Khi bạn cảm thấy chán việc, hãy đọc bài viết này

Khi bạn cảm thấy chán việc, hãy đọc bài viết này

2016-03-09 14:09
- Nếu bất giác bạn thấy chán việc trong một khoảng thời gian nào đó, hãy xem xét bản thân, công ty và đọc bài viết dưới đây nhé.

Tôi đang ở trong những ngày khủng hoảng thần kinh, mọi thứ đều u ám. Công việc bị ứ đọng. Nguyên nhân là bởi dòng suy nghĩ và ý tưởng của tôi cũng đang bị đình trệ vô thời hạn. Thường là như vậy, những công việc liên quan đến trí óc và ý tưởng thường liên quan mật thiết đến cảm xúc của người tạo ra ý tưởng. Số tiền tôi vay mượn bạn bè để sống bốc đồng cho qua ngày chán nản đã bắt đầu báo trước về sự mất khả năng thanh toán. Mà thông thường, như một thói quen xấu, tôi luôn tiêu pha bạt mạng trong những lúc công việc gặp khó khăn, những khi cơ hội kiếm tiền bị đình đốn lại thì cũng là lúc tôi “ngốn” tiền dữ dội. Tiêu tiền khi ấy như một thú vui tiêu khiển cho qua ngày, nên cứ lâm vào cảnh nợ nần túng quẫn thường xuyên.

Nhiều khi, người ta nói rằng nhiệt huyết với công việc giống như một đồ thị hình sin, lên đỉnh và xuống dốc không phanh, nhưng quyết tâm để qua được thì sau đó sẽ lập lại cân bằng và tăng trưởng tốt. Qua mỗi một giai đoạn ấy, người ta sẽ trưởng thành lên. Có lẽ đúng là như thế. Nhưng với nhiều những người trẻ chúng tôi, khi nhiệt huyết của mình tạm rơi rụng đi sau khoảng một năm, thì chúng tôi sẵn sàng nhảy việc ngay lập tức! Chẳng ai muốn tiếp tục cái thứ mà họ chán. Người trẻ, vốn đong đếm cuộc đời qua ô kính của cảm xúc mà. "Thích thì sẽ nhích”, mà nhiều khi không nghĩ xem cái sự “nhích chỉ vì thích” ấy có đủ để mình sống những ngày vui vẻ hay không...

Khi bạn cảm thấy chán việc, hãy đọc bài viết này

Nhưng lần này thì khác, tôi quyết tâm phục hồi. Tôi không muốn bị thất bại và nhảy việc hết lần này lần khác. Tôi không muốn mình “sống trên mây” nữa. “Sống trên mây” là kiểu người luôn lao vào bất cứ công việc nào cũng với sự nhiệt huyết quá đà rồi nhanh chóng trở về thất vọng. Tôi không muốn thế, không muốn mình bấp bênh!

Sếp đứng lừ mắt với tôi khi tôi bước lên cầu thang tòa nhà làm việc của mình, thông báo rõ về việc tôi đi muộn lần thứ n trong tháng. Sếp bảo, lương tôi bị trừ gần hết rồi. Nếu hôm nay tôi không nộp báo cáo nữa thì tôi sẽ còn phải nộp thêm tiền phạt. Sếp "khuyến mại" thêm một lời đe dọa, rằng nếu tôi có muốn nhảy việc sang một công ty khác đi chăng nữa thì cũng phải nộp phạt cho xong mới được đi. Chưa kể, bản nhận xét mà sếp dành cho tôi sẽ vô cùng tồi tệ, xem có công ty nào dám nhận tôi không!

Tôi mím môi, lặng lẽ mở cửa phòng làm việc. Đáng lẽ, như mọi khi, tôi sẽ trả lại cho sếp một cái nhìn thù oán và thách thức. Cái nhìn ấy, kiểu như một lời nói ngấm ngầm, ẩn ý như là: “Ông giỏi thì nói nữa đi, tôi bỏ ngay, vứt toẹt cả tiền lương tháng này vào mặt ông bây giờ”. Nhưng hôm nay thì không! Tôi hối lỗi thành tâm. Tôi cần phải biết, rằng tôi đi làm muộn là một việc làm hoàn toàn không nên. Khoan hãy oán trách sếp về chuyện hay đưa ra quy định vụn vặt và thù siêu dai, tôi cần phải chấn chỉnh giấc ngủ và đặt cái đồng hồ báo thức cho nghiêm túc. Tôi im lặng. Sếp nói đúng, tôi sai rồi! Cái thùng rác gần cửa ra vào, sáng nay cũng không còn bị tôi đá cho cái nào. Hình như chính nó cũng hết sức tò mò, ngạc nhiên! 

Ngày nhỏ, đã hơn một lần tôi nghe thấy những người quanh mình, như bố mẹ, ông bà, khuyên nhủ đám trẻ nít chúng tôi: “Học đi, cho đời đỡ khổ!” Tôi không hiểu “khổ” là gì, chỉ cảm giác sơ lược rằng “khổ” là thứ mà không ai muốn có, là điều mà không ai muốn gặp, là cảm giác mà tất cả mọi người đều muốn tránh xa. Về sau, một cách cụ thể hơn, tôi cảm nhận được cái “khổ” mà ông bà, bố mẹ nhắc tới hồi ấy, tức là sự vất vả, mệt nhọc về tay chân, về cơ thể. Kiểu như không học thì sẽ làm những việc nặng nhọc về thể xác, thiếu thốn về vật chất, chật chội trong những cơ hội kiếm tiền so với những người có bằng cấp làm “bệ phóng”.

Nhưng cho đến giờ, tôi chưa từng nhìn thấy một công việc nào mà không làm người ta vất vả hay mệt mỏi. Tất cả, những gì tôi thấy, thì dù công việc này hay công việc khác, hoặc là sẽ mệt bã về thể xác, hoặc là đều điên đảo về trí óc. Bất kể là họ già hay trẻ, giàu hay nghèo, là người có chức vụ hay chỉ là một nhân viên quèn. Bất kể họ bằng cấp đầy mình hay chỉ là lao động chân tay không qua đào tạo. Nghĩa là người ta buộc phải chấp nhận rằng việc học chỉ là để thỏa mãn sự khát thèm tri thức, chứ tuyệt đối không phải là tấm áo giáp đảm bảo cho người ta sung sướng và được xã hội này trọng vọng. Quá nhiều điều cần phải học và chấp nhận thích nghi, ngoài những điều thầy cô dạy dỗ tôi - một sinh viên, học viên xuất sắc - ở lớp đại học và cao học.

Bản báo cáo được tôi trình lên sếp sau một tiếng đồng hồ tôi “lần mò” uể oải trong văn phòng, đi qua những “thủ tục” lờ đờ, kiểu như pha café, rửa tay, thay áo khoác và nghĩ ngợi lòng vòng. Ông ấy lấy bút đỏ, gạch toẹt những điều tôi đã làm suốt cả tuần qua và hét vào mặt tôi rằng: “Cô có thần kinh không? Cô nghỉ việc đi! Tôi phát chán!”.

Khi bạn cảm thấy chán việc, hãy đọc bài viết này

Nói xong, sếp hình như vẫn đợi một lời cãi cố từ cái đầu bướng bỉnh và cái trán cao gần đến đỉnh đầu của tôi, y hệt mọi khi. Nhưng không, tôi cúi đầu, nói với sếp rằng tôi thực lòng xin lỗi. Tôi xin thêm một ngày để hoàn thành nốt chỗ này và chấp nhận mọi hình thức xử lý sếp đề ra. Ông ấy ngạc nhiên, hình như trong hình hài ngang ngạnh của tôi mọi ngày là một con bé khác. Sếp nhìn sang quyển lịch, nói với tôi bằng cách nói chân thành nhất của ông ấy mà tôi chưa từng được nghe. Rằng: “Chưa vội lắm đâu. Cô có thể hoàn thành nó trong 3 ngày tới. Những việc thế này, thực ra chỉ là việc vặt với năng lực của cô, nhưng cô xao nhãng quá. Cô khiến tôi không thể bình tĩnh được”.

Tôi trở về phòng làm việc của mình, nước mắt trào ra, tôi gục mặt lên bàn nức nở như mỗi lần bị điểm kém và phải nghe mẹ mắng! Khóc được, mọi thứ đều nhẹ nhõm và sáng sủa. Tôi bình tĩnh lần giở lại mớ số liệu mà tôi đã sợ hãi nó vì cảm thấy “lùng bùng”. Ngày hôm sau, báo cáo hoàn thành. Sếp xem rồi bảo tôi: “Phải thế chứ, cô N mà lại không làm được chuyện này? Cô ổn rồi phải không?”.

Tôi hoàn toàn không thích sếp của mình vì ông ấy thực dụng quá, luôn nghĩ cách trừ lương trừ tiền của đám nhân viên. Tôi cũng mệt mỏi với đám đồng nghiệp ồn ào đưa chuyện trong cái công ty này. Tôi cũng bực luôn với cả cái công việc mà tuy đúng chuyên môn nhưng lại bị ràng buộc bởi muôn vàn những thứ “hằm bà lằng” khác nhau. Nhưng tôi hiểu, mình vĩnh viễn không thể sống tốt hơn nếu mình cứ bực bội với mọi điều như thế, nhìn thấy toàn những thứ xấu xa như thế. Mình vĩnh viễn không thể “đối đầu với cả thế giới” rồi đòi nhảy việc mỗi năm một lần. Tôi nhận ra, để đi qua những ngày chán việc, chỉ có một cách tốt nhất, là ... đừng chán nữa!

Phạm Hiền
Xem thêm:
 

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Lưu ý những thực phẩm mẹ bầu nên tránh khi mang thai 7 tuần

Đọc nhiều nhất