Bạn đã “chiều hư” trẻ như thế nào?
Tin liên quan
Trẻ có khuynh hướng ích kỷ, không biết chia sẻ
Tâm lý yêu thương con cái khiến nhiều bố mẹ luôn cố gắng hết sức để đem lại những thứ tốt nhất cho con. Thật ra, thương con và chăm sóc chu đáo không hề xấu, nhưng nếu bạn không biết giới hạn và thiếu đi sự uốn nắn con thì rất dễ hình thành tâm lý tự tư tự lợi ở trẻ ngay từ rất nhỏ.
Đôi khi cũng chính do người lớn thường dành cho trẻ phần to nhất, ngon nhất, đẹp nhất nên dần dần trẻ càng có đòi hỏi cao và vô lý hơn. Biểu hiện điển hình của tính ích kỷ chính là trẻ luôn yêu cầu phần hơn và có lợi về mình. Đồng thời, trẻ cũng không biết chia sẻ với người khác, thậm chí khi bạn khuyên bảo còn khiến trẻ tỏ ra phản kháng mạnh mẽ.
Bố mẹ nên chú ý đến thái độ cư xử hằng ngày của con để sớm phát hiện khuynh hướng không tốt này ở trẻ. Chẳng hạn, khi trẻ đang ăn món bánh nào đó, bố mẹ có thể “giả vờ” như rất muốn ăn cùng và “hỏi” ý trẻ xem có thể chia sẻ hay không, nếu lần nào mà trẻ chịu “chia phần” cho bố mẹ, hãy cảm ơn và khen ngợi trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ cảm nhận được niềm vui khi chia sẻ với người xung quanh.
Ngược lại, nếu trẻ chỉ muốn khư khư ăn một mình mà ngay cả bố mẹ cũng không chia sẻ, bạn có thể nói với trẻ rằng như thế làm bố mẹ rất buồn, thậm chí là người khác sẽ nói rằng trẻ không ngoan v.v… Thái độ của bạn sẽ dẫn dắt trẻ nhận thức đúng đắn hơn về cách cư xử với người khác, từ từ khích lệ trẻ biết chia sẻ, giảm bớt lòng ích kỷ.
Trẻ không biết tôn trọng người lớn hơn
Không tôn trọng bậc trưởng bối chính là một biểu hiện của bất hiếu. Rất nhiều người hay mắc sai lầm khi nghĩ rằng trẻ còn quá nhỏ, nên đôi khi gặp người lớn hơn cũng không dạy trẻ chào hỏi. Ngoài ra, cũng vì quá yêu thương con mà các bậc phụ huynh “bao dung” một cách mù quáng, ngay cả khi trẻ có lời nói hay hành động bất kính với mình.
Hành vi này của bố mẹ khiến trẻ thiếu nhận thức về vai vế trong gia đình và tầm quan trọng của hiếu thuận. Sau khi trưởng thành, trẻ càng dễ trở thành người tự cao tự đại, thậm chí là ngang ngược, cường quyền. Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bạn nên chủ động khuyến khích trẻ chào hỏi khi gặp người xung quanh. Đồng thời, chính bản thân bố mẹ cũng phải làm gương trong giao tiếp để trẻ nuôi dưỡng được đức tính tôn trọng người khác.
Trẻ không có năng lực tự chăm sóc bản thân, chuyện gì cũng bắt người khác làm thay
Bố mẹ thường có tâm lý “con còn nhỏ, con làm chưa tốt” nên chuyện gì cũng đích thân làm thay trẻ, ngay cả những việc sinh hoạt mà trẻ vốn đã có khả năng tự làm như ăn cơm, mặc quần áo, chuẩn bị sách vở v.v…
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ con thường rất hiếu kỳ và thích khám phá mọi việc, kể cả những việc cá nhân. Nhưng nếu bố mẹ cứ làm thay trẻ sẽ tước mất cơ hội được trải nghiệm và hoàn thiện ở trẻ. Khi lớn hơn, trẻ cũng ỷ lại và dựa dẫm vào bố mẹ mà không có năng lực tự chăm sóc cho chính mình.
Vì vậy, tập cho trẻ làm việc nhà vừa sức không những giúp trẻ hình thành những phẩm chất tốt như yêu lao động, có trách nhiệm, biết giúp đỡ người khác v.v… mà còn nâng cao bản lĩnh cho trẻ trong cuộc sống sau này.
Trẻ dùng mọi cách để đạt được thứ mình muốn
Trẻ con mè nheo cũng là tâm lý tự nhiên. Nhưng nếu bố mẹ quá cưng chiều con bất chấp đòi hỏi của trẻ là vô lý thì sẽ vô tình tạo cho trẻ tính cách ngang ngược. Trẻ sẽ dung mọi cách, chẳng hạn như khóc quấy, nổi giận, bỏ cơm, thậm chí là tự ngược đãi bản thân để khiến bố mẹ phải chiều theo ý mình.
Tình trạng này nếu không được khắc phục sẽ vô cùng nguy hiểm. Lớn lên, trẻ sẽ trở thành người độc tài, luôn muốn người khác phải phục tùng mình. Đồng thời, khả năng ứng phó với cuộc sống của trẻ cũng rất kém. Khi gặp khó khăn, thất bại, trẻ dễ mất phương hướng và có thể làm những chuyện tiêu cực.
Bố mẹ cần có giới hạn đúng mực trong việc chiều chuộng con trẻ. Dạy trẻ muốn hưởng thành quả phải trải qua nỗ lực như thế nào, và giảng giải cho trẻ hiểu vì sao đòi hỏi của trẻ không được đáp ứng.
Thiên Khuê
Nguồn: Sohu, QQ
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất