Lòng tự trọng là gì? Cách nâng cao lòng tự trọng giúp bạn thành công trong cuộc sống
Tin liên quan
Lòng tự trọng là một trong những phẩm chất tiêu biểu mà mỗi người đều hướng đến xây dựng trong mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tự hỏi một cách mơ hồ rằng “lòng tự trọng là gì?”, “thế nào là tự trọng?”. Hãy cùng Emdep tìm hiểu về đức tính này ngay sau đây bạn nhé!
Lòng tự trọng là gì?
Lòng tự trọng là một cụm danh từ dùng để chỉ một phẩm chất đáng quý của con người. Phẩm chất này sẽ giúp chúng ta tự tôn trọng chính bản thân mình trong mối quan hệ với mọi người, biết gìn giữ, bảo vệ phẩm giá, danh dự của bản thân trước những cám dỗ, cạm bẫy trong xã hội. Tự trọng cũng đồng nghĩa với tự tôn, tự tôn trọng chính mình.
Một ví dụ dễ hiểu về lòng tự trọng là, dù anh A sinh ra trong một gia đình nghèo khó, vất vả từ nhỏ, thiệt thòi đủ thứ nhưng anh ta làm ăn lương thiện, bằng chính sức lao động của mình và sẵn sàng từ chối tất cả những thứ vật chất mà người khác cho, tặng với thái độ khinh miệt, kì thị, coi thường mình. Anh ta tuy nghèo nhưng luôn giữ tự trọng, không vì vật chất mà tự hạ thấp bản thân, hạ thấp nhân phẩm, danh dự của mình.
Lòng tự trọng luôn tồn tại trong mỗi con người, có những người vì lòng tự trọng quá cao dễ dẫn đến hay tự ái, tự cao. Cũng có người biểu lộ lòng tự trọng ra ngoài, có người lại ít biểu hiện. Thông thường, lòng tự trọng của mỗi người sẽ được bộc lộ khi được đặt vào hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn như ở ví dụ trên đây.
Người có lòng tự trọng là gì?
Người có lòng tự trọng sẽ hiểu đúng vị trí, giá trị của bản thân mình, biết mình là ai, có những ưu điểm, khuyết điểm gì để từ đó điều chỉnh hành vi của mình trong các mối quan hệ xã hội. Chẳng hạn, anh B biết mình là một nhân viên năng lực còn hạn chế, không phù hợp với vị trí công việc hiện tại, anh ta đã chủ động viết đơn xin chuyển bộ phận công tác hoặc nghỉ việc để không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc cũng như không bị sếp và đồng nghiệp chỉ trích.
Người có lòng tự trọng biết cách tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm của chính mình, không để bản thân có những hành động trái với pháp luật, đạo đức, đi ngược lại với luân thường đạo lý. Ví dụ, một người có lòng tự trọng dù khó khăn đến đâu cũng sẽ không đổ lỗi cho hoàn cảnh để bất chấp làm một việc phi pháp nào đó vì anh ta luôn ý thức về việc bản thân phải trong sạch, lương thiện.
Người có lòng tự trọng khi cảm thấy bị người khác xúc phạm hay có những hành động, lời nói không tôn trọng mình, họ sẽ ngay lập tức phản ứng để bảo vệ danh dự, tự tôn của mình. Tôn trọng mình chính là tiền đề để chúng ta biết cách tôn trọng người khác.
Biểu hiện của lòng tự trọng là gì?
Lòng tự trọng là một phẩm chất, vì vậy, ở mỗi người, phẩm chất này lại được biểu hiện ở một góc độ, khía cạnh khác nhau. Với người này thì lòng tự trọng là thế này nhưng với người kia thì lòng tự trọng lại là thế khác. Tuy nhiên, lòng tự trọng sẽ tập trung vào một số biểu hiện dưới đây:
- Biết giữ mình trước những cám dỗ, không bất chấp để có vật chất, của cải bất chính. Ví dụ: Nhặt được của rơi, trả lại người mất
- Dám chịu trách nhiệm với những lời nói, hành động của mình. Ví dụ: lỡ va quệt vào người đi đường khi tham gia giao thông không bỏ chạy, trốn tránh trách nhiệm
- Có ý thức chấp hành pháp luật, không thực hiện những hành vi phạm pháp
- Có ý thức trong việc phát ngôn, ăn nói có chừng mực, không làm tổn thương người khác
- Tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với các chuẩn mực xã hội (cách ăn mặc, thói quen, sở thích…)
Vai trò của lòng tự trọng là gì?
Lòng tự trọng là một phẩm chất tốt đẹp vì nó có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân và xã hội. Những ý nghĩa của lòng tự trọng là:
- Lòng tự trọng giúp chúng ta nhận được sự tôn trọng của mọi người: Suy cho cùng, mọi mối quan hệ trong xã hội (quan hệ vợ - chồng, cha - con, anh - em, chủ - tớ, bạn bè….) cũng đều cần được xây dựng trên nền tảng của sự tôn trọng lẫn nhau, sự tôn trọng đến từ hai phía. Nếu không còn được người khác tôn trọng, bạn sẽ trở nên cô lập với mọi người xung quanh, không một ai muốn kết giao với người không còn được tôn trọng, không đáng để tôn trọng
- Lòng tự trọng giúp con người có động lực vượt qua khó khăn: phẩm chất này sẽ thôi thúc bạn phát triển bản thân, nỗ lực để người khác ghi nhận và tôn trọng những thành quả của mình, không để bản thân mình mãi kém cỏi và bị người người khác coi thường. Do đó, có lòng tự trọng, con người sẽ có động lực để vượt qua khó khăn.
- Lòng tự trọng giúp bạn điều chỉnh hành vi sao cho đúng mực: người có lòng tự trọng sẽ không để lương tâm của mình vấy bẩn nên sẽ không có những hành động trái với pháp luật và đạo đức. Bạn sẽ không còn hành động theo cảm tính, biết phân biệt phải - trái, đúng - sai để từ đó điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp.
- Lòng tự trọng giúp bạn nhận được sự yêu thương, quý trọng của mọi người. Khi biết tôn trọng mình, tôn trọng người, bạn sẽ có những mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội tốt đẹp.
Hậu quả của đánh mất lòng tự trọng là gì?
Khi hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của lòng tự trọng, bạn sẽ thấy được hậu quả của việc đánh mất lòng tự trọng là gì.
Một người thiếu đi lòng tự trọng sẽ không còn muốn cố gắng, muốn nỗ lực để thay đổi bản thân. Họ tự thấy bản thân là người kém cỏi và chấp nhận để người khác coi thường mình. Họ bằng lòng với những gì mình đang có và không quan trọng việc người khác có tôn trọng mình hay không
Một người thiếu đi lòng tự trọng cũng sẽ không ngần ngại làm những việc vi phạm pháp luật, trái với đạo đức, lương tâm, miễn sao thỏa mãn nhu cầu lợi ích của mình. Ấy là khi họ không còn sự tự tôn đối với phẩm giá, danh dự của mình nữa, sẵn sàng đánh mất mình để đổi lại một thứ giá trị khác (có thể là tiền bạc, có thể là địa vị…)
Và một người thiếu đi lòng tự trọng là một người cho phép người khác coi thường mình, người sẵn sàng gạt bỏ danh dự bản thân vì lợi ích. Do đó, họ không còn nhận được sự tôn trọng, yêu mến từ người khác. Khi sự tôn trọng không còn, họ sẽ chẳng thể kết giao được với ai, trở nên cô lập với thế giới xung quanh. Những người như vậy sẽ chẳng thể có được thành công hay hạnh phúc
Làm gì để bồi đắp và nâng cao lòng tự trọng?
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của lòng tự trọng đối với bản thân mỗi người. Học cách bồi đắp, nuôi dưỡng để nâng cao lòng tự trọng cũng chính là cách để bạn nâng cao giá trị của bản thân.
Để bồi đắp và nâng cao lòng tự trọng, bạn cần:
Suy nghĩ chín chắn, tin tưởng vào bản thân:
Đối với mỗi vấn đề, hãy học cách suy nghĩ sâu sắc, chín chắn, không vội vàng, nông cạn để có những kết luận đúng đắn và giải quyết vấn đề hiệu quả, không cậy nhờ, phụ thuộc quá nhiều vào sự giúp đỡ của người khác.
Học cách suy nghĩ tích cực, tin tưởng vào bản thân mình có thể cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để tiến bộ. Tránh những suy nghĩ tiêu cực, nhất là những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
Quan tâm, giúp đỡ mọi người
Quan tâm, giúp đỡ mọi người là việc làm tốt, bạn sẽ nhận được sự yêu thương, quý mến từ mọi người. Điều đó giúp bản thân bạn vui vẻ và có động lực để làm những việc ý nghĩa tương tự
Khi bạn có khả năng quan tâm, giúp đỡ người khác cũng là một loại năng lực. Tại sao chúng ta khi gặp khó khăn đôi khi chỉ tìm đến sự giúp đỡ của một người? Là bởi vì người đó có khả năng làm điều đó. Được người khác nhờ cậy (đương nhiên ở chừng mực nhất định) chính là khi họ đã ghi nhận năng lực này của bạn, tin tưởng bạn, tôn trọng bạn và bạn là một người có giá trị.
Không ngừng cố gắng, nỗ lực, nghiêm khắc, kỉ luật với bản thân
Cố gắng, nỗ lực khẳng định mình để người khác nhìn vào những thành quả và không còn coi thường bạn.
Nghiêm khắc, kỉ luật với bản thân để bản thân luôn tỉnh táo, không sa ngã trước những cạm bẫy, những cám dỗ, để bản thân không dễ dàng bán rẻ lương tâm, danh dự, phẩm giá vì những thứ danh vọng, vật chất hào nhoáng ngoài xã hội.
Danh ngôn hay về lòng tự trọng
- Đừng phí lời với những người xứng đáng với sự im lặng của bạn. Đôi khi, lời nói có sức nặng nhất lại là không - gì - cả.
- Tôn trọng bản thân, người khác sẽ tôn trọng bạn
- Họ không thể lấy đi lòng tự trọng của chúng ta nếu chúng ta không trao nó cho họ
- Trong một mối quan hệ, đôi khi lòng tự trọng còn quan trọng hơn cả bản thân mỗi quan hệ đó
- Tình yêu đúng là rất quan trọng, nhưng so với tự trọng, thì nó lại không là gì cả.
- Tôi không phải là kế hoạch dự phòng và chắc chắn cũng không phải là lựa chọn thứ hai
- Hãy yêu bản thân đủ nhiều để lấp đầy các mối quan hệ bằng những người tôn trọng bạn
- Không có mối quan hệ nào đáng để bạn phải hi sinh phẩm giá hay lòng tự trọng của mình
- Trưởng thành là khi bạn nhận ra lòng tự trọng còn có giá trị hơn cả tình yêu
- Đừng hạ thấp tiêu chuẩn của bạn vì bất kì ai hay điều gì. Tự trọng là tất cả những gì bạn cần.
- Sự tôn trọng là một trong những biểu hiện đẹp đẽ nhất của tình yêu
- Đừng bao giờ lựa chọn bất cứ điều gì mang lại lợi ích cho bản thân mà phải đánh đổi bằng tiếng nói và lòng tự trọng của bạn
- Bạn càng yêu bản thân mình thì càng ít phải chịu đựng những điều vô nghĩa
- Sự tự tôn là món quà dành cho những người xứng đáng chứ không phải dành cho những người đòi hỏi nó
- Hãy chỉ đưa ra những quyết định giúp phát triển nhận thức về hình ảnh bản thân, lòng tự tôn và giá trị của chính mình
- Bạn càng thấu hiểu và tôn trọng bản thân, bạn càng có nhiều tác động đến những người xung quanh.
- Đừng bao giờ cầu xin một mối quan hệ. Hãy dũng cảm chấp nhận người thực sự muốn ở bên bạn và từ chối người chỉ giả vờ bên cạnh bạn.
- Mỗi người trong xã hội nên là một tấm gương, không chỉ vì sự tự trọng dành cho bản thân mà còn vì sự tôn trọng đến từ người khác
- Bạn không thể buộc ai đó tôn trọng mình nhưng có thể từ chối sự thiếu tôn trọng từ người khác
- Giải phóng chúng ta khỏi sự kì vọng của người khác, để chúng ta trở lại với chính mình, đó là quyền năng phi thường và tuyệt vời của lòng tự tôn
- Một khi bạn cảm thấy bị ai đó tránh mặt, đừng bao giờ làm phiền họ nữa
- Bạn không thể trao đi sự tôn trọng nếu bạn không có nó. Tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác là một lẽ tự nhiên
- Bạn đã chỉ trích bản thân suốt nhiều năm qua và nó không hiệu quả. Hãy thử chấp nhận bản thân và xem điều gì sẽ xảy ra
- Trưởng thành là học cách rời đi một cách duyên dáng trước những tình huống đe dọa sự bình yên trong tâm hồn, lòng tự tôn, các tiêu chuẩn đạo đức hoặc giá trị của bản thân bạn
- Tự tin không phải là tự cao tự đại. Chúng ta chỉ có thể chiến đấu hiệu quả cho người khác khi chúng ta đã tin tưởng vào chính bản thân mình
- Yêu bản thân không phải là điều phù phiếm, đó là sự tỉnh táo
- Những người yêu bản thân mình sẽ không bao giờ làm tổn thương người khác. Chúng ta càng hận bản thân thì càng muốn người khác đau khổ
Với những tổng hợp trên đây, chắc hẳn các bạn cũng đã hiểu lòng tự trọng là gì. Hi vọng những thông tin trên đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích dành cho bạn!
MIN (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất