Thương Ngày Nắng Về: Dẫu rằng công sinh không bằng công dưỡng, nhưng tình máu mủ vẫn là sợi dây ràng buộc thiêng liêng không thể nào cắt đứt

Thương Ngày Nắng Về: Dẫu rằng công sinh không bằng công dưỡng, nhưng tình máu mủ vẫn là sợi dây ràng buộc thiêng liêng không thể nào cắt đứt

Hằng Nga 2022-04-15 10:00
- Ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ luôn là điều thiêng liêng, đáng trân trọng, dù người đó là mẹ ruột hay mẹ nuôi.

Lâu lắm rồi màn ảnh Việt mới lại có một bộ phim về tình cảm gia đình khiến người xem nức nở, nghẹn ngào. Bộ phim Thương ngày nắng về khai thác một khía cạnh rất đặc biệt của tình mẫu tử, đó là mối quan hệ giữa mẹ nuôi – con nuôi và hành trình đi tìm lại mẹ ruột của cô gái bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ.

Vân Trang (Huyền Lizzie) là con nuôi của bà Nga (NSƯT Thanh Quý), một bà mẹ đơn thân của ba cô con gái. Mẹ ruột của Trang, bà Kim Nhung (NSND Minh Hòa) vì hoàn cảnh bất đắc dĩ mà phải bỏ con lại. Nhiều năm sau bà Nhung trở về, gặp lại con gái nhưng bà không hề nhận ra vì bà luôn cho rằng con gái mình đã chết trong vụ hỏa hoạn. Quá đau đớn vì mất con, bà Nhung sinh ra thù hận, muốn trả thù đời, trả thù người. Chỉ vì cạnh tranh quyền lực và âm mưu lật đổ chủ tịch tập đoàn mà bà Nhung không ít lần gây khó dễ cho Trang mà không biết cô chính là con gái mình.

Công sinh không bằng công dưỡng nhưng tình máu mủ khiến con cái luôn đi tìm lại cha mẹ ruột

Cảnh con gái trả vòng cho mẹ ruột gây xúc động.

Trong diễn biến mới nhất của bộ phim, cảm xúc của nhân vật được đẩy lên cao trào khi Vân Trang trả lại cho mẹ ruột tín vật năm xưa, chiếc vòng tay che mưa chắn gió. Cô cũng cắt đứt mối “nghiệp duyên” với mẹ vì bà đã bỏ qua cơ hội cuối cùng để mẹ con có thể nhận lại nhau, sự kiên nhẫn của cô cũng đã đạt đến giới hạn. Bà Nhung sau đó đã bàng hoàng ngã quỵ khi nhận ra sự thật về người con mà bà vẫn hằng thương nhớ.

Có lẽ đây là một trong những cảnh phim cảm động nhất, đắt giá nhất của phim Việt. Vân Trang bị mẹ ruột bỏ rơi nhưng cô may mắn gặp được gia đình bố mẹ nuôi yêu thương cô hết mực. Bà Nga coi Vân Trang không khác gì con ruột, thậm chí có lúc bà còn quên mất rằng bà chỉ là mẹ nuôi. Chồng mất sớm, một tay bà tần tảo nuôi ba cô con gái, cho ăn học đàng hoàng, hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử nào giữa con nuôi và con ruột.

Công sinh không bằng công dưỡng nhưng tình máu mủ khiến con cái luôn đi tìm lại cha mẹ ruột

Bị mẹ ruột bỏ rơi là điều gì đó vô cùng tổn thương.

Thế nhưng khán giả vẫn cảm nhận được khoảng cách vô hình giữa Vân Trang và bà Nga. Vân Trang yêu thương mẹ nuôi nhưng cách cô thể hiện tình cảm có chút gì đó như đang trả ơn người đã cưu mang mình. Là đứa trẻ được nhận nuôi, Vân Trang luôn cố gắng ngoan ngoãn, hiếu thảo và học thật giỏi. Sau này cô cũng là người con ưu tú, thành đạt nhất trong ba chị em, giúp bà Nga có thể ngẩng đầu mát mày nở mặt với thiên hạ. Lần nào về thăm mẹ, Vân Trang cũng dấm dúi biếu mẹ đồng to đồng nhỏ. Miệng luôn nói yêu mẹ, chỉ cần mẹ nhưng Vân Trang chỉ về nhà ôm mẹ Nga ngủ khi buồn vì mẹ ruột.

Bao nhiêu năm lớn lên với tình yêu thương của mẹ Nga và các chị em trong nhà, Vân Trang vẫn đau đáu đi tìm lại mẹ ruột. Cô âm thầm gom nhặt những thông tin về mẹ ruột, vào Hoàng Kim làm 10 năm cũng chỉ để chờ mẹ trở về và nhận ra mình. Thế nhưng, vì không nhận ra con, bà Kim Nhung đã ghét bỏ ra mặt và gây khó dễ cho Trang hết lần này đến lần khác. Nhiều lần bị mẹ xúc phạm, Trang vẫn kiên nhẫn chịu đựng, chỉ tình mẫu tử mới có thể khiến một đứa con kiên nhẫn được đến nhường ấy.

Công sinh không bằng công dưỡng nhưng tình máu mủ khiến con cái luôn đi tìm lại cha mẹ ruột

Dù được mẹ nuôi yêu thương, Trang vẫn đau đáu tìm mẹ ruột.

Có lẽ bà Nga khi biết chuyện Trang vẫn đi tìm lại mẹ ruột của mình, bà sẽ chạnh lòng, tủi thân nhiều lắm. Nhưng cũng chẳng thể trách được Vân Trang bởi bất kỳ người con nào ở trong hoàn cảnh của cô cũng sẽ đi tìm lại mẹ ruột của mình. Tình máu mủ vẫn là sợi dây rằng buộc cha mẹ với con cái cả đời, không thể nào chặt đứt được. Cách một đứa trẻ được nuôi dạy trong 5 năm đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến phần lớn cuộc đời của họ khi lớn lên sau này. Phức cảm bị bỏ rơi, khoảng trống do mẹ ruột để lại là thứ không sao bù đắp được.

Trong Hương vị tình thân, Phương Nam (Phương Oanh) cũng luôn đau đáu đi tìm lại cha ruột của mình. Hạ Tử Thu (Trương Tân Thành) trong Lấy danh nghĩa người nhà cũng thế, dù được ông Lý nuôi lớn với lòng bao dung vô hạn, cậu vẫn không ngừng thương nhớ người mẹ đã bỏ rơi mình. Những đứa con ấy chỉ mong một lần tìm lại được bố mẹ ruột của mình để hỏi một câu tại sao lại nỡ bỏ rơi đứa con mà họ dứt ruột đẻ ra. Thế nhưng sâu thẳm trong trái tim, không một người con nào là không cảm thấy gắn kết với cha mẹ ruột. Bởi “Dù cha ra sao vẫn luôn là đấng sinh thành. Dù mẹ làm sao vẫn luôn mang nặng đẻ đau” (Lời bài hát Đạo làm con của Quách Beem).

Công sinh không bằng công dưỡng nhưng tình máu mủ khiến con cái luôn đi tìm lại cha mẹ ruột

Dù sao thì mẹ cũng có nỗi khổ riêng.

Tình máu mủ ruột rà giữa cha mẹ và con cái vẫn là một điều gì đó thiêng liêng, không thể thay thế cũng không thể dứt bỏ. Đôi khi người làm cha mẹ phải bỏ lại con cái của mình, phó mặc cho người khác cũng chỉ vì hoàn cảnh ép buộc, vì họ không còn khả năng lo cho đứa con ấy nữa. Như bà Kim Nhung bị ép phải bỏ con, bỏ xứ để đổi lấy khoản tiền trả nợ cho người nhà. Ông Sinh trong Hương vị tình thân phải xa con chỉ vì vướng vào cảnh tù tội.

Những bộ phim giàu tính nhân văn về gia đình sẽ cho chúng ta một góc nhìn để hiểu hơn về nỗi lòng của cha mẹ. Dù thế nào, sau tất cả những người thân ruột thịt sẽ luôn bao dung, chấp nhận lẫn nhau.

Hằng Nga

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Chung Sở Hy khoe cổ thiên nga cực gợi cảm trong bộ ảnh mới

Đọc nhiều nhất