Bài học từ sự trịch thượng của cô nhân viên trẻ
Tin liên quan
Tôi hiện là nhân viên của một cơ quan lớn, trải qua hơn 20 năm làm việc nhưng tôi phải thừa nhận rằng, rất nhiều bạn trẻ hiện giờ có năng lực chuyên môn cũng như mối quan hệ xã hội rất tốt. Mà ở thời của tôi chẳng mấy người có được. Tuy nhiên, trong số đó cũng có không ít những bạn có năng lực, sự sáng tạo đáng khen ngợi trong công việc nhưng song song với nó là thái độ “không biết trên dưới”; sự huênh hoang, cứng đầu khiến đồng nghiệp nhất là những người lớn tuổi nhiều phen nóng mặt.
Ở cơ quan tôi có H là nhân viên mới, cô tốt nghiệp đại học danh tiếng, ngoại hình khá, khả năng ăn nói tốt và những kinh nghiệm đáng nể ở một công ty liên doanh lớn. Tuy nhiên, khi đầu quân sang cơ quan tôi chẳng nhận được nhiều thiện cảm của đồng nghiệp. Cô ấy luôn nói chuyện với đồng nghiệp bằng giọng kẻ cả, bề trên khiến mọi người khó chịu. Mỗi lần nhận nhiệm vụ từ sếp, cô ấy luôn tỏ thái độ tự tin, dù phải thừa nhận, tự tin là tốt nhưng tự tin thái quá sẽ tạo nên phản cảm. Ngay khi sếp giao việc cho cả ban, mọi người còn chưa định hình và phân công xong thì cô ấy nói “được, sếp yên tâm, việc này đơn giản mà”. Làm nhiều đồng nghiệp chưa nắm được vấn đề cảm giác tẽn tò, trơ tráo và ngượng ngùng. Hay mỗi khi thấy đồng nghiệp nào đó đang có những thắc mắc hỏi sếp, dù không phải việc của mình nhưng cô ấy luôn vớ lấy, giảng giải, hướng dẫn đồng nghiệp kia như thể cô mới là sếp. Bản thân tôi cũng một lần chạm trán và cảm thấy thái độ của cô bé này thật khó dung hòa ở chốn công sở.
Lần đó, máy tính của tôi có trục trặc về mạng, khiến tôi không thể nhập thông tin khách hàng. Mấy nhân viên khác, trạc tuổi tôi cũng bó tay dù cho đã làm việc nhiều năm. Ngay khi thấy H đến, chúng tôi lên tiếng hỏi, đúng là thế hệ trẻ, nhanh nhạy công nghệ hơn chúng tôi rất nhiều. Chỉ chưa đầy 5 phút, H đã giải quyết chiếc máy tính của tôi gọn gàng, đơn giản. Xong việc, cô đứng lên và miệng nói “các cô ếch quá, đơn giản thế mà cũng không biết. Phải mở lớp bổ túc cho các cô thôi. Mù công nghệ quá! Đang làm việc mà thế này thì giảm hết công suất”. Cô ấy nói với những cái cười khẩy, liếc mắt tinh quái khiến chúng tôi nóng mặt. Thậm chí cô còn chẳng thèm đoái hoài đến lời cảm ơn của chúng tôi mà ngúng nguẩy bỏ đi luôn.
Không chỉ có thái độ với đồng nghiệp mà H luôn gặp phải những sai lầm nghiêm trọng trong ứng xử nơi công sở. Sự kẻ cả, tự tin thái quá vào năng lực của mình đã khiến H nhiều lần tranh cãi với sếp nảy lửa. Cô thậm chí không muốn nghe lời sếp. Luôn khăng khăng cho mình là đúng, mỗi lần cãi tay đôi với sếp, H luôn viện ra cái lý do như "em đã từng làm việc này ở công ty nọ, công ty kia", "em tin chắc vào khả năng của mình" ... chúng tôi nghe mà ngán ngẩm. Thật may cho H là sếp tôi trẻ tuổi, lại là du học sinh về nên có tư tưởng thoáng, không chấp nhặt với H những điều nhỏ nhặt. Tuy nhiên, sự nhẫn nhịn của sếp càng nhiều thì H càng lấn tới. Hôm vừa rồi, khi đưa ra chiến dịch kinh doanh đầu năm thì H bị sếp chỉnh lại một số vấn đề, nhưng không những không tiếp thu, H một mực cho rằng điều mình đưa ra là tối ưu nhất. Sau khi tranh cãi nảy lửa, tìm mọi lẽ bảo vệ ý kiến của mình cũng không thuyết phục được sếp, H đứng lên ra khỏi cuộc họp với vẻ giận dữ. Ngay lập tức H bị sếp gọi vào, ngay trong cuộc họp cơ quan, sếp nói những hành động của H chỉ là “ngựa non háu đá” và nếu H không tự sửa chữa thì sẽ chỉ dần làm mất hình ảnh của một nhân viên mẫn cán, giỏi chuyên môn và năng động trong mắt mọi người. Cô sẽ bị cô lập giữa công sở và mất đi sự tôn trọng, thậm chí bị đào thải khỏi cơ quan. Những điều chí tình, chí lý mà sếp nói khiến tất cả mọi người phải suy nghĩ, nhất là H. Sau hôm đó, chúng tôi đã nhìn thấy những thay đổi tích cực của H, cô ấy đến cơ quan sớm và chào hỏi mọi người lễ phép, điều mà chưa khi nào chúng tôi nhận được sau 3 tháng H vào làm. Tôi luôn tin, trong thời gian tới, cô ấy sẽ thay đổi dần dần và sống hòa đồng hơn, biết kiềm chế bản thân và phát huy năng lực của mình.
Với gương H tôi xin mạn phép để lại đôi điều cho những bạn trẻ mới bước chân vào cuộc đời, để tránh được những điều đáng tiếc nơi công sở
- Đừng bao giờ coi mình là số 1:
Bạn sẽ thất bại ngay nếu luôn nghĩ mình đứng trên mọi người, mình luôn hơn đồng nghiệp một cái đầu. Đơn giản bạn có thể hơn đồng nghiệp về kiến thức nhưng có biết bao điều bạn còn thua kém họ như: tuổi tác; kinh nghiệm làm việc; quan hệ xã hội…
- Tôn trọng người khác nếu muốn người khác tôn trọng mình:
Điều này là dĩ nhiên, chẳng ai muốn nói chuyện hay gần gũi nếu bạn cứ nói chuyện với họ bằng giọng kẻ cả, trịch thượng. Hãy tiếp xúc với mọi người bằng thái độ thân thiện, thì bạn cũng nhận được những điều tương tự.
- Biết lắng nghe đồng nghiệp:
Điều này sẽ rất tốt cho bạn vì những ý kiến của đồng nghiệp sẽ giúp đỡ bạn tự hoàn thiện bản thân cũng như ý tưởng của mình. Vì vậy lắng nghe không chỉ là phép lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp mà còn là cách học hỏi nhanh nhất.
- Đừng bao giờ lấy xung đột làm “lời giải” cho mọi vấn đề
Khi bạn căng thẳng để bảo vệ ý kiến của mình thì người khác cũng cố gắng gồng lên để bảo vệ ý kiến của họ. Nếu cả hai cùng cương quyết thì sẽ xảy ra xung đột. Vậy thay vì “xù lông nhím” thì bạn hãy nhã nhặn đưa ra quan điểm của mình và trông chờ một điều tương tự ở đồng ở nghiệp.
Sự nín nhịn, lắng nghe hay tỏ ra cầu thị không khiến bạn hèn đi mà chỉ khiến hình ảnh của bạn đẹp hơn trong mắt đồng nghiệp mà thôi./
La La
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất