Đừng "dập tắt" tương lai con bằng ánh mắt đầy hằn học
2015-02-22 09:20
- Đừng để những ánh mắt, suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống quanh ta ảnh hưởng đến cả tương lai của con trẻ.
Tin liên quan
Những bà mẹ hay phàn nàn
Một lần, tôi ngồi ở một phòng chờ bệnh viện, nghe hai người mẹ nói chuyện với nhau. Chuyện đàn bà, xoay quanh vấn đề bài vở, thi cử của con. Một trong hai người, có vẻ đáo để, nhìn nhận mọi chuyện khá căng thẳng và tiêu cực. Chị phê bình mọi thứ, từ thầy cô giáo của con; đến tình hình xe cộ, giao thông trên đường con đi học; đến cả trường đại học ở tỉnh nhà: nào là nhiều scandal, nào là nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, những người có việc thì chất lượng không tốt,... Chị ấy tuyên bố dù thế nào cũng không cho con mình học “cái trường vớ vẩn đó”. Tôi không cố tình nghe chuyện của họ nhưng vì trong phòng chờ yên lặng quá, lại chỉ có tôi và họ ở đó nên câu chuyện cứ lọt vào tai.
Và, tôi phải nói thực điều này, tôi không ưa những người hay chê bai và phán xét! Tôi sợ nhất là ngồi nghe những người ấy kêu ca, than thở, phê bình cả thế giới này như thể mọi thứ sụp đổ đến nơi rồi. Bởi trong những lời kêu ca, phán xét ấy, điều mà họ không hề ngó ngàng tới để nhận xét, chính là bản thân mình! Trong mối quan hệ với con cái, cách chúng ta nhìn nhận tiêu cực về thế giới sẽ là “chất độc” vô tình tiêm nhiễm vào con. Con trẻ chỉ toàn nghe ta chê bai, vô tình sẽ học cách nhìn nhận của ta. Sẽ luôn ám ảnh rằng gần như chúng không thấy điều tốt đẹp bao giờ, gần như thế giới không còn gì đáng quý. Trẻ không sẵn sàng để hòa đồng, không thực sự mở lòng với những người xung quanh, luôn cảm thấy cô đơn và không thể hóa giải nỗi cô đơn khi không có những người thân thích ở bên. Nghĩa là trẻ sẽ trở thành kiểu người bạc nhược, kém cỏi, luôn sợ hãi bên trong nhưng thái độ thì cố tỏ ra căng thẳng và khinh rẻ.
Chẳng lẽ chúng ta không được phép phàn nàn?
Thật ra, phê phán là một kỹ năng nên được chúng ta duy trì. Càng biết cách phê phán, chúng ta càng biết cách sống đúng đắn và ý nghĩa. Nhưng một người phê phán cả thế giới, nói vui là như kiểu “bác sĩ” - nhìn đâu cũng ra vi trùng, thì vấn đề lớn nhất lại thuộc về chính họ! Nhiều người mẹ nói rằng chẳng lẽ họ phải nói dối cả về cảm nhận của mình hay sao? Chẳng lẽ đứng trước một điều không tốt, vẫn phải nói rằng đó là điều tốt, thậm chí cố xúy thêm? Đôi lúc có những người không muốn nói với con những câu chuyện tiêu cực, nhưng thế giới xung quanh đầy rẫy những điều xấu xa, họ cảm thấy cần dạy con tỉnh táo, và cảnh giác.
Nhưng nếu chúng ta lập một danh sách tất cả những điều xảy ra xung quanh mình và ghi chép cụ thể để so sánh, thì có bao giờ ta đồng ý rằng, số lượng những điều xấu xa, mệt mỏi, những câu chuyện rắc rối mà ta nói với con hoặc vô tình ta để con nghe thấy, nó nhiều gấp nhiều lần những câu chuyện về điều tốt, về sự trong trẻo, mà ta nói với con hàng ngày không?
Tôi hoàn toàn đồng ý với việc dạy con những câu chuyện về điều xấu để cảnh giác. Dạy con cách tư duy phản biện và phê phán. Dạy con cách “lật trái” vấn đề để thấy những gì sẽ diễn ra phía sau sự a dua, hay lối tư duy bầy đàn. Nhưng tại sao ta thường giấu cho riêng mình những điều tốt đẹp, những cảm nhận tích cực hay một niềm vui bất chợt? Và cả lòng tin vào những điều giản dị ở đời? Con cái bị ảnh hưởng rất nhiều từ cảm xúc của cha mẹ, từ thái độ nhìn nhận của cha mẹ về thế giới. Dù cho các con chưa hiểu hết về tình tiết, về diễn biến hay kết quả những câu chuyện mà cha mẹ đánh giá, nhưng nếu một người mẹ suốt ngày chỉ chê bai cái xấu (và cứ cho sự chê bai ấy là xứng đáng), thì cũng là trở ngại lớn cho con cái trong việc xây dựng cho mình niềm vui sống.
Hơn nữa, khi đối diện với cái xấu, con người ta có hai lựa chọn. Một là tránh xa và mặc kệ, hai là giữ khoảng cách nhưng vẫn cố gắng hành động trong khả năng tốt nhất có thể của bản thân mình. Đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi một người mẹ chỉ nói đến những điều tiêu cực sẽ chọn phương án “tránh xa”. Ban đầu, trẻ chỉ nghĩ là mình đang tránh xa cái xấu, nhưng lâu dần sẽ tạo thành phản xạ tránh xa mọi điều, mọi người, mọi nơi mà mình không quen, không cho mình cảm giác thân quen. Thậm chí “gắn nhãn” cho những gì không thân thuộc với mình, trở thành cái không đáng để cho mình quan tâm, học hỏi và đề cao. Trong khi đứa trẻ được tác động từ cái nhìn tích cực luôn sẵn sàng học hỏi và dành tình cảm cho thế giới, bởi đứa trẻ ấy tin, ngoài những niềm vui mình biết, cuộc sống sẽ còn nhiều những điều tốt đẹp, núp dưới nhiều hình thức “xù xì” khác nhau.
Tôi thậm chí còn chưa đề cập đến việc những điều mà cha mẹ có lối suy nghĩ tiêu cực vốn cho là xấu, theo thành kiến của họ, có thực sự xấu như những gì họ nghĩ hay không? Và dù họ nghĩ thế nào thì con cái vẫn có quyền được có chính kiến riêng của con cơ mà? Như chuyện hồi tôi còn nhỏ, mẹ tôi và thế hệ của mẹ luôn coi những người đồng tính hay những cô gái không chồng nhưng có con là xấu. Bây giờ tôi nghĩ khác, và con tôi, tất nhiên cũng có quyền được nghĩ khác tôi!
Khi không thể thay đổi được thế giới, ta cần thay đổi cách nhìn nhận của chính bản thân mình
Thật ra, thế giới tồn tại quanh ta vẫn muôn hình vạn trạng như thế, từ triệu năm nay rồi. Cái khác nhau, có chăng là ở cách nghĩ của chúng ta thôi. Thay vì nói suốt ngày về hàng trăm điều xấu bên cạnh mỗi một điều tốt đẹp, sao ta không nói với con về điều tốt đẹp đang hiên ngang đứng vững giữa hàng trăm điều xấu? Thay vì chỉ nói với con về sự tiêu cực, về những scandal ở trường học, ta lại không nói với con về việc con người ta vẫn có thể sống tốt, tự điều chỉnh bản thân để không sa ngã ngay cả khi quanh ta là một môi trường xấu? Sao ta không tạo cho con lòng tin rằng con có thể vươn lên để không tiêm nhiễm những điều nhỏ mọn, ta lại vô tình “xúi” con “cạch mặt” cái thế giới xung quanh, để chui vào vỏ ốc, để giữ cho mình khỏi nhiễm “bụi trần”.
Thế giới tồn tại quanh ta vẫn muôn hình vạn trạng như thế, từ triệu năm nay rồi. Cái khác nhau, có chăng là ở cách nghĩ của chúng ta thôi. (Ảnh: vnphoto)
Từ bỏ một thói quen thông thường đã khó. Từ bỏ thói quen chỉ nói về cái xấu, thật ra còn khó khăn hơn nhiều! Sâu xa, những người chỉ nhìn thấy cái xấu của thế giới xung quanh, lại chính là những người không có lòng tin vào bản thân mình. Bởi không tin mình, không tin rằng chính mình có thể bình an làm người tốt giữa muôn vàn những bát nháo ở đời, nên họ luôn căng thẳng trước những điều không tốt.
Trước đây, tôi biết một người mẹ “đình đám”. Chị nổi tiếng bởi đã có công phát hiện ra sự nhập nhèm của một công ty sữa. Sự việc đến đó thì tôi đánh giá chị rất cao, tôi nghĩ chị thẳng thắn và trung thực. Nhưng về sau, tiếp xúc thêm với chị, tôi phát chán bởi chị luôn nói không tốt về mọi điều xung quanh, về con người và đất nước này. Thậm chí tôi đã tránh không nghe điện thoại của chị khi chị luôn gắn chữ “chán”, chữ “chả ra gì” vào mọi câu chuyện chị nhìn thấy, vào mọi điều chị nghe. Chị lên án từ đài truyền hình đến những người bán rau ở chợ. Về sau, cũng không biết có phải vì thất vọng quá với đất nước này hay không mà chị chuyển sang buôn đồ xách tay, xách lậu hàng nước ngoài qua máy bay vì đánh giá quá thấp chất lượng của mọi thứ đồ trong nước. Tôi cũng chẳng để ý gì lắm, bởi thu nhập của tôi, không có khả năng mua những món đồ đắt đỏ chị mang về. Nhưng một thời gian ngắn sau, người mẹ “đình đám” kia bị phanh phui. Hóa ra ban đầu, chị ấy buôn bán nghiêm túc thật. Nhưng đồng tiền kiếm được ngày càng khó khăn, chị ấy cũng chỉ vì nghe những lời chào hàng dễ dãi mà “sa ngã”, tặc lưỡi cho xong, nhập mấy thứ hàng có nguồn gốc nhập nhèm. Quả thực, tôi thấy rất chính xác điều mà tôi đã nghĩ, rằng người nào hay chê cái sai của người khác, người nào giỏi bắt lỗi người khác, thực ra là người rất dễ phạm sai lầm, bởi họ bị ám ảnh bởi cái xấu đến mức không tin rằng người khác (cũng như mình) có thể tránh khói cái xấu trong cuộc sống.
Vậy thì thay vì nói với trẻ toàn những điều tiêu cực, và coi những điều tiêu cực ở đời như một con quái vật khổng lồ có thể nuốt chửng con, sao ta không dạy con về sự kiên định, về tình yêu cuộc sống và trao cho con một sức mạnh để con có thể giữ vững bản lĩnh của mình, trong mọi hoàn cảnh khi cuộc đời xô đẩy? Tại sao ta không dạy con cách để cho mình yên lặng, tĩnh tâm mà thu xếp và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp hơn với đời? Sao ta không cho con cái quyền hi vọng, rằng đừng mất thời gian kêu ca, hãy để tâm sức mà lẳng lặng học hỏi, lẳng lặng phấn đấu và vươn lên, đời sẽ không phụ công ta yêu đời? Nói cách khác, ta nhìn đời ra sao, đời sẽ dành cho ta chính cái nhìn như thế!
Nguyên Ân
(Theo Congluan.vn)
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Những sao Việt sinh con trước, cưới hỏi tính sau vẫn có cuộc sống viên mãn