Cuối tuần thong thả ghé Đường Lâm ngắm màu thời gian nhuộm trên cánh cổng
Tin liên quan
Với cổng làng, giếng nước, ao sen, sân đình, đền, miếu… đến nay Đường Lâm vẫn giữ được những nét đặc trưng của một ngôi làng Việt cổ ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. Cùng với những mái đình cong cong, những phiến đá tổ ong, những con đường được lát gạch chéo, những ngõ nhỏ, những ngôi nhà cổ… dù năm tháng đã ít nhiều làm phai nhòa đi dấu tích xưa thì những chiếc cổng nhà dù được mở ra hay đóng lại đều tự nhiên xâm chiếm hồn ta. Những cánh cổng rêu phong lưu giữ lại dấu ấn về một Đường Lâm cổ xưa.
Cổng làng Mông Phụ - Một trong năm cổng làng của Đường Lâm, hiện là cổng làng duy nhất còn giữ được đúng đặc trưng với kiến trúc cổ xưa cùng với cây đa hơn 300 năm tuổi, ao sen.
Bước qua cánh cổng làng, một Đường Lâm vừa cổ vừa có hơi thở “kim” hiện dần ra càng lúc càng rõ nét. Nhưng cho dù có hiện đại tới đâu thì với 956 ngôi nhà có niên đại từ 100 – 400 năm tuổi thì chỉ cần thả bước thong dong trên những con đường làng, ngắm nhìn những cánh cửa cổng thôi cũng đã đưa ta trở về với một không gian đậm chất Việt xưa cũ.
Với đường được lát gạch chéo đặc trưng riêng của làng…
Với chiếc cửa cổng cũ kỹ...
…và có phần “thiếu an toàn” nhưng chủ nhân ngôi nhà vẫn chưa có ý định thay.
Ngõ nhỏ đặc trưng, vết tích thời gian, những mảng tường bong tróc, những phiến đá tổ ong lộ ra sau những trát vữa, cùng màu sắc đỏ đất tạo cảm giác rất ấm áp, an yên.
Chiếc cổng cũ với một ổ khóa đơn giản mang ý nghĩa “tượng trưng”.
Hay như chiếc cổng mang dáng vẻ “vương giả” đầy hoài niệm này, cũng làm cho lòng người không khỏi bâng khuâng.
Cổng nhà ông Nguyễn Văn Hùng – ngôi nhà được coi là cổ nhất Đường Lâm với niên đại 400 năm tuổi. Cổng cũng rất đặc biệt khi được xây bằng xây bằng chất liệu đất đá, bã trấu, bùn để tạo chất kết dính và được chủ nhân ngôi nhà trồng thêm cây leo giàn tỏa ra rợp bóng mát, yên bình.
“Cánh cửa sống”, pho sách sống của Đường Lâm - bà cụ bán nước đối diện đình Mông Phụ. Trong lúc lang thang trong những ngõ ngách của làng, nhất định bạn nên dừng chân tại quán nước chè của cụ. Uống chén nước chè xanh, nhâm nhi thanh kẹo lạc, miếng chè lam… nghe cụ kể về lịch sử của làng, lịch sử của từng ngôi nhà cổ, lịch sử về những người con từ mảnh đất này đi lên, về những phong tục tập quán cưới hỏi, lễ hội mỗi khi tết đến xuân về…về một Đường Lâm xưa và nay, tất cả cứ như một thước phim quay chậm hiện về đầy chân thực mà cũng rất đỗi cuốn hút.
Đôi điều về Làng cổ Đường Lâm:
- Cách Hà nội 50 km, để đi đến Đường Lâm có thể đi xe máy, xe bus, ô tô riêng… rất gần mà rất thuận lợi.
- Từ Hà Nội có thể đi theo hai đường :
+ Hà Nội -> Đại lộ Thăng Long -> ngã ba Hòa Lạc rẽ phải theo đường 21 -> qua Sơn Lộc đến ngã tư giao nhau với đường 32 -> có biển chỉ dẫn rẽ vào Làng cổ Đường Lâm.
+ Hà Nội -> đi theo hướng về Nhổn -> quốc lộ 32 tới thị xã Sơn Tây -> ngã tư giao nhau với đường 21 -> có lối rẽ vào cổng làng Đường Lâm ở phía bên tay trái đường.
- Vé vào cổng làng 20.000, vé gửi xe máy 5.000/xe. Có thể đi bộ hoặc thuê xe đạp để đi quanh làng.
- Nên mua bản đồ ( 5.000đ/cái) từ cổng làng, vì đường làng nhỏ và quanh co, lại không hề có một bảng chỉ dẫn nào cả nên rất khó tìm các nhà cổ và dễ đi vòng quanh.
- Các hàng quán ăn rất nhiều, tập trung xung quanh đình Mông Phụ, nếu thích có thể đặt ở các ngôi nhà cổ như nhà ông Hùng, nhà ông Huyến…đều có dịch vụ ăn uống.
- Đặc sản ở Đường Lâm: Gà mía, tương nếp, kẹo lạc, chè lam…
- Các điểm tham quan trong Đường Lâm: Đình làng Mông Phụ, Đền Phùng Hưng, Đền thờ Lăng Ngô Quyền, Chùa Mía, Giếng cổ, nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh…
- Các điểm tham quan quanh Đường Lâm: Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Các điểm tham quan khu vực Ba Vì…
Lương Hồ
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất