6 ngày làm vợ và 40 năm chờ chồng
Tin liên quan
Đó là mối tình của bà Đặng Thị Xơ (64 tuổi) vợ của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trong căn nhà tình nghĩa nhỏ, đứng trước di ảnh trên ban thờ, bà Xơ run run thắp nén hương cho chồng, nghẹn ngào: “Em là Đặng Thị Xơ, vợ anh đây, anh có sống khôn chết thiêng, về phù hộ cho em và gia đình, bà con làng xóm được mạnh khỏe nhé…”
Ngày nào cũng vậy, mỗi khi nhớ chồng, bà lại đứng trước di ảnh của ông, không muốn khóc nhưng nước mắt cứ trào ra mãi. Bà bảo: “Dù anh không còn trên đời này nữa, nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy như anh luôn ở bên. Nhiều đêm nhớ anh, tôi mơ thấy anh về gọi Xơ ơi. Như một phản xạ, tôi trả lời: Dạ, rồi bật dậy định ra mở cửa”. Những giấc mơ về ông nhiều lắm và lần nào ông cũng cười rất tươi. Nụ cười sảng khoái của ông vẫn luôn khắc sâu trong bà.
Hiện bà Xơ là nhân viên của Hợp tác xã Phú Lợi, đóng trên điạ bàn xã. Bà làm công việc dọn dẹp văn phòng kiêm thủ quỹ. Đồng lương không nhiều, nhưng công việc, đồng nghiệp đã giúp bà quên đi ngày tháng, quên đi nỗi cô đơn.
Nhiều người thương bà Xơ, gia đình nhà chồng lo lắng khuyên bà “đi bước nữa”. Nhưng bà muốn giữ trọn lời hứa với chồng: "Sẽ là vợ trọn đời của anh". Kỷ vật duy nhất còn lại bên bà, có lẽ chỉ có bức thư ông gửi về gia đình. Thư ông viết trước lúc hy sinh 3 tháng.
Qua 40 năm, những dòng chữ đã hoen màu thời gian, chỉ tâm tư trong lá thư viết vội, chưa kịp gửi của người lính vẫn còn tươi mới: “Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song do đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi, hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”…
Lá thư qua 40 năm đã hoen ố màu của thời gian, nhưng những tâm sự chưa kịp gửi của người lính ngày ấy thì vẫn còn tươi mới
Những dòng thư viết cho người vợ mới cưới :“Em thương yêu! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em. Em ạ! Chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em bao nhiêu tình yêu thương trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được cái diễm phúc ấy mà đã sớm phải xa rồi. Thật là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau”...
Bức thư được anh Huỳnh gửi một đồng đội quê ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, sau đó người bạn này cũng hy sinh. Bức thư vẫn nằm trong chiếc ba lô của người bạn, đến tháng 3/1973, những kỷ vật này mới về tới tay người chị gái anh Huỳnh là Lê Thị Khâu, do một đồng đội khác chuyển tới. Nhưng vì thương mẹ già, thương em dâu còn quá trẻ không chịu đựng nổi sự mất mát quá lớn, bà Khâu đã giữ kín lá thư này.
Bà Đặng Thị Xơ ngày nào cũng thắp hương tâm sự với người chồng trong di ảnh trên ban thờ để vơi đi nỗi nhớ chồng.
Đúng một năm sau ngày cưới, giấy báo tử của ông được gửi về xã. Gia đình giấu bà, nhưng bằng linh cảm của người vợ, bà thấy có điều gì đó không lành, nhiều đêm bà chỉ biết khóc vì nhớ thương chồng. Thế rồi, mãi năm 1973, một đồng đội của ông tìm về trao lại chiếc ba lô và những di vật của người đã khuất, bà hiểu rằng, bà đã mất ông mãi mãi.
Theo phunuvietnam.vn
Xem thêm:
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất