Mẹ trẻ 16 tuổi lên Facebook cầu cứu vì bị chồng bạo hành: Lại một LỜI RU BUỒN cho "lá diêu bông"
Tin liên quan
Khi xem những thông tin về vụ “Mẹ trẻ 16 tuổi lên Facebook cầu cứu vì bị chồng bạo hành”, tôi vừa thương lại vừa giận em. Nếu suy nghĩ chín chắn, nếu nghe lời người thân thì em đâu ra nông nỗi. Nhưng sự thể đã rồi, một bài học xương máu cho em và cho biết bao bạn trẻ đang lầm đường chạy theo tiếng gọi con tim khi thể trí và tâm lý chưa thật sự sẵn sàng bước chân vào đời sống hôn nhân.
Bà mẹ trẻ Quảng Bình kêu cứu cư dân mạng trong mấy ngày gần đây
Trường hợp của Hoàng Th. M chỉ là một trong số hàng ngàn vụ hôn nhân bất hợp pháp khi các em chưa đủ tuổi kết hôn. Nhưng nó vẫn diễn ra đâu đó ở những vùng quê nghèo, miền núi xa xôi, thậm chí nơi phố phường hiện đại vẫn có những đám cưới “chui” khi dâu hoặc rể, thậm chí cả hai chưa đến tuổi trưởng thành. Lý do thì vô vàn nhưng chủ yếu là “bác sĩ bảo cưới” khi “chúng con trót lỡ”.
Dù ba mẹ cấm đoán, các bạn trẻ luôn tìm cách để đến với nhau. Ảnh minh họa
Làm trong ngành giáo dục, tôi đã chứng kiến không ít những cô cậu học sinh nằng nặc được “tự do”. Mặc cho cha mẹ phân tích, thầy cô thuyết phục, bỏ ngoài tai những hậu quả nhãn tiền, các em chỉ có một lập luận duy nhất “con đã lớn và biết mình cần cái gì”. Non cạn trong suy nghĩ khiến sự cấm đoán chẳng khác nào “lửa bỏ thêm dầu”, lấy cớ đi học nhưng lại bùng tiết, ra về hẹn nhau mặc cho người thân tìm đỏ mắt ở cổng trường. Ngồi cùng một lớp thì “mắt diều mắt ác”, lén lút nhắn tin. Khác lớp thì giờ ra chơi, góc sân trường, nơi cầu thang hay nhà vệ sinh là nơi hẹn hò lý tưởng. Lập luận giản đơn của các em chỉ là “chúng em yêu nhau là để giúp nhau học tập tốt hơn”.
Vậy mà, “cặp đôi cùng tiến” thì hiếm mà “cặp đôi cùng lùi” lại nhiều. Khi tư tưởng bị phân tán, hiệu quả học tập lập tức trong tình trạng “báo động đỏ”. Lúc thì quên làm bài, khi quên mang vở, đấy là chưa kể ngồi trong giờ học ngáp ngắn ngáp dài hay mơ tưởng ở phía hành lang. Có trường hợp viết thư riêng xin cô chủ nhiệm đổi chỗ cho bằng được để được ngồi gần “bạn trai” vì “sợ bạn gái kế bên yêu mất”. Cứ như thể “sống chết phải có nhau”, ấy vậy mà dăm bữa nửa tháng đã mạnh ai nấy đi. Đang yêu đã thế, quyết tâm cưới cho bằng được thì cũng chẳng khả quan hơn.
Ngô Th Tr. là một trường hợp như thế, đầu học kỳ một lớp 10 còn đến lớp, cuối kỳ đã nghỉ học với lý do “cái thai được 4 tuần”. Trong khi cha mẹ cạn nước mắt, vợ chồng trẻ đếm từng ngày làm lễ vu quy. Ấy vậy mà, hạnh phúc ngắn chẳng đầy gang, mới hí hửng khoe ảnh “chồng yêu” đưa đi chơi, ít bữa sau đã thấy avatar một màu đen kịt với status “hận kẻ bạc tình”, “với mẹ, chỉ mình con là đủ”… Những trạng thái thất thường của cô vợ trẻ được cập nhật hàng ngày để rồi bẵng đi một thời gian thì im hơi lặng tiếng. Hỏi thăm mới biết, họ đã chia tay vì anh chồng suốt ngày chơi game, vợ ôm con mệt đâm ra hỗn. Thế là ra tòa, nhanh và chóng vánh như lúc họ đến với nhau chỉ vì những tin nhắn hẹn hò qua mạng.
Họ chỉ nghĩ hôn nhân như một trò chơi. Ảnh minh họa
Còn em Phan Th Th. lại vấp hoàn cảnh đáng thương hơn. Tranh thủ đi làm thêm ngoài giờ học tại một nhà hàng, Th. cảm mến cậu con trai gia chủ nhỏ nhẹ dễ thương. Không lâu sau, nhân lúc bà chủ vắng nhà, cậu chủ đưa em vào phòng tâm sự. Và điều gì đến cũng đến, Th mơ tưởng tới “nếu như có hậu quả gì, em sẽ là vợ của anh”. Khi “hậu quả” có, bà chủ chối bay chối biến, cậu chủ lặn mất tăm, chỉ còn lại hai mẹ con Th ra về lầm lũi như kẻ ăn mày bị xua đuổi. Thương con, thương đứa bé vô tội, mẹ Th cắn răng cho con vào Nam “đi trốn” một thời gian và sau này, nhờ người thân nhận nuôi đứa trẻ để Th về đi học lại.
Trở thành mẹ đơn thân khi tuổi đời còn quá trẻ, tiền không, nghề nghiệp không, họ trở về nhà bố mẹ đẻ trong sự chông chênh. Ngô Th Tr. hay Hoàng Th M., Phan Th Th…. các em bước vào hôn nhân với tâm thế bị động, chưa có bất cứ thứ gì làm hành trang ngoài một cơ thể phổng phao hơn bạn bè cùng trang lứa. Những rung động cảm tính nhất thời của tuổi mới lớn khiến các em cứ nghĩ mình đã lớn, đã trưởng thành. Niềm vui, hạnh phúc các em vẫn tưởng tượng qua phim ảnh thực sự chỉ là một màu xám nghét.
Khi kết cục buồn, các bạn gái mới nhận ra sự thật không như mình tưởng. Ảnh minh họa
Những bà mẹ trẻ còn tuổi ăn tuổi chơi, những ông bố cũng thuộc phường “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại đảm nhận một thiên chức vĩ đại: bố trẻ, mẹ trẻ, chẳng khác nào quả núi đặt lên vai người tí hon. Khi cuộc đời thực hiện ra với những hỉ nộ ái ố, họ oán trách, thù ghét, đánh đấm lẫn nhau. Nhẹ thì bị mắng nhiếc, nặng thâm tím mặt mày, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng của mẹ và con. Người trong cuộc đau đớn, cha mẹ, người thân cũng không thể nào ngoài cuộc. Đón được con gái và cháu ngoại về lành lặn đôi lúc cũng là may mắn của không ít gia đình.
Khi định hướng, sự quan tâm của gia đình chưa tới nơi, khi mà những luồng văn hóa ngoại lai dễ dàng len lỏi dưới nhiều hình thức, khi những cơ chế pháp tài xử phạt kết hôn với trẻ vị thành niên chưa đủ tính răn đe, thì lại tiếp tục phải thấy những bà mẹ trẻ, những cô gái đang độ tuổi cắp sách tới trường kêu cứu. Đau lòng thay là những "lá diêu bông" vẫn còn và "lời ru buồn" lại tiếp tục cất lên, đau đáu ở một mảnh sân vườn nào đó: “diêu bông ơi diêu bông, sao em nỡ vội lấy chồng”.
Minh Đức
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất