Nhân viên làm việc theo KPI có nên đi làm đúng giờ?

Nhân viên làm việc theo KPI có nên đi làm đúng giờ?

2015-11-11 13:04
- Hiện nay ngoài các cơ quan có đặc thù làm việc theo giờ hành chính thì các doanh nghiệp tư nhân thường có áp dụng KPI dành cho nhân sự.

“Key Performance Indicator”  (KPI) có nghĩa là chỉ số đánh giá thực hiện công việc. Thông thường mỗi chức danh sẽ có bản mô tả công việc hoặc kế hoạch làm việc hàng tháng. Nhà quản lý sẽ áp dụng các chỉ số để đánh giá hiệu quả của chức danh đó. Dựa trên việc hoàn thành KPI, công ty sẽ có các chế độ thưởng phạt cho từng cá nhân.

Hiện nay ngoài các cơ quan có đặc thù làm việc theo giờ hành chính thì các doanh nghiệp tư nhân thường có áp dụng KPI  dành cho nhân sự. Điều này dẫn đến 2 vấn đề: cái lý của nhân viên khi làm việc theo KPI và quy định của công ty về giờ giấc làm việc.

Nhân viên làm việc theo KPI có nên đi làm đúng giờ?

Cái lý của nhân viên

Những nhân viên làm việc theo KPI thường có lý khi cho rằng họ cần được tự do về mặt thời gian, bởi công ty đã quản lý họ theo KPI, theo deadline thì việc họ ngồi làm việc ở văn phòng hay không không quan trọng, điều quan trọng là hiệu suất công việc vẫn chạy đều, kết quả vẫn tốt và đó là điều mà công ty nên chú ý, cân nhắc.

Đối với những ngành nghề có đặc thù riêng như: Thiết kế thời trang, stylist, phóng viên, chứng khoán, marketting...thì việc quản lý theo deadline và KPI sẽ là cách quản lý công việc hiệu quả nhất. Những nghề “chân chạy”  và cần sự sáng tạo sẽ rất khó có thể áp quy chế chấm công đầy đủ như những công việc “bàn giấy” thông thường.

Mai (24 tuổi – phóng viên báo điện tử) tâm sự: “Mình làm một công việc quản lý theo KPI, trung bình 1 tháng mình phải có 60 tin bài lên trang. Công việc thì bất kể giờ giấc vì tin là những thứ không thể xuất hiện nếu mình ngồi ở văn phòng theo dõi facebook được. Rất nhiều tin xảy ra ở môi trường bên ngoài, nhiều câu chuyện cần phải đào sâu, cần phải điều tra thực tế, vì thế chuyện phóng viên ngồi làm tin trong văn phòng là điều chưa từng có ở bất cứ một tòa soạn nào cả.

Ngày đầu mới ra trường, mình có làm ở vị trí biên tập viên ở một trang thương mại điện tử. Công việc là biên tập và viết lại tin cũ sao cho mới lạ và kích thích độc giả đọc, tìm hiểu và mua sản phẩm. Công việc nghe qua tưởng là chỉ cần ngồi ở văn phòng ngồi viết là xong, nhưng thực tế việc viết mới lại một vấn đề đã cũ không phải đơn giản, nó đòi hỏi tư duy và sáng tạo, nhưng khi ngồi quá lâu trong văn phòng, mình cảm thấy ngột ngạt và đầu óc rất khó tư duy. Khi làm việc ở ngoài thì thấy tự do và nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo hơn.

Sau vài lần xin phép công ty cho anh chị em biên tập ra ngoài thay đổi không khí làm việc và quản lý theo deadline, KPI nhưng không được chấp nhận, mình xin nghỉ việc và chuyển sang làm phóng viên. Công việc thực sự phù hợp với bản thân nên mặc dù vất vả vì cả ngày lăn lộn ngoài đường lấy tin bài, kết nối nhân vật, sự kiện…nhưng mình vẫn thấy tràn đầy năng lượng và sáng tạo trong cách viết, truyền tin”.

Nhân viên làm việc theo KPI có nên đi làm đúng giờ?

Công ty nói gì khi nhân viên không thích bị quản lý giờ giấc?

Ngược lại với lý sự của nhân viên, phía công ty cũng có những lý lẽ xác đáng để quản lý nhân sự của mình trong công việc. Với công ty, đó là một tổ chức gồm nhiều bộ phận, việc thực hiện theo quy chế, quy định thể hiện sự tôn trọng kỉ luật, tính chuyên nghiệp và quản lý tốt về mặt nhân sự.

Nếu vì “nuông chiều” và ưu ái cho một vài nhân sự, trong khi đó lại áp quy chế với nhân sự khác thì ngay lập tức sẽ có sự “bất phục” xảy ra, ai cũng có nhu cầu đòi quyền lợi cho bản thân, và điều gì sẽ xảy ra khi không một nhân sự nào làm việc theo quy chế?

Làm sao để thấu tình, đạt lý?

Nếu một môi trường làm việc nơi các kết quả và KPI là tiêu chí đầu tiên để đánh giá năng lực của một cá nhân thì yếu tố thời gian có nên “quá” được chú trọng? Nếu đi làm đúng giờ nhưng không đạt KPI có bị đuổi việc không? Hay đi làm không đúng giờ nhưng vẫn đạt KPI thì có bị đuổi việc không? Thiết nghĩ, các nhà lãnh đạo nên quan tâm cụ thể tới những thành phần đi làm vừa không đúng giờ, vừa không đủ giờ, vừa không đạt KPI thì sẽ giải quyết được bài toán hóc búa này, thay vì áp đặt chung chung cho cả một tập thể mà chỉ có vài thành tố là con sâu làm rầu nồi canh cần được loại bỏ thích đáng.

Tất nhiên đi làm đúng giờ thì vẫn tốt hơn, dù bạn có đạt được bao nhiêu cái KPI tốt và xuất sắc đến cỡ nào. Nhưng vấn đề muốn thảo luận trong bài này không phải là vấn đề tốt hay xấu. Tôi muốn nói đến khía cạnh quản lý con người của các vị sếp:  Phải chăng cái kết quả tốt thì mọi việc đều tốt? Hay vẫn cần phải quản lý nghiêm ngặt để thiết lập trật tự và thể hiện đúng tinh thần văn hóa công sở?

Minh Châu
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


6 mẹo rửa mặt giúp da sạch mịn của phụ nữ Nhật

Đọc nhiều nhất