Khổ vì mơ ước “vịt” hóa “thiên nga”

Khổ vì mơ ước “vịt” hóa “thiên nga”

2016-08-01 08:54
- Vì tâm lý chủ quan, hám rẻ, thích làm đẹp, đã có nhiều chị em bất chấp nguy hiểm để mua và sử dụng mỹ phẩm làm trắng da bán trôi nổi trên thị trường.

Những sản phẩm này được thêu dệt bởi những lời quảng cáo “có cánh” như mẫu mã đẹp, an toàn cho người sử dụng, giá thành “hạt dẻ”… Tuy nhiên hầu hết chúng đều không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và không được kiểm định chất lượng.

Hiểm họa từ mỹ phẩm “rẻ”

Dạo quanh khu vực chợ đêm Nhà Xanh (Cầu Giấy), chợ đêm Dịch Vọng, hay chợ Phùng Khoang, hầu hết các gian hàng mỹ phẩm dành cho phái đẹp đều bán các loại kem trộn, kem tẩy trắng. Các hộp kem đủ màu sắc, kích cỡ, không nhãn mác, mức giá dao động từ 50.000 đến 300.000 đồng. Các loại kem này được chứa trong các hộp nhựa mỏng, trong suốt, bên ngoài dán mảnh giấy nhỏ màu trắng với dòng chữ viết tay “Kem trộn”. Khi chúng tôi hỏi mua kem làm trắng da, chủ một gian hàng tại khu vực chợ đêm này đưa ra hộp kem màu vàng dạng sệt 50g và không có bất kỳ thông tin nào về thành phần cũng như xuất xứ, với mức giá 80.000 đồng. Chủ gian hàng giải thích: “Em cứ yên tâm, đây là loại được nhiều sinh viên ưa chuộng, giá thấp lại hiệu quả nên bán được lắm. Bảo đảm với em chưa đầy một tuần da em sẽ trắng lên”.

Quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy hầu hết các sản phẩm ở đây đều bị bong xước, tróc nhãn mác, thậm chí không có ngày sản xuất, hạn sử dụng và còn in lại dấu tay của những người dùng thử trước đó. Cầm một hộp kem làm trắng da nhãn hiệu Chanel trên tay, tôi giật mình vì dòng chữ lem nhem trên thân hộp, kèm theo mùi ngai ngái khó chịu. Chị chủ hàng thấy vẻ mặt tôi, thản nhiên nói: “Trời nóng nên nó mùi thế đấy. Em về cho vào tủ lạnh, dùng mấy tháng cũng chẳng sao”.

Bạn tên Khánh Huyền, 25 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) tò mò tìm mua sản phẩm làm trắng da. Huyền dừng lại ở một cửa hàng bán mỹ phẩm, chị chủ cửa hàng niềm nở giới thiệu công dụng của từng loại và khẳng định chắc nịch rằng tất cả số mỹ phẩm đó đều là hàng xách tay. “Khỏi nói, lúc đó em vui thế nào. Bất ngờ nữa là những loại mỹ phẩm đó lại có mức giá “siêu mềm”, chỉ dưới 100.000 đồng”, Huyền cho biết. Cô quyết định đặt mua mỗi loại một sản phẩm, hi vọng sẽ có được làn da đẹp như mong muốn. Ai dè chỉ sau một tuần dùng sản phẩm làm trắng da, gương mặt của cô bị mẩn đỏ, cô đã phải tìm đến bác sĩ để chữa trị, vừa mất tiền mua kem trắng da, vừa mất tiền chữa trị hậu quả...

“Sau một thời gian sử dụng em thấy da mặt bắt đầu nổi mụn nhiều, da khô rát và bắt đầu có vẩy, đi khám da liễu tại BV, bác sĩ có bảo da mặt mình bị khô, bít lỗ chân lông, có dấu hiệu nấm da mặt, phải điều trị tương đối lâu, hết cũng kha khá tiền. Và bác sĩ khuyến cáo mình tuyệt đối không được sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc”, Huyền buồn rầu kể. 

Khổ vì mơ ước “vịt” hóa “thiên nga”

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trên thị trường.

Lời cảnh báo từ các chuyên gia

Thời gian gần đây, Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân nữ nhập viện sau khi dùng các sản phẩm làm đẹp da. Cách đây ít ngày, một bệnh nhân nữ 27 tuổi ở Hà Nội nhập viện với gương mặt sưng phù. Theo bệnh nhân này, trước đó, chị đã được một số trang mạng xã hội giới thiệu sử dụng kem làm trắng sản xuất tại Mỹ để làm trắng da toàn thân. Sau 2 lần sử dụng sản phẩm, chị thấy ngứa, rát, đỏ vùng mặt, cổ; sau đó lan ra toàn thân. Đến khám tại Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, chị được nhập viện điều trị với chẩn đoán viêm da tiếp xúc nặng do mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, cho biết sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân này đã được xuất viện. Tuy nhiên, tổn thương da ở vùng mặt, cổ và tay của chị khá nặng nề nên phải cần thời gian khá dài để phục hồi.

Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh, tất cả các loại mỹ phẩm dù được quảng cáo là an toàn, không kích ứng như sữa rửa mặt, dung dịch tẩy trang, nước hoa hồng, kem chống nắng, kem dưỡng ngày, đêm, son môi, phấn má, phấn mắt… đều có nguy cơ gây dị ứng. Trong trường hợp cấp tính, phản ứng dị ứng có thể xảy ra sớm trong 24 giờ sau khi sử dụng nhưng cũng có thể chậm hơn, sau nhiều ngày mới xuất hiện. Biểu hiện thường gặp nhất là da tại vùng sử dụng mỹ phẩm bị đỏ, sưng nề, nổi sần, ngứa, xuất hiện các mụn nước. Tình trạng này về lâu dài có thể gây sạm da, nhăn da.

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, GĐ Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, cho biết dị ứng mỹ phẩm biểu hiện ban đầu là nổi mụn trứng cá do các loại hóa chất làm bít lỗ chân lông, gây ứ đọng bã nhờn. Nặng hơn có thể là các dấu hiệu của viêm da dị ứng, như: Mảng hồng ban ở vùng bôi mỹ phẩm kèm theo mụn nước và nổi mề đay. Ở một số bệnh nhân, tình trạng dị ứng nặng có thể gây lở loét, thậm chí lan ra cả vùng không bôi mỹ phẩm. PGS. TS Nguyễn Văn Đoàn lưu ý, mỹ phẩm đắt tiền không hẳn là an toàn, nó có thể tốt với người này nhưng chưa hẳn tốt với người khác, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác, cẩn thận khi mua sản phẩm...

Làm đẹp là nhu cầu của nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, để bảo vệ mình khỏi những tác hại không đáng có từ mỹ phẩm, cần biết làm đẹp một cách cẩn trọng và thông thái. Và quan trọng nhất là trước khi quyết định mua mỹ phẩm các chị em cần trang bị cho mình kiến thức để phân biệt mỹ phẩm thật - giả, đồng thời hiểu biết về tác hại của mỹ phẩm kém chất lượng để có thể đưa ra những sự lựa chọn tối ưu nhất cho bản thân.

Để hạn chế thấp nhất hậu quả do dị ứng mỹ phẩm, trước khi dùng mỹ phẩm phải kiểm tra sản phẩm bằng cách bôi kem trên bề mặt da với diện tích khoảng 1-2cm trong 3 ngày liên tục. Không thấy phản ứng bất thường, khó chịu mới sử dụng rộng hơn. Cần dừng sử dụng sản phẩm và đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường (ngứa, phỏng rát, nổi mẩn đỏ...).

(Theo Pháp luật xã hội)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Chọn yêu một người đàn ông

Đọc nhiều nhất