Dạy trẻ dẫm lên thủy tinh không phải cách khơi dậy lòng dũng cảm

Dạy trẻ dẫm lên thủy tinh không phải cách khơi dậy lòng dũng cảm

2015-08-26 16:29
- Làm ơn, hãy để con trẻ phát triển tự nhiên đi, lòng dũng cảm chắc chắn không xuất phát từ những... mảnh thủy tinh đâu...

Cuốn sách dạy kĩ năng sống cho trẻ lớp 1 có nội dung nói về "lòng dũng cảm" - trong đó minh họa một em bé đang tự tin đi chân trần qua thảm thủy tinh chắc hẳn là đề tài "hot" nhất trong cộng đồng mạng những ngày này, đặc biệt là thu hút sự chú ý của các bà mẹ. Ai nấy đều "sôi sục" bày tỏ quan điểm của mình bởi với họ, trang sách, cuốn sách đó giống như một điều gì đó cực kì "ngang tai trái mắt". Thì đó, bình thường thấy con cầm dao cầm kéo, chơi nghịch với vật nhọn, sắc,... là mẹ đủ "tái mặt" rồi, chứ đừng nói đến chuyện cho con đi lên cả thảm thủy tinh như thế. Rất nhiều mẹ nói rằng họ không tin vào mắt mình khi xem trang sách đó, bởi nó quá nguy hiểm với trẻ nhỏ,...

Trong khi đó, cũng có những mẹ khác và nhất là tác giả thì giải thích rằng việc đi lên tấm thảm đó nhìn có vẻ nguy hiểm nhưng thực tế sẽ chẳng làm sao, rất nhiều người đã đi qua và chưa ai bị thương bao giờ. Họ giải thích bằng những lý lẽ, lập luận khoa học và dễ hiểu, rằng thiết diện của những viên thủy tinh ra sao, áp suất lớn nhỏ như thế nào,... Và những đứa trẻ khi đã vượt qua được thử thách đó sẽ cảm thấy vui, thấy hạnh phúc, thấy mình mạnh dạn hơn sau khi được trải nghiệm hành động dũng cảm đó,... Riêng tôi, dù không học cao biết rộng những cũng đủ để hiểu được những giải thích đó. Tuy nhiên, bản thân tôi cho rằng hành động đi qua thảm thủy tinh ấy không-thể-gọi là dũng cảm!

Dạy trẻ dẫm lên thủy tinh không phải cách khơi dậy lòng dũng cảm
Dũng cảm là phải đi qua thảm thủy tinh?!

Có ai đảm bảo được những đứa trẻ sau khi vượt qua bài tập thử thách đó, với cảm giác hân hoan, vui mừng, chúng sẽ tiếp tục thực hiện để "khoe", để "thể hiện" với bạn bè mình không? Thực chất thì thảm thủy tinh trong sách đó đã được sắp xếp đảm bảo an toàn, nhưng bọn trẻ có hiểu được hết không? Liệu chúng có tin những lời người hướng dẫn rằng "thảm thủy tinh không nguy hiểm nhưng không được thực hiện ở nhà"?. Chúng ta không thể đảm bảo điều đó được, nếu cứ bảo sao nghe vậy thì đã... không phải trẻ con! Ngay cả bản thân những người mẹ, người cha, hồi bé chúng ta đã bao nhiêu lần không nghe lời, bao nhiêu lần bị cấm động vào dao kéo rồi lén nghịch dẫn đến chảy máu đứt tay?

Có những đứa trẻ quá bé đến mức chưa hiểu được lòng dũng cảm là gì, những cũng được cha mẹ cho đến trung tâm để lội qua thảm thủy tinh, để thử thách lòng dũng cảm. Để rồi chúng học được gì? Hay bị nhồi nhét vào đầu ý nghĩ rằng "dũng cảm là vượt qua những thứ nguy hiểm", hoặc nôm na là "dũng cảm thì phải làm liều?!". Rồi không lẽ lớn lên chúng cứ phải đi qua thủy tinh, than hồng, gươm đao,... để trở thành dũng cảm hay sao?

Dạy trẻ dẫm lên thủy tinh không phải cách khơi dậy lòng dũng cảm
Thay vì dạy trẻ đi lên thủy tinh, có lẽ nên dặn chúng tránh ra và nhặt bỏ vào thùng rác - đó mới là kĩ năng sống cần thiết. (Ảnh minh họa)

Thay vì thế, hãy để con ở nhà và nói với chúng rằng, đừng có dẫm lên những thứ sắc nhọn vì con sẽ chẳng được gì ngoài chuyện nó làm con đau và chảy máu; nhưng con có thể học dùng dao dùng kéo để khỏi đứt tay vì sau này con sẽ phải sử dụng đến chúng rất nhiều. Và lòng dũng cảm, là khi con biết thẳng thắn đối mặt với vấn đề và giải quyết nó theo hướng tích cực nhất, dù có "gai góc" và phức tạp đến nhường nào; là khi con biết đặt sự an toàn của người khác như chính bản thân mình, là khi con biết cân nhắc giữa cái "lợi", cái "hại" để xử lý sao cho ổn thỏa, hợp lý, đạt kết quả tốt nhất chứ đừng bao giờ liều mình làm những điều ngu ngốc mà chẳng mang lại thứ gì tốt đẹp. Dũng cảm - là dám nghĩ, dám làm, biết suy xét, biết yêu thương và tôn trong người khác, biết làm những gì cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Vậy thôi! Chứ dũng cảm đâu phải là khi chúng ta... không biết sợ thứ gì. Phàm là con người, nhất là trẻ con, thì ai cũng có 1 vài nỗi sợ hãi của riêng mình: sợ bóng tối, sợ ma, sợ sâu bọ,... Nhưng chẳng ai đánh giá một đứa trẻ là hèn nhát khi nó khóc váng lên vì nhìn thấy con sâu, trong khi sẵn sàng băng đường phố đông nghịt để đưa một bạn nhỏ hơn qua đường.

Thế nên hãy cứ để bọn trẻ lớn lên theo cách tự nhiên đi, cứ uốn nắn, dạy dỗ con theo những gì tốt đẹp nhất, hãy để trẻ học được sự dũng cảm từ những lời yêu thương, những hành động đáng học hỏi của cha mẹ chứ không nhất thiết phải khuyến khích chúng đi qua thảm thủy tinh đâu! Sách vở ấy mà, bố mẹ mua cho con thì đành chọn lọc vậy thôi, chứ như có cuốn sách dạy trẻ thực hành "cười với cây cối" thì đừng khuyến khích nhiều, kẻo chúng lại trở nên... ngớ ngẩn!

Thiên An
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Xu hướng kẻ caro đen trắng đổ bộ thu đông này: Mặc đẹp như Lisa, Mai Davika

Đọc nhiều nhất