Con bướng bỉnh, cáu kỉnh không hồi kết, mẹ 9X cùng con vượt khủng hoảng tuổi lên 3 bằng thấu hiểu và tình yêu thương
Tin liên quan
Chị Trang cho biết, khủng hoảng tuổi lên 3 là kỳ khủng hoảng kéo dài khi con từ khoảng 15-40 tháng. Đó là một điều hiển nhiên, tất yếu sẽ xảy ra ra ở hầu hết các em bé.
Bước vào giai đoạn "khủng hoảng lên 3" con thường sẽ có dấu hiệu như: Hay tủi thân, hờn dỗi vu vơ. Đụng một chút là tủi hờn, mếu máo khóc tấm tức. Nghiêm trọng hơn, con thường rất bưởng bỉnh, rồi làm tất cả ngược lại với điều người khác nói. Và quan trọng là "Con đã hiểu những gì mọi người nói".
Chị Thuỳ Trang và bé Mon (Ảnh: NVCC)
Khủng hoảng tuổi lên 3, con đã biết tủi thân
“Những lúc đi ra ngoài cùng con, mình hay "khiêm tốn" khi con được khen. Sau vài lần như thế, mình thấy ánh mắt con trùng xuổng, khuôn mặt buồn buồn. Đang làm gì cũng bỏ luôn không làm nữa. Mẹ nói không nghe, rất lì lợm.
Vậy là mình bất chợt nhận ra "con đã nghe hiểu và biết tủi thân rồi đó". Có lẽ với mẹ đó là câu nói "khiêm tốn", nhưng với con nó là sự "phủ nhận mọi cố gắng nỗ lực của con", và "người ta đã phủ nhận sự cố gắng của mình thì mình cố gắng làm gì nữa?".
Vậy là từ đó, mình ra ngoài cùng con cũng chăm khen con hơn. Nhưng khen cũng phải lựa cách để khen, phải khen đúng, không cường điệu. Ví dụ như “Dạo này Mon bắt đầu nói được nhiều từ mới hơn rồi nhé, con cố gắng nói được thêm cả từ đôi nữa rồi”, “Mon chịu khó giúp mẹ việc nhà lắm bác ạ”, “Hôm nay con đã rất cố gắng chăm chỉ học đấy”…chị Trang cho hay.
Con đã biết tự ái
Bà mẹ trẻ cho biết, chị đã từng trách mắng, phạt con trước mặt mọi người. Rồi luôn thắc mắc tự hỏi, sao con không chịu nghe lời, con lì lợm, dù nói nặng có, nhẹ có, dọa nạt có, đánh có... nhưng con vẫn không thèm quan tâm.
Mon đã biết tự ái khi bị mẹ quát mắng nơi đông người (Ảnh: NVCC)
“Sau vài lần thiếu kiềm chế, trách mắng con nơi đông người, mình nhận ra rằng: "Con đang tự ái". Rồi mình nhớ lại ngày còn bé, bố mẹ hay đánh mắng, rêu rao lỗi lầm của mình công khai trước mặt rất nhiều người. Cảm xúc lúc đó vừa xấu hổ, vừa tức, vừa ấm ức. Sau đó thì lì mặt ra, càng nói càng làm, càng trêu chọc tức bố mẹ.
Thế nên mình cũng rút kinh nghiệm, tránh tối đa việc trách mắng hay quát nạt con nơi đông người. Muốn gì thì đưa con ra chỗ khác, nói chuyện riêng, nơi chỉ có 2 mẹ con, tránh làm con xấu hổ”, mẹ Mon chia sẻ.
Con cần những cái ôm
Giai đoạn này con rất dễ bị tổn thương, hay có suy nghĩ bị bố mẹ bỏ rơi, không thương mình nữa. Do đó, chị Trang khuyến khích các mẹ hãy thường xuyên ôm con, trò chuyện cùng con.
Đặc biệt lúc con giận dữ, bức xúc điều gì đó, mẹ hãy ôm con, hãy xoa dịu con. Hãy thủ thỉ với con: "Con đang tức giận à?", "Mẹ hiểu là con đang rất bực mình", "Khi nào con bình tĩnh lại thì con nói cho mẹ biết lý do con tức giận nhé".... Sau khi con bình tĩnh trở lại, người bắt đầu mềm ra, thút thít nức nở nhẹ nhẹ, mẹ hãy giải thích với con về việc vừa xảy ra. Xem xét điều con mong muốn có chính đáng không? Có gây nguy hiểm cho con không?Nếu mong muốn của con chính đáng và không nguy hiểm thì mẹ có thể thỏa mãn điều đó.
Ngược lại, hãy giải thích cho con "tại sao?". Mặc dù con sẽ hơi rấm rứt chút, và có thể vẫn khóc để mè nheo, nhưng sự tức giận trong ánh mắt con sẽ không còn nữa nếu câu giải thích của mẹ thỏa đáng.
Con rất cần tình yêu thương từ những cử chỉ của tình cảm của cha mẹ (Ảnh: NVCC)
Ngôn từ và ngữ điệu khi nói chuyện với con
Mẹ Mon nhấn mạnh rằng, việc ứng xử khủng hoảng tuổi lên 3 của con, mẹ cần dịu giọng xuống, thêm chủ ngữ vị ngữ vào câu cho đầy đủ. Ngồi xuống ngang hàng với con, nhìn thẳng vào mắt con để nói chuyện với nhau. Nói chuyện nghiêm túc và tình cảm, không cười cợt, không la mắng, không xúc phạm danh dự nhân phẩm của con.
Khi con ăn vạ
Chị Trang chọn giải pháp rằng, khi con ăn vạ, mẹ có thể để kệ cho con khóc rồi tự nín. Nhưng mẹ tuyệt đối đừng bỏ con lại đó một mình. Hãy ngồi cạnh con, chờ con khóc cho xong, chờ con bình tĩnh trở lại rồi nói chuyện với con. Mẹ bỏ đi chỗ khác, con sẽ có cảm giác bị bỏ rơi và tổn thương.
“Đặc biệt, phải kiểm tra xem con có bị ốm, đau, mệt, nóng hay đói, khát, ngứa ngáy gì hay không. Đó là những lí do chính đáng con khóc chứ không phải ăn vạ”, chị Trang nhấn mạnh.
Mẹ có nên nghiêm khắc với con không?
Mẹ rất rất nên nghiêm khắc với con. Nhưng "Nghiêm khắc" ở đây không phải là đánh mắng, quát nạt, là xúc phạm con. Mẹ Mon khẳng định, chúng ta cần "Nghiêm khắc bằng sự mềm mỏng".
Cha mẹ có thể đặt ra những quy tắc, những nền tảng nền nếp cho con, nhưng phải để cho con tin, phục, và tự nguyện, chứ không phải áp đặt bắt con phải thực hiện.
“Nói thì dễ, nhưng làm mẹ rồi mới hiểu được việc kiềm chế cảm xúc khó khăn đến mức nào. Thỉnh thoảng, Mon vẫn bị tét đít, bị mẹ quát mắng. Những lúc đó, vai trò của bố rất quan trọng. Vì bố có thể giúp mẹ giải tỏa stress và điều hòa cảm xúc”, bà mẹ Hà thành tâm sự.
Con thay đổi khi bố mẹ thay đổi
Mỗi đứa trẻ, đều có những giai đoạn phát triển cảm xúc khác nhau. Do đó, bố mẹ cần linh hoạt thay đổi, vận dụng các phương pháp và cách giáo dục khác nhau cho mỗi thời kì, mỗi giai đoạn. Có cương có nhu. Không thể thắng bằng 1 cách giáo dục, áp dụng từ lúc con sinh ra tới lúc con lớn lên được.
Chị Trang cũng bày tỏ rằng: “Kiến thức của mình chỉ mang tính chất tham khảo. Các mẹ nên chắt lọc và xem xét, điều này phù hợp với con mình mới áp dụng. Nếu không, hãy tham khảo thêm nhiều bài viết khác để tìm ra hướng đi phù hợp nhất cho con. Đừng bao giờ ốp cứng nhắc một phương pháp nào đó của "con nhà người ta" vào "con nhà mình. Hãy luôn nhớ, con thay đổi khi bố mẹ chấp nhận thay đổi”.
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất