Phong cách nội thất thô mộc cho người hoài cổ

Phong cách nội thất thô mộc cho người hoài cổ

Red 2014-06-28 10:18
- (Em đẹp) - Sự thân thuộc, ấm áp và không kém phần sang trọng của phong cách nội thất thô mộc vẫn đủ quyến rũ bạn, dù bạn không phải tuýp người hoài cổ.
Phong cách nội thất thô mộc (rustic style) đã không còn là một danh từ lạ lẫm với người Việt trong những năm gần đây. Với ngày càng nhiều kiến trúc sư được ảnh hưởng nhiều bởi phong cách u Châu, hoặc sinh sống nhiều năm ở nước ngoài đem giới thiệu phong cách rustic đến với những gia đình Việt và một sự đóng góp không nhỏ của những quán bar/cafe có thiết kế mang hơi hướng này, phong cách nội thất thô mộc đến nay đã không còn là một cái gì đó “Tây quá” nữa.

Phong cách nội thất thô mộc xuất phát từ những vùng nông thôn, nơi những nguyên liệu chủ yếu được dùng cho nhà cửa là những chất liệu thô và mộc như gỗ, đá và gạch; và được làm một cách thủ công, tùy hứng, không chau chuốt. Phong cách này đến nay vẫn vẫn bền bỉ tồn tại bởi những người hoài cổ và yêu thích vẻ đẹp xưa cũ, mộc mạc thì thời nào cũng đông.

Tuy nhiên, rất khó để bê nguyên một căn nhà dân dã đặt trong bối cảnh đô thị, không những thế, còn gây cảm giác ngột ngạt cho người thành thành thị nếu sống trong ngôi nhà ấy.

Nét đẹp xưa cũ vì thế mà biến đổi phù hợp với lối sống đương đại bằng cách pha trộn nhuần nhuyễn với nhiều yếu tố hiện đại tạo nên một phong cách nội thất mà chúng ta thấy được áp dụng nhiều hiện nay, chủ yếu bởi những người có tâm hồn nghệ sỹ và thẩm mỹ hoài cổ. Phong cách “thô mộc hiện đại” này vẫn luôn có một chỗ đứng riêng, mạnh mẽ và bền bỉ trong dòng chảy nhiều màu sắc của lĩnh vực nội thất.

Kể từ khi nét dân dã tìm thấy sự giao kết với nét hiện đại, phong cách nội thất lại trở nên phong phú hơn nhiều với nhiều lựa chọn: khu vực nào, đồ đạc nào, chi tiết nào sẽ là hiện đại hay dân dã. Từ đó phong cách thô mộc hiện đại rẽ nhánh. Theo cách phổ biến nhất và dễ áp dụng nhất, người ta thường chọn làm dầm, tường, kệ, cửa, ga bằng các vật liệu thô và mang hình dạng có phần xù xì.

Dầm thô ráp

Trái với suy nghĩ đặt thật nhiều đồ đạc thô mộc vào căn phòng là cách dễ nhất để đạt được phong cách dân dã, thực ra dầm nhà có hình dáng thô ráp mới chính là cách hiệu quả nhất mà bạn nên áp dụng đầu tiên. Đừng cố công mài nhẵn những thanh dầm, hãy tùy ý để chúng cong, thô kệch, xù xì.

Nguồn ảnh: Veser’s Antique Woods

Bạn nên ốp gỗ lên trần nhà để có sự liền mạch và tránh gây cảm giác lạc lõng cho những thanh dầm, tường nên sơn màu sáng để tăng sự tương phản và làm bật lên phong cách thô mộc mà bạn đang muốn thể hiện.

Nguồn ảnh: Veser’s Antique Woods

Nguồn ảnh: Decoration Of Home

Đồ vật có hình dạng hữu cơ

Đối với những không gian hiện đại, có nhiều khối vuông vức hoặc cầu kỳ, hãy chọn một đồ đạc có hình dáng hữu cơ làm điểm nhấn và mang lại nét mềm mại, gần gũi. Ví dụ: bồn rửa tay, bàn ở phòng khách, kệ ở góc nhà,...

Chiếc khay có giúp làm mềm không gian bị lấp đầy bởi nhiều đồ vật vuông vức/Nguồn ảnh: Houzz

Bàn hình dạng lạ mắt làm điểm nhấn cho không gian đơn điệu/Nguồn ảnh: Stine Wood Working

Đồ vật mang màu thời gian

Đây chính là yếu tố mà những người hoài cổ mê đắm nhất. Bất kể là bề mặt cũ kỹ đó là do thời gian hay do nhân tạo, những đồ vật ấy vẫn dễ dàng gây được cảm giác thân thuộc. Vẫn hãy nhớ phải có yếu tố hiện đại hiện diện trong toàn cảnh, để hài hòa và tránh cảm giác ủ ê do đồ cũ mang lại.

Bồn rửa mặt được làm từ chậu cũ kỹ/ Nguồn ảnh: Brave Casa

Những mảng tường màu đất, ấm

Chọn dùng những màu sắc của tự nhiên: đất, gỗ, đá, sỏi - màu nâu của gỗ, nâu đen của đất bùn, nâu đỏ của đất bazan, vàng nâu của cát… Đừng vội nghĩ rằng những tông màu trầm và không mịn màng này sẽ làm không gian nặng nề và u tối, bởi chúng chỉ nên xuất hiện trên một vài mảng tường hoặc đồ vật mà thôi.

Bức tường gạch trần/Nguồn ảnh: Resource Dir

Ví dụ một bức tường ở phòng ngủ như trong hình phía dưới được ốp gỗ sơn màu nâu đất, nhưng kết hợp với một vài đồ đạc màu đỏ tươi cùng ga trải giường màu trắng sữa tạo nên một tổng thể xinh đẹp, ấm áp và không kém phần sang trọng.

Tường gỗ mang đến vẻ mộc mạc và ấm áp/Nguồn ảnh: Happy Decor và Houzz

Đồ vật tái chế

Có thể nói việc sử dụng đồ nội thất tái chế là một thú vui của những người yêu thích phong cách nội thất thô mộc. Đồ vật cũ được sử dụng lại theo đúng công năng ban đầu, được cải tạo đi; nhưng nhiều khi chúng được “tái sinh” trong một hình dáng và theo một mục đích sử dụng hoàn toàn mới lạ. Điều này mang lại nhiều bất ngờ nho nhỏ và sự tự do trong tư duy của cả người thiết kế lẫn người sử dụng.

Ghế sắt được tái chế từ ghế thợ cắt tóc và ghế da của Nguyễn Quí Đức

Xô nhôm được dùng là bồn rửa tay ở một quán cafe ở Hà Nội/ Nguồn ảnh: Libero

Vải dệt thô

Nếu như vật liệu cứng được sử dụng trong phong cách nội thất thô mộc là gỗ, đá, gạch thì vật liệu mềm là vải dệt thô như vải bố, len, cotton, linen. Tinh tế như lụa hay cầu kỳ như ren không phải lựa chọn phù hợp cho một không gian dân dã. Đây là cách dễ dàng nhất để điểm xuyết nét mộc mạc cho căn phòng và gần như những mảnh vải thô có thể phủ lên đồ vật thuộc một không gian theo bất cứ phong cách nội thất nào. Chúng làm dịu những không gian kiểu cách, làm ấn tượng cho những không gian đơn điệu, và làm ấm những không gian mang dáng vẻ xa cách.

Nguồn ảnh: Canidian Log Home

Red
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Học gái Nhật cách chăm sóc bằng sữa gạo giúp da trắng ngần tự nhiên

Đọc nhiều nhất