bị nứt cổ gà đau đớn, nên chị không dám cho con bú. Thêm vào đó, bé hay bị sặc khi bú bên ngực đó, nên chị đành cho con bú một bên.
Nên thận trọng cho con bú ngay từ đầu
Tuy có một số ý kiến cho rằng, bú lệch không ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng sữa cho con; cũng như ngực của mẹ sau khi cai sữa sẽ trở về kích thước đều bình thường, nhưng cho con bú lệch rõ ràng ảnh hưởng không nhỏ đến cả mẹ và bé. Trong khi đó, mẹ có thể điều chỉnh để sửa được “tật” này từ sớm; hoặc phòng ngừa cho bé bú lệch ngay từ đầu.
Chị Mai Anh cho biết, thấy con bị “vẹo” cổ bất thường, chị đang cố gắng cải thiện bằng cách tích cực đổi bên cho con ti, nhưng bé dường như không thích thú lắm. Do đó, chị phải đặt quyết tâm rất lớn, quyết tâm chỉnh lại cách cho con bú.
Ngực lệch vì cho con bú lệch gây mặc cảm, tự ti ở mẹ
“Giờ đây, mỗi lần cho bé ti, mình thường cho ti bên trái – là bên ít sữa trước. Bé khóc nhiều vì sữa không ra mạnh, và cũng do thói quen không được đáp ứng. Nhưng mình cố gắng nựng và dỗ con. Nếu con chưa chịu bú, mình lại ngưng một lát, để lúc khác cho bú lại. Cho bé bú bên ít sữa trước, sau đó chuyển bên, và lại tiếp tục cho bú bên ít sữa… làm như vậy vừa để kích sữa, vừa để đảm bảo con có đủ sữa cho mỗi lần bú mẹ” – chị chia sẻ.
Đây là cách khắc phục tình trạng bú lệch mà mẹ chồng của chị chia sẻ. Sau 3 tuần, con trai chị đã hợp tác hơn với mẹ trong việc bú. Tuy về kích thước 2 bên ngực chưa cân đối như cũ, nhưng chị cảm nhận rõ sữa bên bầu ngực trái đã về nhiều hơn trước.
Thực tế, thói quen cho bú lệch này thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: cho con bú không đúng cách; ngực mẹ ban đầu ít sữa, hoặc do mẹ quen cho bé nằm ti, không chuyển bên. Vì thế, những chị em mới làm mẹ nên có sự chuẩn bị kiến thức từ đầu về kĩ thuật cho con bú, cho con ngậm đúng khớp ngậm khi ti. Nên khắc phục ngay thói quen cho bú một bên khi “chớm” xuất hiện, vì để lâu sẽ rất khó cải thiện.
Trong trường hợp mẹ đã “lỡ” cho con bú một bên vì lý do bé lười ti bên còn lại, hoặc khó cho con bú, mẹ có thể liên tục vắt sữa để duy trì nguồn sữa cho cả 2 bên, đồng thời tránh ngực “lệch”. Về lâu dài, vẫn phải cho bé bú mới có tác dụng kích sữa tích cực và giúp mẹ có bầu ngực đẹp kể cả khi cho con bú mẹ hoàn toàn.
Bên cạnh đó, mẹ có thể tăng cường mát xa ngực. Khi nằm ngủ, mẹ có thể nằm nghiêng về bên ngực nhỏ nhiều hơn, để kích thích ngực phát triển.
Quỳnh Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất