2 hiện tượng chị em có thể gặp khi cấy que tránh thai, đây là giải pháp để bớt thấp thỏm cho sức khỏe
Tin liên quan
Chị Hương Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã dùng phương pháp cấy que tránh thai được 1 năm, kể từ sau khi sinh con. Dù tìm hiểu kỹ về phương pháp này cũng như tham vấn ý kiến từ bác sĩ. Nhưng sau khi sử dụng chị thấy có nhiều thay đổi.
"Sau khi cấy que tránh thai gần một năm mình bị tăng cân, nổi mụn người mệt mỏi. Lo sợ mình quyết định đến gặp bác sĩ xin dừng biện pháp tránh thai này”, chị Lan cho hay.
Cũng giống trường hợp chị Lan, chị Nguyễn Thu Liễu (Ba Đình) kể: “Vì mình không hợp với việc đặt vòng tránh thai, nên được bạn bè tư vấn sử dụng biện pháp cấy que tránh thai cho đơn giản. Tuy nhiên, sau 6 tháng cấy que tránh thai, mình bắt đầu thấy xuất hiện tình trạng rong kinh kéo dài và đến nay vẫn còn bị”.
Bác sĩ Lê Thị Phương Huệ (Khoa Sản, Bệnh viện Thanh Nhàn) cho hay, cấy que tránh thai là biện pháp tránh thai khá an toàn, que cấy tránh thai có kích thước nhỏ chứa hormone etonogestrel được cấy dưới da, ở mặt trong bắp tay. Sau khi đưa vào vùng da dưới cánh tay, que cấy sẽ phóng thích dần dần lượng hormone vào cơ thể ngăn ngừa sự rụng trứng, đồng thời tiết ra nhiều chất nhờn ở cổ tử cung, bít lấy cổ tử cung, ngăn quá trình thụ thai.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Thị Phương Huệ, bất kể biện pháp tránh thai nào đều có những tác dụng phụ như tăng cân, mụn nhọt, mệt mỏi, giữ nước, rong kinh... Với trường hợp bị tăng cân và nổi mụn như chị Lan có thể do ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của cấy que tránh thai, mặt khác cũng có thể do cơ địa chị không hợp biện pháp tránh thai này. Để biết chính xác nguyên nhân từ đâu chị Lan nên đến các cơ sở y tế khám và có thể chuyển sang biện pháp tránh thai khác phù hợp với sức khỏe của bản thân.
“Những chị em khi cấy que tránh thai xuất hiện rong kinh kéo dài cũng có thể bị ảnh hưởng tác dụng phụ. Hoặc do rối loạn nội tiết cũng dẫn đến tình trạng rong kinh. Với trường hợp chị Liễu đừng nên quá lo lắng, triệu chứng rong kinh sau khi cấy que trong thời gian đầu vẫn rất thường gặp, lượng huyết sẽ giảm dần, sau 6 tháng vẫn có thể còn hiện tượng ra huyết một chút. Trong thời gian này, chị Liễu nên gặp các bác sĩ để được tư vấn điều trị nội khoa như trường hợp rong kinh bình thường, hoặc cần có thể điều trị nội tiết bổ trợ thêm. Đồng thời có thể sử dụng biện pháp tránh thai khác nếu tình trạng rong kinh vẫn tiếp diễn”, bác sĩ Lê Thị Phương Huệ phân tích.
Cấy que tránh thai là biện pháp an toàn không phải chị em nào cũng phù hợp
Ai không nên cấy que tránh thai?
Theo bác sĩ Lê Thị Phương Huệ, với chị em có tiền sử bệnh tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao, tiền sử trầm cảm, thừa cân hoặc bị dị ứng cần trao đổi với bác sĩ trước khi có quyết định có nên sử dụng biện pháp cấy que tránh thai hay không.
Mặt khác, biện pháp cấy que tránh thai chỉ được giới hạn trong 3 năm, nếu quá thời gian này mà chị em không đi thay que cấy khác thì que cấy sẽ mất tác dụng, có thể gây ra các tác dụng nguy hiểm.
"Khi chị em sử dụng biện pháp cấy que tránh thai nên khám định kỳ đến bệnh viện chuyên khoa, cơ sở y tế để khám tổng thể sức khỏe. Đặc biệt, với biện pháp này chị em không được tự đặt que tránh thai hoặc chọn cơ sở y tế không uy tín, que cấy không an toàn, kém chất lượng, kỹ thuật cấy không đúng... sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Vì việc thực hiện cấy que tránh thai vào người cần phải bác sĩ được học về kỹ thuật cấy nhằm đảm bảo que cấy chỉ nằm dưới da, không nằm quá sâu hay bị lặc đến bộ phận khác", bác sĩ Huệ nhấn mạnh.
Cấy que tránh thai chống chỉ định đối với các bà mẹ cho con bú dưới 6 tuần sau sinh, người có huyết khối tĩnh mạch ở chân hay phổi, ung thư vú hay có tiền căn ung thư vú, bệnh lý gan nặng, sử dụng thuốc chống động kinh hay điều trị lao.
Phúc Linh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất