9X hé lộ 'bí kíp' luyện con tự ngủ giúp mẹ nhàn tênh, bé ngủ ngoan không quấy khóc
Tin liên quan
Nếu mẹ còn gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ cho bé ở giai đoạn trên 1 tuổi, hoặc những vấn đề mới phát sinh trong giai đoạn này, những chia sẻ của chị sẽ là những thông tin rất có ích.
“Đối tượng mình hướng tới, là những bé quen nằm ngủ cùng bố mẹ, chưa có khả năng tự ngủ trên 1 tuổi. Bé đã tự ngủ nhưng thực hiện chuyển đổi từ cũi sang giường. Bé đã tự ngủ, nhưng khi lớn lại mắc phải lỗi tuỳ tiện cho con ngủ cùng khi con chạy sang phòng bố mẹ, con mất khả năng tự ngủ.
Bé Bơ sau 20 tháng không ngủ cùng bố mẹ, khi bỏ cũi ra, tự mở được cửa thì bố mẹ đã tặc lưỡi, thôi kệ, con lớn sẽ không thèm ngủ cùng nữa. Vì con đi lớp ngủ trưa gần 2 tiếng, lại quen bố mẹ nằm cạnh mới ngủ được. Nên mỗi tối, mình cho vào giường ngủ lúc 8 giờ. Có những hôm phải nằm cạnh con 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa ngủ lại, chưa kể ngủ đêm lại sang, có hôm lục đục cũng làm bố mẹ mất ngủ.
Lúc con thử thách giới hạn, lẽ ra phải tạo nguyên tắc cho con, nhưng bố mẹ lại tặc lưỡi thế nào cũng được. Rồi con khó ngủ, đêm ngủ không yên giấc, bố mẹ bị ảnh hưởng, ít thời gian nghỉ tối, cáu với nhau và cáu với con... Thế nên, mình quyết tâm thực hiện luyện tự ngủ lại cho con. Biết chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian và nước mắt khi mới bắt đầu, nhưng còn hơn để tình trạng này kéo dài mãi”, chị Ngọc Thuý tâm sự.
Khi nào thực hiện chuyển đổi từ cũi sang giường?
Chị Ngọc Thuý cho biết, nên làm điều này khi trẻ có khả năng trèo ra khỏi cũi, vào phòng bố mẹ. Nếu bố mẹ cho phép con vào phòng 1 hoặc 2 lần thì con sẽ quen. Giai đoạn 2 tuổi không phải giai đoạn lo sợ xa cách, mà do trẻ đã có khả năng thao túng đặc biệt với tư duy nuôi dạy tùy tiện của bố mẹ.
Thực hiện luyện tự ngủ
Để thực hiện thành công, bố mẹ vẫn phải cho con 1 lịch sinh hoạt phù hợp với độ tuổi của mình. Nếu không có lịch sinh hoạt phù hợp, sẽ không thể thực hiện bất kỳ phương pháp luyện ngủ nào thành công cả.
Chuẩn bị môi trường ngủ cho con
Mẹ Bơ cho hay: “Con cần 1 không gian đủ an toàn, 1 chiếc giường nhỏ xinh phù hợp. Cho con tự quyết định về chăn ga gối của mình, tham gia trang trí phòng, dán tường nếu có thể, hoặc nếu không hãy chọn những thứ sắc màu, con vật quen thuộc. Giường có thể mới, nhưng các quy tắc thì vẫn cũ”.
Làm quen với chiếc giường mới
Theo đó, bà mẹ trẻ hướng dẫn nên nói chuyện với con về việc ngủ trên chiếc giường mới: “bố mẹ làm giường mới cho con đó, từ nay con ngủ ở giường của mình nhé!”, Nên thực hiện trình tự ngủ tại giường của con, để tạo cảm giác ấm cúng và an toàn trên giường của mình.
Các bước rèn cho con nằm trên giường của mình khi ngủ
Bước 1: Thực hiện Trình tự ngủ
Sử dụng 2 cuốn sách, 1 cái hôn, 1 câu truyện ngắn trên giường, 1 đoạn hát ru. “Tối nay mình sẽ đánh răng, đọc sách rồi chúc nhau ngủ ngon. Khi tắt đèn mẹ sẽ nằm nói chuyện với con 1 chút nhé”. Khi nghe thấy chuông đồng hồ kêu, bố mẹ sẽ ra khỏi phòng.
Bước 2: Chào con, đi ra ngoài
Bước 3: Khi con chạy ra khỏi giường hoặc con khóc, thì vào bế con và đặt lại giường, nói “Đây là giường của con, con cần ngủ trên giường nhé”. Con có thể sẽ đi ra đi vào vài lần, nhưng bố mẹ lại đưa con trở lại giường và đi ra ngoài, nói với con “Mẹ ngồi đây vài phút rồi đi ra ngoài nhé”. Làm tiếp tục cả tiếng đồng hồ và cuối cùng con chịu ngủ. Những ngày sau, số lần đã giảm đi đáng kể và chỉ còn 1-2 lần.
Nếu con không muốn bố mẹ ra khỏi phòng?
Bà mẹ trẻ bày tỏ: “Nếu các bé quen nằm ngủ cùng bố mẹ một thời gian, hãy thực hiện phương pháp Disappearing chair. Đây là phương pháp luyện ngủ đã được áp dụng thành công cho rất nhiều trẻ. Giúp con tự đưa mình vào giấc ngủ, mà không phụ thuộc vào sự giúp đỡ của cha mẹ. Mình là người trước giờ không theo CIO, mà chỉ dùng nút chờ + nghe tiếng khóc của con để phán đoán”.
+ Đêm 1: Nằm ngủ cùng con ở dưới sàn đến khi con ngủ. Con khóc lóc đòi mẹ thì an ủi, trấn an con “Mẹ nằm ở đây, con ngủ đi nhé”. Con đứng dậy đi thì đặt con nằm xuống lại giường. Con dậy ra khỏi giường theo thói quen vào nửa đêm, lại đưa con quay trở lại. Những đêm đầu, con chưa quen, con khóc lóc rên rỉ, phản kháng nhưng mẹ vẫn cần quyết tâm thực hiện mọi cách, để con ngủ trên giường của mình.
+ Sau khoảng 3 đêm, chị chuyển dần ra xa giường con, rồi dần chuyển ra cửa phòng. Vẫn tiếp tục nói với con: “con ngủ trên giường còn mẹ ngủ ở cửa”. Nếu bé không có vấn đề lâu dài, thì có thể ra khỏi phòng con sau đêm đầu tiên. Nhưng nếu xảy ra lâu thì sau mỗi 3 tối, lại dịch chuyển ra xa con hơn.
+ Khi con ngủ ổn rồi, mẹ nói với con “Hôm nay mẹ sẽ ngồi ngoài cửa chờ con ngủ nhé! Khi nào con ngủ mẹ mới đi.” Điều này giúp tạo niềm tin cho con, rằng bố mẹ vẫn luôn ở đó để con yên tâm ngủ.
Đây là phương pháp sẽ mất thời gian, bé Bơ phải thực hiện trong khoảng 3-4 tuần để quay lại nếp ngủ cũ, không cần bố mẹ nằm cạnh. Thành quả này, khiến chị Ngọc Thuý thực sự hạnh phúc, vì cảm giác lại tự do như trước, không mệt mỏi vì mỗi tối nằm cùng con 1-2 giờ mới ngủ.
Đánh thức để ngủ
Nếu con hay dậy sớm buổi sáng vào giờ cố định, mẹ có thể áp dụng “Đánh thức để ngủ” để kéo dài giấc ngủ sáng của con.
“Tất cả mình thực hiện chỉ có vậy. Muốn luyện tự ngủ lại cho con giai đoạn này thì cần 1 chút kiên trì, 1 chút tự tin và chút quyết tâm. Nếu không muốn phải nằm cạnh con hàng giờ chờ con ngủ, mà đêm con vẫn còn lục đục sang phòng bố mẹ”, mẹ Bơ nhấn mạnh.
Ảnh: NVCC
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất