Bí quyết giúp con tự tin: 'Hãy để con là chú ốc sên bò lên đỉnh núi'

Bí quyết giúp con tự tin: 'Hãy để con là chú ốc sên bò lên đỉnh núi'

2018-11-23 09:58
- Thực lòng, mẹ chưa bao giờ kỳ vọng quá nhiều ở con, cũng không đặt nặng áp lực học hành lên vai con, không yêu cầu con phải đứng nhất, nhì lớp...

Mùa hè trước khi con vào lớp 1, mẹ đã tự hứa với lòng mình rằng, không được “cướp” mất những ngày hè rực rỡ của con bằng những buổi học chữ. Vậy là mẹ để con chơi “thả phanh”. Hậu quả của việc này là một tháng sau khi nhập học, cô giáo chủ nhiệm của con than thở: “Con viết chậm, đọc chậm, làm toán cũng chậm. Cứ thế này, cô sợ con không theo kịp các bạn mất. Mẹ cần tìm lớp phụ đạo cho con!”.

Ở bên hành lang lớp, mẹ nghe các bạn của con khoe nhau rằng: Tuần này tớ được 5 hoa “cô khen” vì hoàn thành tốt bài học. Bạn khác lại khoe 4 hoa “cô khen”.... Mẹ hỏi ra, con trai mẹ không nhận được hoa nào như thế. Thực sự, khi nghe cô giáo phàn nàn về con, mẹ rất hoang mang bởi con luôn là một cậu bé được mọi người đánh giá là nhanh nhẹn, hoạt bát.

Bữa trước, nghe tin con chuẩn bị vào lớp 1, đồng nghiệp của mẹ hứng khởi gửi tặng con quà bởi rất ấn tượng về một cậu bé lém lỉnh, thông minh. Thỉnh thoảng, có bác đồng nghiệp lại hỏi mẹ: “Con có đứng nhất lớp không? Thông minh vậy chắc là học tốt lắm!”.

Thực lòng, mẹ chưa bao giờ kỳ vọng quá nhiều ở con, cũng không đặt nặng áp lực học hành lên vai con, không yêu cầu con phải đứng nhất, nhì lớp như những lời hỏi thăm của các bác, các cô.

Bí quyết giúp con tự tin: 'Hãy để con là chú ốc sên bò lên đỉnh núi'

Ảnh minh họa

Nhưng mẹ cũng chưa bao giờ nghĩ rằng, chàng trai lanh lợi của mẹ lại “đội sổ” ở lớp. Về nhà, mẹ kiểm tra lại bài vở của con. Mẹ tin vào trực giác và cảm nhận của mình, rằng con trai mẹ không kém cỏi. Tất cả những kiến thức trên lớp cô giáo dạy, con đều tiếp thu và làm đúng. Vậy sao cô lại nhận xét con chậm? Mẹ bắt đầu tìm hiểu và biết rằng, phần lớn các phụ huynh đều cho con học chữ trước khi vào lớp 1 để tránh bỡ ngỡ.

Trong khi con đang nắn nót từng nét chữ đầu tiên thì các bạn đã đọc nhanh, viết thạo. Không còn nỗi lo về học lực của con, mẹ lại trăn trở đến mặt tâm lí. Phải chăng, tâm lí của một đứa trẻ sẽ thay đổi khá nhiều khi chuyển từ mầm non lên cấp tiểu học? Con sẽ cảm giác thế nào khi là một đứa trẻ “đội sổ”? Và mẹ lấy hết sự bình tĩnh để nói chuyện với con như một người bạn:

- Con đi học có vui không?

- Vui lắm mẹ à!

- Vui thế nào cơ?

- Giờ ra chơi, con với các bạn chơi trò công an bắt kẻ trộm.

- Thế lúc học có vui không?

- Lúc học thì mệt lắm, nếu không tập trung là viết sai ngay.

- Tí có buồn không nếu Tí học kém hơn các bạn?

- Học kém thì mình phải cố gắng thôi!

Những câu trả lời của con trong phút chốc đã “đánh bay” những lo âu trong lòng mẹ. Mẹ quyết định để con tiếp tục là “học sinh cá biệt” như thế. Vì sao ư? Vì như vậy, mỗi ngày đến lớp của con sẽ là một ngày ý nghĩa, là khi con biết được giá trị của việc nghe cô giảng trên lớp, là khi con tự hình thành thói quen phải nỗ lực trong học tập...

Tối ấy, mẹ quyết định đọc câu chuyện “Đại bàng và ốc sên” cùng “Rùa và Thỏ” với con. Hai mẹ con đã nói chuyện với nhau, cùng thống nhất thích hình ảnh chú ốc sên cần mẫn bò lên đỉnh núi hơn là hình ảnh một chú thỏ nhanh nhẹn nhưng lại về đích sau rùa.

Bí quyết giúp con tự tin: 'Hãy để con là chú ốc sên bò lên đỉnh núi'

Ảnh minh họa

Sáng Chủ nhật, mẹ đưa con đến lớp học piano. Ngày hôm nay, cô giáo yêu cầu mỗi bạn lên bục giảng biểu diễn 2 bài piano mà các con đánh tốt nhất, để chuẩn bị cho buổi thi cuối kỳ sắp tới. Mẹ ghé tai con nói: “Con đánh 2 bài mà con đang đánh tệ nhất nhé!”; “Vì sao thế mẹ?”; “Vì như thế, cô sẽ chỉnh cho con những chỗ tệ nhất, để con đánh được tốt hơn”. Nghe lời mẹ, bước lên bục biểu diễn, con đã dõng dạc nói: “Con xin phép cô cho con đánh 2 bài chưa tốt nhất của con, để cô chỉnh cho con ạ!”.

Trước sự tự tin của con, nhiều bà mẹ ngồi phía dưới lớp đã phải “ồ” lên. Bữa ấy, buổi biểu diễn của con kéo dài gấp 3 lần so với các bạn khác bởi cô giáo phải chỉnh cho con nhiều chỗ đưa đạt. Kết thúc buổi học, nhiều bà mẹ nán lại hỏi mẹ: “Làm thế nào để con đằng ấy tự tin như vậy? Con nhà tớ dù đã thuộc bài nhưng lúc lên bục giảng vẫn đánh sai vì run quá, thậm chí nhiều lúc cuống quá còn không dám lên bục đánh đàn”...

Mẹ mỉm cười và trả lời các mẹ của bạn ấy rằng, bởi vì mẹ chấp nhận để con là một chú ốc sên chậm chạp. Đơn giản, bí quyết chỉ có vậy thôi!

Theo Hải Yến/ Phụ nữ Việt nam

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mách bạn mẹo dùng bình nóng lạnh thả ga, mà không lo 'đau ví'

Đọc nhiều nhất