Đón tết Đoàn viên với bánh trung thu cổ truyền

Đón tết Đoàn viên với bánh trung thu cổ truyền

Thảo Nguyên 2015-09-21 17:02
- Cứ đến rằm tháng Tám, hàng nghìn người kiên trì xếp hàng tại những cửa hàng bánh trung thu cổ truyền ở Hà Nội, chờ mua bằng được vài hộp bánh về làm quà tặng ông bà, cha mẹ, người thân.

Khi những cơn gió mùa thu bắt đầu len lỏi nơi cũng là lúc người Hà Nội chuẩn bị đón cái tết Đoàn viên ấm áp bên gia đình. Phải chăng khi lòng người say đắm bởi những con đường vào mùa lá rụng, thì ký ức tuổi thơ đẹp đẽ lại tràn về khiến họ muốn tìm kiếm cho bằng được một chiếc bánh trung thu hương vị cổ truyền như một điều thân quen, tốt đẹp xưa .

Bánh Trung thu thường uống cùng một chén trà mạn ướp hương sen để làm dịu bớt vị ngọt đậm đồng thời tăng hương vị cho bánh.

Bánh Trung thu cổ truyền có hai loại là bánh dẻo hình tròn màu trắng, và bánh nướng hình vuông màu vàng sậm nâu như đất. Hình dáng và màu sắc bánh phản ánh văn hóa tín ngưỡng của người dân đất Việt khi xưa: trời thì tròn và đất thì vuông. Hộp bánh làm từ bìa cứng không cầu kỳ, phức tạp. Mỗi hộp đựng vừa đúng bốn chiếc bánh. Hồi còn nhỏ, cả năm mới có một lần được ăn bánh Trung thu nên thèm, quý lắm. Không phải cứ muốn là mua được như bây giờ.

Bánh trông giản dị nhưng cầu kỳ, phức tạp ở khâu chế biến. Vỏ bánh dẻo in hình hoa cúc, là gạo nếp rang, xay nhỏ, nhào đường và ướp hương từ tinh dầu hoa bưởi để tạo ra mùi vị đặc trưng riêng. Nhân bánh làm từ đậu xanh nghiền nhuyễn cùng mứt bí, mứt sen, hạt dưa… đều những đồ chay tịnh, thoảng hương dịu nhẹ. Miếng bánh phải đạt độ dẻo mềm ở ngoài mà bùi béo bên trong. Sau này người ta mới làm thêm những chiếc bánh nhân thập cẩm giống bánh nướng.

Đón tết Đoàn viên với bánh trung thu cổ truyền

Ngược với bánh dẻo, vỏ bánh nướng làm từ bột mì, nướng vàng giòn hai mặt một lớp rất mỏng, bao lấy phần nhân là thịt mỡ thái hột lựu, lạp xưởng, lá chanh, vừng, lạc, mứt bí, gà quay… vì thế mà được gọi là nhân thập cẩm. Vỏ bánh ngọt mà nhân thì mặn, ăn là lạ nhưng nhớ mãi chẳng quên.  

Không chỉ có hình tròn và vuông, bánh Trung thu xưa còn có hình cá chép tượng trưng cho tài lộc, may mắn, hình lợn mẹ cùng đàn con và hình mặt trăng tượng trưng cho sự ấm no, sum vầy. Chính vì thế mà tết Trung thu còn được gọi là tết Đoàn viên, là ngày sum họp của cháu con, dòng tộc.

Đón tết Đoàn viên với bánh trung thu cổ truyền

Ngoài hình vuông và tròn truyền thống, bánh còn được nặn theo hình cá chép, mặt trăng hay đàn lợn tượng trưng cho sự đoàn viên, sung túc.

Bánh Trung thu ngày nay có nhiều biến thể hơn với những nhân khoai môn, đậu xanh, trứng muối, hay cao cấp hơn là bào ngư, vi cá mập… Thế nhưng đâu đó giữa lòng Hà Nội, vẫn còn những người chậm rãi ngồi pha một ấm chè mạn nhỏ, rồi đưa miếng bánh nướng cổ truyền lên miệng, nhấm nháp vị ngọt sắc đến đậm đà rồi chiêu một ngụm chè sen thơm ngan ngát để lưu lại suốt đời hương vị một thời êm ấm trên đầu lưỡi vào bên trong rất sâu trái tim của mình. 

Hà Nội có nhiều tiệm bánh Trung thu cổ truyền, mỗi nơi lại có hương vị và bí quyết riêng không hề trộn lẫn. Một số cửa hiệu bánh Trung thu cổ truyền nổi tiếng tại Hà Nội:
1. Bánh Trung thu cổ truyền Phương Soát.
- Địa chỉ: Số 75 Hàng Chiếu.
- Giá: Từ 40.000 - 80.000 đồng một chiếc.
2. Bánh Trung thu cổ truyền Bà Dần.
- Địa chỉ: 52 Hàng Bè.
- Giá: Từ 45.000 - 85.000 đồng một chiếc.
3. Bánh Trung thu cổ truyền Mai Phương.
- Địa chỉ: 115 Pháo Đài Láng.
- Giá: Từ 30.000 đến 55.000 đồng một chiếc.
                                                                                                                                    Thảo Nguyên
(Theo Congluan)
Xem thêm:

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Hướng dẫn bạn cách bỏ theo dõi người lạ, fanpage hàng loạt trên Facebook

Đọc nhiều nhất