HH Liên lục địa bị chê ao làng: 5 lần lùi giờ, 10 lần chết sân khấu
Tin liên quan
Chung kết Hoa hậu Liên lục địa 2018 tối 26/1 tại Manila, Philippines. Người đẹp đăng quang là đại diện nước chủ nhà, Karen Gallman. Lê Âu Ngân Anh giành danh hiệu Á hậu 4.
Đêm chung kết để lại khá nhiều dư âm không dễ chịu cho những người theo dõi, bao gồm khán giả và giới truyền thông. Phổ biến nhất là tâm lý mỏi mệt sau một đêm thi dài, với rất ít hoạt động, nhưng thời gian lại bị kéo dãn ra đến tận nửa đêm mới công bố người chiến thắng.
Rất đông khán giả, cả Việt Nam lẫn quốc tế, lên tiếng chỉ trích sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức đã dẫn đến sự mệt mỏi này.
Hoãn phát sóng 5 lần, 10 lần chết sân khấu
Theo lịch trình do chính ban tổ chức (BTC) đưa ra từ trước, đêm chung kết sẽ khá gọn nhẹ với các phần như sau: tiết mục mở màn với trang phục dân tộc, c ông bố top 20, thi áo tắm, thi dạ hội, công bố top 5, thi ứng xử và cuối cùng, công bố hoa hậu và các á hậu.
Lịch trình như vậy là quá nhẹ so với một đêm chung kết hoa hậu quốc tế, chủ yếu nhờ rút gọn quá trình chọn thí sinh, đi thẳng từ top 20 đến top 5. Tại các cuộc thi khác, trước top 5, thí sinh phải qua 2 vòng loại. Ví dụ, với Hoa hậu Thế giới 2018 là top 30 và top 12. Với Hoa hậu Hoàn vũ 2018 là top 20 và top 10.
Khi nghe thông báo lịch trình, nhiều khán giả và phóng viên dự báo đêm chung kết sẽ khá chóng vánh, chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ.
Ngân Anh và các thí sinh trải qua đêm chung kết nhiều sạn, kéo dài thời gian khiến tất cả mệt mỏi. Ảnh: Missology.
Nhưng thực tế, đêm chung kết kéo dài gần 4 tiếng, từ 20h15 đến nửa đêm. Và tổng thời gian khán giả phải chờ đợi để biết tên hoa hậu là gần 6 tiếng, vì lịch phát sóng trực tiếp do BTC thông báo lúc đầu, trên kênh YouTube chính thức, lại là 18h.
Việc không đảm bảo được giờ giấc như cam kết với khán giả là một khủng hoảng nhẹ của BTC ngay từ khi đêm chung kết còn chưa diễn ra.
Về chuyện liên tục lùi giờ phát sóng, khán giả Phạm Hoàng Việt (Việt Nam) bình luận bằng tiếng Anh: "Tôi rất tức giận. Họ thông báo giờ bắt đầu là 18h30 rồi đổi thành 18h45 rồi lại 19h rồi lại 19h30 và giờ là 20h". Lúc 20h, link xem trực tiếp vẫn vắng lặng. Trên các đường link xem trực tiếp, khán giả quốc tế cũng "dội bom" bình luận, than phiền vì phải chờ đợi và sự thiếu chuyên nghiệp của BTC.
Để so sánh, Hoa hậu Hoàn vũ 2018 được ấn định thời gian bắt đầu là 7h sáng tại Bangkok (Thái Lan), để khớp với lịch phát sóng ở Mỹ là khung giờ tối (ở Mỹ có nhiều múi giờ khác nhau). Đó là 7h sáng ngày thứ Hai đầu tuần, nhưng BTC Hoa hậu Hoàn vũ đã chuẩn xác về giờ giấc. Mọi hoạt động trong chung kết đều nhanh gọn hết mức để kết thúc vào lúc hơn 9h.
Một trong những "trường đoạn" chết sân khấu của Hoa hậu Liên lục địa: BTC để sân khấu vắng lặng, tối om trong hơn 20 phút. Ảnh: Chụp màn hình.
Trong khi đó, không chỉ liên tục hoãn phát sóng, Hoa hậu Liên lục địa 2018 còn mắc phải hạt sạn to đùng là 10 lần chết sân khấu giữa các phần thi và trình diễn. Trong lần chết sân khấu đầu tiên, thời gian là 20 phút, BTC còn để MC nói dài và phát nhạc một lúc mới tắt. Nhưng ở các lần sau, BTC nhanh chóng tắt nhạc và để lại sân khấu tối om, vắng lặng, bắt khán giả chờ mà không hề có hoạt động khuấy động.
Tổng cộng, thời gian chết sân khấu của đêm chung kết Hoa hậu Liên lục địa 2018 là từ 15 đến 30 phút. Khán giả than vãn: "Tôi phải đợi 30 phút để được xem 10 phút chương trình. Sau 10 phút đó lại phải đợi thêm 20 phút nữa. Cứ thế liên tục trong cả buổi tối".
Một khán giả khác chỉ trích: "Chưa thấy một chương trình quốc tế nào mà tệ hại như vậy". Khi chương trình đã về gần cuối mà các MC vẫn mải mê trao các giải phụ và diễn giải công phu, chi tiết, như thể trì hoãn việc công bố hoa hậu, nhiều khán giả than "kiệt sức".
Hàng loạt thí sinh vấp, giới thiệu quá nhanh
Hoa hậu Liên lục địa luôn đặt tên mình gần Hoa hậu Hoàn vũ khi truyền thông rằng cuộc thi học tập format của Hoa hậu Hoàn vũ, thuê ê-kíp sản xuất của Hoa hậu Hoàn vũ. Trong khi đó, Hoa hậu Hoàn vũ là cuộc thi sắc đẹp mang tính giải trí cao và có format hấp dẫn nhất hiện nay.
Mặc dù vậy, Hoa hậu Liên lục địa có trình độ thấp hơn và dính nhiều hạt sạn thiếu chuyên nghiệp. Trong phần đồng diễn trang phục dân tộc mở màn, BTC sử dụng miếng dính đánh dấu vị trí cho các thí sinh đứng đúng chỗ, nhưng không rõ vì tập luyện chưa kỹ hay miếng dính có vấn đề mà hàng loạt thí sinh liên tục vấp khi di chuyển, trong đó có cả tân Hoa hậu Karen Gallman người Philippines.
Khoảnh khắc Karen Gallman, người về sau là hoa hậu, bị vấp trên sân khấu. Ảnh: Cắt từ clip.
Tại Hoa hậu Hoàn vũ, cũng có màn mở đầu hấp dẫn khi các thí sinh đồng loạt bước ra giới thiệu mình và tên nước. Nhưng khoảng thời gian này ít nhất cũng phải vài giây để khán giả kịp nhìn ngắm và ghi nhớ thí sinh.
Còn trong đêm chung kết Hoa hậu Liên lục địa, các thí sinh chỉ có chưa đầy một giây để tạo dáng với trang phục dân tộc. Họ cũng không được xưng tên mà chỉ được MC đọc tên nước. Có thể lý giải điều này rằng tiết mục nói trên chỉ mang tính trình diễn, còn thí sinh đã giới thiệu mình qua các hoạt động trước đó.
Nhưng cách lý giải này cũng không hợp lý, vì không phải khán giả nào cũng có điều kiện theo dõi toàn bộ quá trình thi trong 20 ngày qua. Đêm chung kết được truyền hình trực tiếp với hàng chục nghìn người theo dõi vẫn là bối cảnh lý tưởng để giới thiệu từng thí sinh một cách trịnh trọng và đầy đủ.
Thắng bình chọn là vào thẳng top 6, có bất hợp lý?
Việc Lê Âu Ngân Anh giành danh hiệu Á hậu 4 sẽ trở nên đáng tự hào hơn nếu cô không vào thẳng top 6 qua bình chọn trên mạng để giành giải People Choice, một hình thức chọn không chứng minh được thực lực của thí sinh.
Với các cuộc thi khác, cũng có việc bầu chọn thí sinh được yêu thích nhất để vào top, nhưng vào top cao như Hoa hậu Liên lục địa lại gây cảm giác bất hợp lý.
Nhiều người cho rằng chỉ cần bình chọn mà thí sinh vào thẳng top 6, một vị trí quá cao, là bất hợp lý. Ảnh: Chụp màn hình.
Năm nay, tại 2 cuộc thi lớn Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ, BTC không áp dụng hình thức bình chọn để vào top. Trong khi đó, tại Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2018, thí sinh Phương Nga của Việt Nam cũng vào top 10 thông qua bình chọn (được giải Miss Popular). Vị trí top 10 đã có thể nói là quá cao đối với thí sinh được bình chọn, còn top 6 đúng là không tưởng.
Nhưng đây không phải năm đầu tiên Hoa hậu Liên lục địa cho phép thí sinh được bầu cao vào thẳng top 6. Năm 2017, đại diện Hàn Quốc cũng vào top 6 thông qua hình thức này và đoạt danh hiệu Á hậu 5. Chính vì cách lựa chọn có phần dễ dãi như vậy, cuôc thi bị nhiều khán giả chê ao làng. Hành trình đoạt á hậu 4 đầy tranh cãi của Lê Âu Ngân Anh Ngân Anh không phải thí sinh được đánh giá cao ở cuộc thi. Nhưng với chiến thắng bình chọn khán giả, cô giành một suất vào top 6 rồi đoạt á hậu 4 chung cuộc, với nhiều tranh cãi.
Theo Zing
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất