Mẹ chăm con bị thủy đậu, con khỏi thì đến lượt mẹ lây bệnh vì lý do không ngờ này

Mẹ chăm con bị thủy đậu, con khỏi thì đến lượt mẹ lây bệnh vì lý do không ngờ này

Thu Hà 2018-06-09 11:00
- Mẹ chăm sóc con bị thủy đậu hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Dù đây là bệnh lành tính nhưng cũng khiến không ít bà mẹ lo lắng.

Cả nhà tá hỏa vì thủy đậu

Con gái chị Nguyễn Thị Lộc (Vĩnh Phúc) bị thủy đậu khi bé lên 3 tuổi. Ban đầu, con bị nổi nốt mụn nước, rồi nhanh chóng lan khắp mặt, mình mẩy.

Chồng đi làm suốt ngày nên chị Lợi là người chăm sóc con ngày đêm. “Con ngứa ngáy, quấy khóc suốt ngày. Mỗi lần chấm thuốc là một lần con khóc, mẹ khóc vì thương con”, chị Lộc tâm sự.

Sau một tuần chăm con bị thủy đậu, chị Lộc không ngờ chị bị lây bệnh từ con. Chị Lộc phải xin nghỉ làm ở nhà một tuần vì không thể “bê” bộ mặt xanh lè đi làm.

Khổ nỗi mấy nốt thủy đậu lại mọc ở “vùng tam giác”, mỗi lần chấm thuốc là một lần chị Lộc rơm rớm nước mắt vì xót. Hết con ốm lại đến mẹ ốm, cả nhà chị đảo lộn sinh hoạt chỉ vì…thủy đậu.

Trong thời điểm các loại dịch bệnh truyền nhiễm đang vào mùa, rất nhiều bà mẹ có chung nỗi ám ảnh lây nhiễm chéo như chị Lộc.

Mẹ chăm con bị thủy đậu, con khỏi thì đến lượt mẹ lây bệnh vì lý do không ngờ

Mẹ chăm sóc con bị bệnh thủy đậu cũng rất dễ bị lây nhiễm chéo. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Lê Thu Phương (Đơn Nguyên Nhi - Vaccine, Bệnh viện Vinmec Hạ Long) lý giải bệnh thủy đậu do vi - rút Varicella Zoster gây ra, thường gặp nhất vào mùa xuân, nhưng cũng có thể xảy ra quanh năm. Thủy đậu có thể lây nhiễm theo nhiều con đường khác nhau.

“Thủy đậu lây theo đường giọt bắn nước mũi, nước bọt…của người bệnh bắn ra theo đường không khí, hoặc do đụng chạm vào ban ngứa của người bị thủy đậu. Ngoài ra tiếp xúc với quần áo hoặc vải trải giường có dính chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng, mũi của người bị bệnh đều có thể lây nhiễm.

Hơn nữa, ở người mắc thủy đậu bệnh có thể lây từ 1 – 2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi vết phồng đã đóng vảy. Cho nên, mẹ chăm sóc con bị thủy đậu hoàn toàn có thể lây nhiễm bệnh từ con. Khoảng 90% người chưa từng mắc thủy đậu sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với người nhiễm”, bác sĩ Thu Phương cho biết.

Cẩn thận nguy cơ biến chứng nhiễm trùng huyết

Bác sĩ Thu Phương khẳng định thủy đậu là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7- 10 ngày, nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não... hoặc để lại di chứng về sau này.

Cho nên ngay khi xuất hiện triệu chứng bệnh, cha mẹ cần cho con đi khám để được điều trị, chăm sóc đúng cách, tránh nguy cơ biến chứng.

“Bệnh sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, thường khởi phát đột ngột với triệu chứng đặc trưng là nổi mụn nước. Mụn nước có đường kính 1 - 3 mm, chứa dịch trong, xuất hiện rất nhanh, trong vòng 12 – 24h có thể nổi toàn thân.

Người bị nhiễm bệnh có thể chỉ nổi từ vài mụn, nhưng cũng có thể nổi tới hơn 500 nốt trên khắp người. Tuy nhiên, những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn hoặc khi nhiễm thêm vi khuẩn, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ”, Bác sĩ Thu Phương nói.

Mẹ chăm con bị thủy đậu, con khỏi thì đến lượt mẹ lây bệnh vì lý do không ngờ

Tiêm phòng vắc - xin là cách hữu hiệu để phòng lây nhiễm bệnh thủy đậu cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Ảnh minh họa. 

Nếu không có biến chứng, bệnh sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày. Các nốt mụn sẽ khô dần, bong vảy, thâm da ở nơi nổi mụn nước. Trong trường hợp bị nhiễm thêm vi khuẩn, mụn nước sẽ bị nhiễm khuẩn và để lại sẹo.

Biến chứng nguy hiểm nhất là vi trùng xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não rất nguy hiểm.

“Để phòng lây nhiễm thủy đậu, ngoài việc tránh tiếp xúc với mụn nước, người chăm sóc trẻ cần được tiêm vắc – xin phòng thủy đâu. Đây là cách chống lây nhiễm hiệu quả, lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại vi - rút thủy đậu. Khoảng 90% người đã tiêm chủng có khả năng miễn dịch tuyệt đối với bệnh. Khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, rất ít nốt đậu, không bị biến chứng”, Bác sĩ Thu Phương tư vấn.

Thu Hà

Cách tiêm vaccine với từng độ tuổi:

- Trẻ em từ 12-18 tháng tuổi: Tiêm 1 mũi.

- Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào: Tiêm 1 mũi.

- Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào: Tiên 2 mũi, cách nhau từ 4-8 tuần.

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


6 bài tập trong 2 tuần bụng và lưng ngấn mỡ sẽ thon gọn ngay

Đọc nhiều nhất