Bạn từng gặp những áp lực gì thời đi học?

Bạn từng gặp những áp lực gì thời đi học?

Hằng Nga 2022-04-13 11:02
- Thời học sinh ăn chưa no, lo chưa tới, tuy được bố mẹ lo cho mọi thứ nhưng đôi khi các em cũng chẳng sung sướng lắm đâu.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng tuổi học trò là quãng thời gian đẹp đẽ, hồn nhiên, vô lo vô nghĩ. Vậy nên nhiều người không thể hiểu ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ấy thì có áp lực gì đến nỗi nhiều em học sinh phải quẫn bách tự tử? Chúng ta sẽ chẳng thể hiểu được thế hệ sau nghĩ gì nếu như cứ áp đặt những quan điểm của thế hệ trước.

Gần đây tôi có xem lại bộ phim Ba chàng ngốc, bộ phim về ba anh chàng sinh viên mà tôi đã xem đi xem lại rất nhiều lần, từ khi còn là sinh viên cho đến lúc đã ra trường nhiều năm. Cảm xúc vẫn vẹn nguyên như vậy, và có những khía cạnh tôi có thể thấu hiểu ở mức độ nhận thức cao hơn so với những năm tháng hai mươi. Bộ phim đã ra mắt hơn một thập kỷ trước nhưng vẫn bao quát được nhiều vấn đề mà ngành giáo dục đang gặp phải. Mỗi nhân vật trong phim đại diện cho một kiểu học sinh khác nhau và phản ánh những áp lực mà học sinh đang gặp phải.

Bạn từng gặp những áp lực gì thời đi học?

Áp lực mỗi thời mỗi khác nên sự so sánh nào cũng khập khiễng

“Thời chúng tôi khổ đến mấy mà vẫn vượt qua được, bọn trẻ bây giờ chỉ việc ăn với học mà cũng áp lực rồi tự tử, chẳng biết nghĩ cho bố mẹ gì cả” - đó là quan điểm phổ biến mà chúng ta thường thấy khi một người lớn nào đó bày tỏ sự bất lực trong việc thấu hiểu thế hệ trẻ.

Nhiều phụ huynh thuộc thế hệ 6X, 7X trưởng thành đúng vào thời kỳ Đổi mới, mở cửa, cạnh tranh ít, chỉ cần học lấy một chuyên môn, nghiệp vụ gì đó là cơ hội việc làm rất rộng mở. Trong khi đó, những thế hệ sau lớn lên trong thời buổi kinh tế thị trường, hội nhập thế giới với áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các em không chỉ phải đối mặt với áp lực thi vào trường chuyên, lớp chọn, đại học top đầu mà còn phải đối mặt với áp lực đồng trang lứa. Áp lực phải tài giỏi, xuất sắc trong kỷ nguyên công nghệ phát triển như vũ bão.

Bạn từng gặp những áp lực gì thời đi học?

Cũng không khó hiểu khi thế hệ trước thường áp đặt những quan điểm khắt khe lên thế hệ trẻ, bởi họ cũng được giáo dục như vậy, tư duy bị đóng khung trong những niềm tin cố hữu. Trong khi con cái bước vào tuổi mới lớn thì bố mẹ cũng dần bước vào giai đoạn trung niên, chính họ cũng quên đi rằng thời niên thiếu mình cũng đã từng hoang mang thế nào, áp lực ra sao. Trong Turning Red, bà Ming Lee có lối giáo dục nghiêm khắc với cô con gái tuổi mới lớn Mei Mei, nhưng chính bà cũng từng chịu nhiều áp lực từ sự hà khắc của chính mẹ mình. Nếu không có biến cố xảy ra, bà Ming sẽ không bao giờ thay đổi. Những áp lực càng dồn nén vào bên trong thì khoảng cách thế hệ ngày càng lớn, cho đến khi nó bùng nổ thành cuộc xung đột.

Trẻ con thì vẫn cứ là trẻ con, thế nên mới cần người giám hộ. Còn nếu cha mẹ không mở lòng ra mà vẫn cứ muốn áp đặt những quan điểm của thế hệ mình lên con trẻ, thì hệ quả vẫn là cha mẹ bất lực vì chẳng thể hiểu con.

Bạn từng gặp những áp lực gì thời đi học?

Gánh "còng lưng" kỳ vọng của gia đình

Trong Ba chàng ngốc, Farhan yêu thích nhiếp ảnh và cũng rất có khiếu chụp hình nhưng lại học ngành cơ khí theo nguyện vọng của gia đình. Lúc cậu mới lọt lòng, cả gia đình đã kỳ vọng sau này cậu sẽ trở thành kỹ sư, có lẽ đó là ngành hot ở Ấn Độ vào thời điểm ấy. Còn với gia đình thầy hiệu trưởng Virus, con trai sẽ trở thành kỹ sư, con gái sẽ thành bác sĩ, đó được coi là “truyền thống gia đình”, không nói nhiều. Có một kiểu áp lực gọi là em thích học ngành này nhưng bố mẹ không cho. Bản thân tôi cũng từng trải nghiệm điều đó khi từng phải sửa đi sửa lại những bộ hồ sơ thi đại học, trốn vào nhà tắm khóc thút thít một mình chỉ vì bố mẹ không đồng ý cho tôi thi ngành tôi muốn.

Raju, dù yêu thích ngành cơ khí nhưng kết quả thi lúc nào cũng đứng thứ hai từ dưới lên. Chính nỗi sợ đã hủy hoại cậu. Cậu không thể nào tập trung học cho tốt khi ở nhà còn có người cha ốm liệt giường, người mẹ ở nhà làm nội trợ lo cho cả gia đình, người chị gái không lấy được chồng vì không có của hồi môn. Raju trở thành niềm hy vọng giúp gia đình thoát khổ.

Bạn có từng phải chịu áp lực khi phải gánh trên vai kỳ vọng của gia đình chưa?

Bạn từng gặp những áp lực gì thời đi học?

Không phải vì học sinh yếu đuối nên tự tử mà bị dồn ép đến đường cùng

Trong Ba chàng ngốc, Rancho đã phản ánh với thầy hiệu trưởng về tỉ lệ tự tử đánh báo động của sinh viên ở Ấn Độ, cho thấy đây là vấn đề lớn với nhiều quốc gia. Cậu đã đưa ra một quan điểm cực kỳ sốc khi nói về cái chết của Joy Lobo: “Đó không phải là tự tử, đó là giết người”. Joy là cậu sinh viên thích mày mò sáng tạo nhưng lại thường xuyên nợ môn, điều này trái với quan điểm giáo dục của thầy Virus. Thay vì cho Joy một cơ hội để chứng tỏ bản thân, thầy Virus lại gọi điện cho bố mẹ Joy thông báo kết quả học tập của cậu khiến Joy tuyệt vọng từ bỏ tất cả. Chính con trai của thầy Virus cũng từng nhảy ra khỏi tàu hỏa tự tử vì bị ép học ngành cơ khí, trong khi cậu ước mơ trở thành nhà văn. Raju cũng từng bị dồn ép đến độ nhảy từ tầng ba xuống sân nhưng may mắn không chết.

Có lẽ những học sinh chọn giải pháp tự tử đã phải chịu đau đớn nhường nào, áp lực đến nhường nào. Những điều ấy, bố mẹ hay thầy cô có biết không?

Thế nên làm học sinh cũng chẳng sung sướng lắm đâu và không phải ai cũng có thời đi học đẹp đẽ để khi trưởng thành rồi vẫn muốn quay trở về.

Hằng Nga

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Rồi em sẽ gặp một người, sẽ yêu em vừa đủ sự chân thành và chín chắn

Đọc nhiều nhất