Máy giặt nhanh thành "phế liệu" vì thói quen dùng sai cách của chị em
Tin liên quan
Nếu nghĩ rằng sử dụng máy giặt chỉ đơn giản là “ném” hết quần áo cần giặt vào máy, nhấn nút và cứ thế để cho máy giặt thay mình làm phần việc còn lại thì chị em đã lầm. Việc sử dụng máy giặt không đúng cách sẽ vô tình khiến cho máy giặt giảm tuổi thọ “không phanh”, hơn nữa quần áo lại nhanh bị hỏng.
Dưới đây là một số sai lầm chị em thường vô tình mắc phải khi sử dụng cũng như bảo quản máy giặt của gia đình mình.
1. Sai lầm khi lắp đặt máy giặt
Nhiều gia đình thường chọn vị trí như ngoài ban công hay sân phơi rộng rãi để lắp đặt máy giặt, phần nào tiện cho việc phơi quần áo khi máy giặt xong.
Tuy nhiên, điều này là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây giảm tuổi thọ của máy giặt , do điều kiện môi trường khắc nghiệt như quá nóng, quá lạnh, ánh nắng trực tiếp chiếu vào, hoặc mưa bắn vào. Việc lắp đặt máy giặt ở ban công hay sân phơi khiến cho động cơ trong máy giặt bị ảnh hưởng không ít, dẫn đến hoạt động không hiệu quả.
Việc lắp đặt máy giặt ở ban công hay sân phơi khiến cho động cơ trong máy giặt bị ảnh hưởng. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, chị em cũng không nên lắp đặt máy giặt trong bếp hay phòng tắm, nhà vệ sinh, vì những nơi này có độ ẩm cao hoặc có nhiều dầu mỡ, không phù hợp để đặt thiết bị điện, dễ gây hư hại máy giặt, thậm chí có thể gây chập điện.
Giải pháp vô cùng đơn giản. Hãy chọn cho máy giặt một “nơi trú ngụ” hợp lý, sạch sẽ, khô ráo, tránh xa những nơi ẩm ướt hay bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Khi lắp đặt cần kê 4 chân của máy giặt đều nhau trên mặt phẳng vững chắc. Trong trường hợp diện tích không cho phép, phải để máy ngoài ban công, bạn nên che chắn và bảo quản cẩn thận máy giặt với các tấm phủ máy giặt chuyên dụng.
2. Sai lầm khi sử dụng máy giặt
Giặt “quá tải” hoặc quá ít quần áo
Mỗi loại máy giặt khác nhau, cả loại cửa trước và cửa sau đều có trọng lượng giặt cho phép, việc bạn cho quá nhiều quần áo vào máy giặt sẽ khiến máy giặt không thể hoạt động hiệu quả do quần áo bị vướng vào trục quay, làm giảm tuổi thọ của máy. Quần áo quá nhiều tạo thành một khối quay theo guồng nước, không thể tách ra và được giặt kỹ, dẫn đến không được làm sạch hiệu quả.
Giặt "quá tải" quần áo trong máy giặt sẽ khiến máy giặt không thể hoạt động hiệu quả do quần áo bị vướng vào trục quay, làm giảm tuổi thọ của máy.
Cho quá ít, không đủ lượng quần áo cần thiết vào máy giặt không chỉ tốn điện, tốn nước vô ích, quần áo giặt có thể sẽ dồn về một phía của lồng giặt, làm cho lồng giặt mất cân đối, gây nên những cú lắc mạnh, va đập trong khi vắt và sấy khô.
Không phân loại và kiểm tra quần áo trước khi giặt
Đây là một sai lầm hoàn toàn tai hại của nhiều chị em trong khi sử dụng máy giặt. Mỗi loại quần áo với mỗi loại vải và màu khác nhau cần được giặt ở các chế độ khác nhau thiết kế trên máy giặt để được làm sạch hoàn toàn. Việc giặt quần áo các màu cùng với nhau cũng dễ gây hiện tượng phai màu, hỏng quần áo. Vì thế, đừng vì một phút vội vàng, hay “làm biếng” mà “quăng” hết quần áo vào một mẻ giặt nhé!
Cần phân loại và kiểm tra, kéo khóa quần áo trước khi cho vào máy giặt.
Ngoài ra, việc kiểm tra lại quần áo trước khi giặt máy là rất cần thiết. Tránh các trường hợp như chưa kéo khóa quần áo hoặc các đồ vật sót lại trong túi quần, áo làm rách đồ hoặc móc vào lồng máy giặt, gây hỏng máy.
Sử dụng bột giặt tay cho máy giặt
Vì muốn tiết kiệm chi phí mà không ít người lựa chọn bột giặt dùng cho giặt tay để cho vào giặt máy. Tuy tiết kiệm được không ít nhưng điều này là không nên, bởi sử dụng các loại bột giặt tay thông thường sẽ tạo nhiều bọt, gây trào ra khỏi thùng giặt, làm ẩm môi trường bên trong máy, gây hư hỏng các bộ phận của máy.
Không nên sử dụng bột giặt tay cho giặt máy.
Không những thế, bột giặt thường để lại cặn hoặc bị vón thành cục và dính vào quần áo sau khi giặt. Vì vậy, chị em có thể thay thế bằng các loại bột giặt dành cho giặt máy hoặc các loại nước giặt thông thường.
Chọn sai mực nước và thời gian giặt
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại máy giặt có sẵn chế độ giặt tự động, cho phép người dùng chỉ cần cho quần áo vào máy và ấn nút là máy có thể tự chọn mực nước và thời gian giặt phù hợp với lượng quần áo.
Tuy nhiên, đối với những loại máy không có chế độ này, bạn cần chọn mực nước và thời gian giặt phù hợp. Việc chọn thời gian giặt và mực nước tối đa chưa chắc đã làm cho quần áo giặt của bạn đã sạch hơn mà còn tốn nước, tốn điện, quần áo giặt quá lâu dễ bị sờn, hỏng.
Đối với những loại máy không có chế độ này, bạn cần chọn mực nước và thời gian giặt phù hợp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia máy giặt khuyên rằng trong quá trình giặt, bạn vẫn cần để mắt đến hoạt động của máy để xử lý những sự cố có thể xảy ra chứ không nên bật máy rồi…đi ngủ. Nếu thấy máy nóng hoặc phát ra tiếng động lạ, rung quá mức thì phải lập tức dừng ngay việc giặt lại.
3. Sai lầm khi vệ sinh máy giặt
Bất cứ vật dụng hay máy móc nào cũng cần được lau chùi và vệ sinh thường xuyên để đảm bảo sạch sẽ và hoạt động có hiệu quả. Làm sạch chung cho phần trong của máy giặt bằng nước nóng và giấm vài tháng một lần, chỉ cần cho giấm và nước nóng vào lồng giặt, bật chế độ giặt không quần áo của máy giặt.
Việc thường xuyên vệ sinh, lau chùi cả bên trong và bên ngoài máy giặt là rất cần thiết.
Chị em thường ít khi để ý tới phần lồng giặt hay ngăn đựng bột giặt nên những vị trí này dễ trớ thành nơi cho vi khuẩn “hoành hành”. Hãy thường xuyên làm sạch dư lượng chất tẩy rửa đọng ở ngăn bột giặt, đánh rửa sạch sẽ, và sử dụng khăn mềm có thấm giấm hoặc muối nở (baking soda) để vệ sinh phần lồng giặt.
Lưu ý khi không sử dụng máy giặt, bạn nên mở nắp hoặc cửa máy để bên trong được khô thoáng. Việc lau chùi và vệ sinh bộ phận bên ngoài máy giặt cũng rất cần thiết.
(Theo Ngọc Quỳnh/ Khám phá)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất