Sốc vì nghe thấy con nói bậy, mẹ 9X không đánh mắng mà dạy con sâu sắc theo cách này để con dừng ngay hành vi xấu
Tin liên quan
Mẹ bé Bơ chia sẻ, dạo gần đây, con hay đi quanh hàng xóm để chơi với các bạn. Chị nghĩ, có thể con đã nghe được từ nói bậy nào đó.
“Cảm giác khi nghe thấy Bơ nói vậy, thật sự mình rất sốc vì không hiểu sao con có thể nói ra từ như thế được”, chị Ngọc Thuý cho biết.
Chị Thuý và bé Bơ (Ảnh: NVCC)
Lúc này, chị Thúy cho rằng cách cha mẹ phản ứng lại với lời nói của con, sẽ ảnh hưởng đến hành vi chửi tục của con sau này. Con tiếp tục hay dừng lại hành vi này là do cha mẹ.
Theo đó, bà mẹ trẻ đưa ra một số vấn đề liên quan đến việc giáo dục, dạy con khoa học khi con nói bậy như sau:
Vì sao trẻ nói bậy?
Trẻ đang trong giai đoạn khám phá ngôn ngữ, hay thậm chí thử nói theo từ mới học được để hiểu được ý nghĩa của từ đó. Trẻ cũng có thể đang cố gắng để biểu lộ cảm xúc giận dữ như người khác, hay thậm chí đơn giản nói vì nghe những từ đó có vẻ hài hước hay trẻ nhận được phản ứng gì đó.
Cha mẹ cần làm gì khi con nói bậy?
Theo chị Thuý, cách hiệu quả nhất khi nghe thấy con nói bậy là phớt lờ hoàn toàn khi con nói. Không nói chuyện, không dùng ánh mắt đáp lại con. Nếu chỉ đơn giản con muốn chú ý, thì đây là cách tốt nhất để dừng lại. Phản ứng của bố mẹ sẽ ảnh hưởng đến việc con có nói bậy nữa hay không. Bình tĩnh lúc này chính là chìa khoá.
Mẹ bé Bơ cho rằng, nên phớt lờ khi nghe con nói bậy (Ảnh: NVCC)
“Nếu con tiếp tục nói bậy, đây là cơ hội để dạy cho con về việc nói bậy, cố gắng dùng những từ dễ dàng cho con hiểu. Ví dụ, mẹ nói “Mình không nên dùng những từ ngữ đó con ạ, sẽ làm mọi người buồn đó”. Trẻ không hoàn toàn hiểu được từ mà chúng nói, nhưng chúng có thể hiểu được rằng, việc nói những từ này làm cho bố mẹ buồn hay là xúc phạm đến người khác.
Nếu nói bậy xuất phát khi con nghe giống 1 từ nào con đang tập nói: “thịt”, như Bơ nói từ “kính” chẳng hạn, thì mẹ có thể sửa luôn từ cho con nói cho con phát âm cho chuẩn hơn”, mẹ bé Bơ nhấn mạnh.
Bố mẹ có nên giải thích nghĩa của từ đó không?
Thực sự, trẻ tập đi hay trẻ mầm non, không cần giải thích nghĩa của những từ bậy này. Con còn quá nhỏ để hiểu được khái niệm của những từ đó. Vậy nên, chị Thuý đưa ra lời khuyên rằng, chỉ cần nói “Đó không phải là từ hay đâu con nha!”.
Trẻ em trên bốn tuổi, có thể hiểu được một số lời giải thích đơn giản. Mẹ có thể hỏi con ý nghĩa của những từ này, rồi dùng cách giải thích đơn giản nhất, để nói tại sao không nên sử dụng những từ đó.
Về lâu dài, cha mẹ nên làm gì?
Trong gia đình nên có những giới hạn, từ nào có thể dùng và từ nào không và hãy nói với con khi con lớn. Theo mẹ bé Bơ, làm như vậy, trẻ sẽ nhận thức đúng hơn khi giới hạn này áp dụng cho cả gia đình. Nếu muốn con tránh nói bậy thì cha mẹ cũng nên tránh điều này.
Để khuyến khích những lời nói tích cực và giảm nói bậy trong gia đình, chị Thuý khuyên cha mẹ nên lưu ý những điều quan trọng sau:
+ Tìm những từ để nói thay thế trong trường hợp muốn nói bậy, để diễn tả cảm xúc của mình: “Anh/em đang cảm thấy rất tức giận/ bực tức đấy!”
+ Khen ngợi con khi thấy con cư xử đúng khi giận dữ. Ví dụ khi con lớn, con sẽ kể lại rằng bạn cùng lớp nói bậy để trêu con, hãy khen ngợi con khi không dùng những từ nói bậy để phản ứng lại với bạn.
Cũng không nên giải thích vì con còn quá nhỏ để hiểu (Ảnh: NVCC)
+ Hãy quan sát những gì con tiếp xúc như xem, nghe, và chơi với. Kiểm tra cẩn thận các chương trình TV, phim và nhạc con xem và nghe, tránh có những ngôn từ không hay.
Trẻ mầm non hay trẻ tập đi sẽ có giai đoạn nói những từ không hay nhưng sẽ có giai đoạn, cha mẹ hãy phớt lờ khi nghe con nói những từ đó hoặc nói đơn giản rằng “Con không nên nói những từ đó nhé!”
Nếu bố mẹ phản ứng lại bằng sự tức giận: “Con không được nói như thế ở đây! Đã bao lần mẹ dặn con phải cẩn thận với lời nói của mình” hay là có thể phạt con bằng cách bắt con xúc miệng. Nhưng con sẽ càng nói nhiều hơn để khẳng định mình. Bố mẹ có thể nói với con khi con lớn hơn: “Bố mẹ sẽ sẵn sàng nói chuyện với con nếu con sử dụng từ ngữ một cách lễ phép hơn!”.
Xử lý khi biết nguyên nhân con nói tục?
Tuỳ theo nguyên nhân khiến con nói bậy, mà bà mẹ trẻ cũng đưa ra cách xử lý như sau:
Nếu con nói bậy vì muốn gây sự chú ý, ba mẹ không nên phản ứng lại, tránh cười hoặc giận giữ. Bình tĩnh và phớt lờ những gì con nói. Hãy chú ý và khen ngợi con khi con nói những từ ngữ hay và lịch sự.
Nếu con nói bậy vì giận dữ hay thất vọng, bố mẹ hãy giúp con gọi tên cảm xúc. Ví dụ: “Mẹ biết con đang rất giận dữ đúng không!”. Cho con biết rằng, những cảm xúc này là hoàn toàn bình thường và dạy con cách dùng những từ đúng mực, để nói lên cảm xúc của mình.
Tuỳ theo từng nguyên nhân khiến con nói bậy mà bố mẹ có cách xử lý riêng (Ảnh: NVCC)
Khi con giận dữ, hãy giúp con tránh xa những thứ khiến con tức giận. Ví dụ, nếu con giận dữ với bạn chơi cùng, bảo con hãy đi ra chỗ khác chơi hay là nhờ sự giúp đỡ của người lớn.
Khi con thất vọng, buồn bã, hãy nói với con các bước để tự giải quyết vấn đề. Ví dụ, nếu con mất đồ chơi, gợi ý con tìm ở chỗ cuối cùng con chơi với đồ chơi đó, sau đó tìm ở phòng ngủ hay chỗ nào đó.
Chị Thuý cũng nhấn mạnh rằng, trong cả 2 trường hợp, dạy con cách giải quyết với giận dữ hay thất vọng. Con có thể thở sâu, đếm đến 10 hoặc nói về những cảm xúc này. Hay là có thể gợi ý con, dùng những từ mà không xúc phạm người khác, có thể hài hước hay có thể cùng bịa ra 1 từ nào đó, để con có thể nói khi tức giận: “bực cả mình!”
“Tất cả những vấn đề của trẻ rồi sẽ qua, nếu cha mẹ tìm hiểu cách cư xử đúng với con. Tránh cười cợt hay phản ứng quá mạnh, sẽ dẫn đến những hành vi sẽ tiếp tục kéo dài về sau, hình thành thói quen nói tục chửi bậy rất khó sửa. Vì “Trẻ em như một tờ giấy trắng, chúng sẽ là những tác phẩm hay hoặc dở đều phụ thuộc vào những gì bạn viết lên trang giấy ấy”. Quan trọng nữa là bố mẹ hãy làm gương cho con”, mẹ bé Bơ bày tỏ.
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất