Rơi nước mắt vì suất cơm văn phòng bị bớt xén

Rơi nước mắt vì suất cơm văn phòng bị bớt xén

2016-03-10 16:11
- Một cuộc triệu tập gấp được diễn ra, với sự có mặt của ban kiểm tra tập đoàn và đích thân ông tổng. Cái nhà bếp tội nợ chỗ chúng tôi được giải tán và những người lao động chân tay được hỗ trợ cơm ăn trưa đúng nghĩa.

Công ty tôi là công ty kinh doanh các sản phẩm công nghệ. Nhân viên trong công ty, về cơ bản thì có hai nhóm, là nhóm nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng và nhóm thứ hai là những người phục vụ. Những người phục vụ thường đảm nhận những việc phía sau, như trực bảo vệ, quét dọn nhà vệ sinh, lấy nước uống và rửa cốc chén của khách hàng... Họ rất vất vả, việc gì cũng đến tay, luôn phải nghe ra lệnh, lại có thu nhập khá thấp vì họ được xếp vào nhóm lao động chưa qua đào tạo. Mỗi tháng trung bình chỉ kiếm được từ 3-5 triệu đồng. Số tiền ấy, sống ở một thành phố lớn, quả là khó khăn! Chưa kể, bữa cơm trưa của họ còn bị trừ vào tiền lương. Chứ không như chúng tôi là được công ty mời miễn phí, nếu ai không ăn thì có thể ra ngoài. Chúng tôi có thu nhập cao hơn, nhà bếp nấu lại dở quá nên chúng tôi không ăn mà rủ nhau đặt cơm trưa ở một cửa hàng gần đó.

Mỗi suất cơm trưa của những người lao động chân tay như thế là 15.000 đồng, số tiền này sẽ được công ty chuyển khoản thẳng cho nhà bếp, sau đó trừ vào tiền lương họ nhận vào cuối tháng. Nói thêm là công ty tôi có một nhóm những người làm bếp. Họ được tổng công ty thuê về để nấu ăn phục vụ bữa trưa. Thực tế, đều là con cháu, người thân trong gia đình các sếp. Vì thế họ nấu nướng với thái độ cực kỳ lười nhác, “chảnh chẹ” và khó chịu. Chúng tôi góp ý mãi rồi, đề nghị mãi rồi nhưng họ cậy sếp, càng trở nên khó tính, vô trách nhiệm hơn nên chẳng thèm ăn, bỏ hết ra ngoài. Chỉ còn có họ, những người nghèo, ký hợp đồng ngắn hạn mà lại luôn trong khả năng bị thay thế nên đành ở lại với cái suất cơm trưa đó.

Rơi nước mắt vì xuất cơm văn phòng

Công bằng mà nói, tôi thấy số tiền 15.000 đồng/ bữa trưa, ở cái thành phố mà mọi dịch đều phục vụ tận răng này, tuy không sang chảnh nhưng cũng không đến mức gọi là “bết bát”. 15k tuy không nhiều những buôn bán song phẳng ra thì vẫn có được khoảng một – hai bát cơm, nấu bằng gạo ngon, với rau, canh và thịt. Sở dĩ tôi biết được như thế vì chính tôi cũng lớn lên từ cửa hàng cơm văn phòng của bố mẹ tôi. Những suất cơm 15k vẫn được xuất đi, rất phổ biến, dành cho sinh viên và những người ăn trưa mà không đòi hỏi nhiều món phụ hay những sự cầu kỳ về hình thức.

Nhưng ở đây, dù họ đã cực kỳ vất vả rồi, thì những bữa ăn 15.000 đồng của những người lao động chân tay, phải nói là quá tệ! Sếp tôi quả là một ông sếp xấu tính và tham lam. Theo chị kế toán nhà bếp cho tôi biết thì thực chất giá những suất cơm này chỉ 5.000 - 7.000 đồng. Vậy thì khoảng 7.000-10.000 đồng còn lại, tiền rơi vào túi sếp và ông trưởng bếp (cũng là người nhà sếp).

Nhân viên bị “nhồi” bởi những thực phẩm giá rẻ, mua cả lô cả đống từ kho đông lạnh quá hạn trong siêu thị. Họ lại phải chịu đựng thói cẩu thả, bừa bãi, vô trách nhiệm trong chế biến. Nhiều khi nhìn suất cơm của họ, tôi rơi nước mắt. Nhiều bác cũng có tuổi rồi, đi dọn vệ sinh, lương chẳng mấy đồng, còn bị trừ tiền ăn trưa mà cơm còn chả ra làm sao. Canh thì lõng bõng, rau thì chả biết là luộc hay xào, trông cứ tái tái, oi oi. Thịt thì bao nhiêu là mỡ. Có hôm rán cá thì chỉ liếc mắt qua tôi cũng biết là loại cá thứ phẩm của hàng đông lạnh. Chưa kể, cơm nhà bếp nhưng hôm nào họ cũng phải ăn trong hộp nhựa, không được bày biện ra mâm bàn tử tế vì nhà bếp ngại dọn rửa. Tính giá mỗi hộp nhựa ấy họ cũng “mất oan” vài nghìn đồng với cái thói kê khống giá cả, rất điêu ngoa của ông bếp trưởng.

Rơi nước mắt vì xuất cơm văn phòng

Có lần, tôi ngồi cạnh họ, hỏi một bác già: “Sao bác làm việc vất vả thế, cơm có thế này, bác lại không phản ảnh?”. Bác cười, bảo: “Cô ơi, nói ra mai họ lại cho chúng tôi nghỉ việc bây giờ”. Tôi nghe mà nghẹn đắng. Ngày trước, bố mẹ tôi cũng vất vả lắm, lao động chân tay nuôi mấy chị em tôi ăn học. Bố tôi chạy xe ôm, mẹ tôi cũng đi quét dọn cho người ta, mãi có rồi có vốn mới mở được cửa hàng bán đồ ăn trưa. Vì gia đình nghèo nên tôi hiểu bữa ăn trưa ở nơi làm việc, đối với những người lao động nghèo là quan trọng thế nào. Ăn uống sơ sài thì đói và mệt lắm! Tiếc là cửa hàng của mẹ tôi xa quá, không thì tôi đề nghị mẹ tôi bán hàng không lãi cho họ luôn, chứ nhìn họ ăn uống thế, tôi không nuốt nổi suất cơm của mình!

Thế rồi tôi quyết định liều một phen, để làm cho ra nhẽ. Tôi lặng lẽ lấy điện thoại ra, chụp ảnh những món ăn của họ, rồi đặt chế độ ghi âm, sau đó ngồi cạnh họ. Vì họ quen tôi rồi, quý mến tôi nên tôi ngồi cạnh lân la thoải mái, họ chẳng đuổi tôi ra làm gì. Ngồi cạnh, tôi ghi âm được hết, bác lao công lè lưỡi bảo canh hôm thì mặn hôm thì nhạt quá. Chú trông xe bảo thịt hôm nào cũng có mùi ôi, khó chịu vô cùng nhưng đói thì phải nuốt.

Rơi nước mắt vì suất cơm văn phòng bị bớt xén

Xong xuôi, tôi nhờ đứa em họ đang du học ở nước ngoài, lập một địa chỉ email mới toanh, rồi tôi gửi email cho nó, nó copy lại, gửi cho ông tổng giám đốc của tôi. Sở dĩ tôi phải cẩn thận như thế vì ở cái công ty công nghệ này, việc lần ra đầu mối email không hề khó khăn, họ sẽ lần ra cái IP từ văn phòng của tôi, thậm chí chỗ ngồi của tôi, sẽ biết thừa là tôi đã gửi email cho tổng giám đốc, thì tôi “đi”.

Một cuộc triệu tập gấp được diễn ra, với sự có mặt của ban kiểm tra tập đoàn và đích thân ông tổng. Cái nhà bếp tội nợ chỗ chúng tôi được giải tán và những người lao động chân tay được hỗ trợ 5.000 đồng/suất cơm trưa, 10.000 đồng còn lại, họ sẽ tự bỏ ra nhưng công ty ứng trước và được đặt hàng tại một cửa hàng cơm văn phòng có chất lượng tốt hơn. Còn tôi thì nhận được email reply của ông tổng, rằng: “Cô có phẩm chất làm gián điệp! Riêng chuyện này, tôi khen!”.

An Nhiên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng

Đọc nhiều nhất