Bạn có từng hỏi ước mơ của bố mẹ là gì?
Tin liên quan
Bạn có bao giờ hỏi ước mơ của bố mẹ là gì?
Trong bộ phim Thương ngày nắng về đang rất hot gần đây có bài hát chủ đề khá cảm động. Đó là ca khúc Ước mơ của mẹ, một sáng tác của Hứa Kim Tuyền, được thể hiện qua giọng hát của Văn Mai Hương. Lời bài hát có những câu rất “chạm”, nhiều lần tôi đã rơi nước mắt khi nghe lại bài hát này.
“Con hỏi ước mơ của mẹ thế nào
Đã quá lâu chẳng còn ai hỏi mẹ như thế
Cũng có ước mơ mơ được sống cuộc đời riêng mình
Mẹ cũng quên dần quên ước mơ của mẹ là gì
Mẹ vẫn đang bận lo làm sao có một bữa cơm no
Rồi con cũng có ước mơ riêng mình
Và con cũng cố gắng theo hết mình
Con ơi hãy ước mơ thay phần mẹ”.
Không hiểu sao nhạc sĩ lại có thể viết nên những ca từ mộc mạc, dễ gần, dễ cảm như vậy. Phải chăng hình ảnh bà mẹ trong bài hát đại diện cho rất nhiều bà mẹ trên thế giới này, lúc nào cũng hy sinh hết mình vì con cái, như mẹ Nga trong Thương ngày nắng về và như mẹ tôi nữa.
Tôi có rất nhiều cảm xúc khi nghe Ước của mẹ. Tôi đã khóc cho cuộc sống xa gia đình của mình, nhất là khi nghe câu “Vài năm trước mẹ vẫn thấy con đùa vui trước sân/ Thế mà giờ đây con lớn nhanh sau ngần năm ấy”. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bây giờ lúc nào mẹ cũng ngóng đến ngày lễ Tết, chỉ để tôi có thể về nhà vài ngày. Tôi đã khóc vì sự hy sinh thầm lặng của mẹ. Và khóc vì mình luôn mải chạy theo ước mơ riêng mình mà chưa từng một lần hỏi ước mơ của mẹ là gì.
Tôi đã bất ngờ khi hỏi về ước mơ của bố mẹ
Có lần tôi đã nhắn tin hỏi bố mẹ về ước mơ thời trẻ của họ và tôi đã rất bất ngờ với câu trả lời.
Mẹ tôi bảo: “Ngày xưa ông bà đẻ nhiều nên khổ lắm. Mẹ ước mơ sau này mình sẽ đi làm kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ mọi người và có lương lúc về già cho đỡ tủi. Nhưng ước mơ chỉ là ước mơ thôi, không trở thành sự thật được, giờ mẹ đã già rồi”.
Còn bố tôi thì trả lời: “Ước mơ của bố đã thành hiện thực, đó là có con trai, con gái, con cái học hành thành đạt, lúc tuổi già có sổ hưu, có nhà cửa ổn định. Bây giờ đã đạt được ước mơ nho nhỏ ấy rồi”.
Ước mơ của thời bố mẹ nhỏ bé và giản dị thật. Khi “Mẹ vẫn đang bận lo làm sao có một bữa cơm no” thì mẹ đâu dám mơ tưởng đến những thứ lớn lao. Thế nhưng một ước mơ nhỏ nhoi như thế, mẹ cũng không đạt được. Khi nghe mẹ nói “giờ mẹ đã già rồi”, tôi cũng thấy nặng trĩu trong lòng.
Mẹ tôi không có lương hưu vì lúc mẹ còn trẻ, khoản tiền bảo hiểm xã hội vẫn là một gánh nặng tài chính lớn đối với gia đình, khi ấy kinh tế khó khăn mà bố mẹ tôi còn phải nuôi hai con nhỏ đi học. Bố mẹ đã bàn nhau rằng chỉ một người đóng bảo hiểm thôi, để có lương hưu lúc về già. Còn mẹ tôi thì nghỉ việc và được nhận một khoản tiền, sau khi trừ đi các khoản nợ nần thì còn lại chẳng bao nhiêu. Giờ mẹ ngoài 50 rồi, thỉnh thoảng vẫn làm những việc lặt vặt để có thêm đồng ra đồng vào. Cũng như mẹ Nga trong Thương ngày nắng về vậy, khi còn trẻ bà buôn thúng bán bưng vẫn nuôi ba cô con gái học hành đầy đủ. Ngoài 60 bà vẫn miệt mài bán bún riêu, không có lương hưu và chẳng bao giờ hết lo nghĩ vì mấy đứa con.
Khi tạm cất ước mơ của mình sang một bên, ước mơ của mẹ “hóa ra con từ bao giờ” và “thế giới của mẹ chính là con”. Bố mẹ đã dồn hết khả năng của mình, dành cho con những gì tốt nhất để con được thực hiện ước mơ. Đôi khi họ gửi gắm ước mơ của mình vào con cái. Thế hệ bố mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở thời chiến, trong những gia đình nghèo và đông con. Hồi nhỏ bố cũng ham học nhưng vì ông bà quá nghèo nên đành bỏ dở. Thế nên chỉ cần chúng tôi có cơ hội học hành là bố sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ. Chẳng cần chúng tôi phải làm được điều gì đó lớn lao, chỉ cần học hành chăm chỉ, ra trường có một công việc là đủ khiến bố mẹ hài lòng rồi.
Đừng vội trách nếu bố mẹ ngăn cản ước mơ của bạn
Tôi biết có nhiều đứa con ấm ức vì bị bố mẹ ngăn cản ước mơ của mình. Nhất là khi thi đại học, những bạn có thiên hướng nghệ thuật hay chọn những ngành hiếm, lạ thường bị bố mẹ gạt phăng đi. Thay vào đó là những lựa chọn an toàn hơn, thường là những ngành hot hoặc phổ biến để ra trường dễ kiếm việc làm.
Tôi hiểu cảm giác đó vì tôi cũng từng bị mẹ ngăn cản thi vào ngành báo vì mẹ coi đó là nghề vất vả, thậm chí nguy hiểm. Tôi đành chọn một ngành khác và luôn không hài lòng với sự lựa chọn này. Nhưng khi nhớ lại những ngày mẹ tất tả ngược xuôi đưa tôi đi thi đại học, rồi lại ngồi đợi tôi dưới cái nóng oi ả ngày tôi làm thủ tục nhập trường, tự nhiên tôi lại thấy thương mẹ quá! Được đi học đại học, ra trường có một cái nghề, đó là ước mơ cả đời mẹ chưa bao giờ chạm tới. Cảm xúc của tôi khi ấy rất khó tả mà mãi sau này tôi mới cắt nghĩa được. Tôi chỉ cảm thấy không vui vì không được học ngành mình thích mà chưa từng nghĩ đến cảm giác của bố mẹ.
Một trong những điều khiến bố mẹ tôi tự hào là cả hai đứa con đều có trình độ đại học trở lên, riêng tôi còn học lên bậc thạc sĩ ở một trường đại học công lớn. Đây được xem như thành tựu trọn đời của bố mẹ, những người xuất thân nghèo khó đã dành tất cả mọi thứ để kiến tạo ước mơ của con cái. Giờ đây khi đã có một công việc, có thu nhập để học bất cứ thứ gì tôi muốn, có cơ hội làm việc trong lĩnh vực báo chí, tôi lại thầm biết ơn vì những gì bố mẹ đã hy sinh vì mình.
Chúng ta đừng chỉ mải chạy theo ước mơ của mình mà quên mất những người đã hy sinh cả cuộc đời để mình có cơ hội thực hiện ước mơ ấy. Dù bố mẹ có ngăn cản ước mơ của mình đi chăng nữa thì cũng nên hiểu và cảm thông cho bố mẹ. Khi “mẹ đang bận lo làm sao có một bữa cơm no” thì mẹ cũng chỉ mong con có cuộc sống dễ dàng hơn thôi, không phải long đong, vất vả như mẹ. Thay vì trách móc hãy tìm cách thuyết phục và để bố mẹ tin tưởng vào ước mơ của mình. Như nhân vật Vân Vân trong Thương ngày nắng về, sau nhiều lần bị mẹ ngăn cản, cô đã được mẹ đồng ý cho học vẽ. Người ta nói “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, dù bố mẹ làm gì thì hãy tin rằng họ cũng chỉ muốn dành những điều tốt nhất cho con.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất