Bà bầu phát điên vì ngứa vết rạn da bụng mà bác sỹ lại khuyên cấm được gãi. Đây là lý do!
Tin liên quan
“Vái tứ phương” mà không hết ngứa
Anh H., chồng chị Thúy cho biết: “Khổ lắm, gãi nhẹ thì vợ không hết ngứa, gãi mạnh thì sợ vợ bầu bị đau. Tôi chẳng biết làm thế nào, chỉ biết thương vợ mà thôi, đã sắp đến kỳ sinh rồi”.
Để bớt khổ sở vì ngứa những vết rạn da trên phần bụng bầu, hễ ai mách gì là chị Thúy áp dụng theo.
Hôm trước, nghe bạn bè mách, chị đi mua dầu dừa về thoa. Hôm sau, đọc trên diễn đàn mẹ bầu, chị lại đắp lá khế chua. Rồi hôm sau nữa, chị lại dùng kem dưỡng da.
“Không cách nào ăn thua cả. Tôi cảm thấy thực sự bất lực. Không thể làm được việc gì vì ngứa, thậm chí ngứa đến mất ăn, mất ngủ”, chị Thúy cho biết.
Những vết rạn da lên cơn ngứa khiến nhiều bà bầu khổ sở.
Đó là nỗi khổ “khó nói” rất chung của nhiều bà bầu khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa. Trên các diễn đàn, nhiều chị em chia sẻ tình cảnh của mình.
Một bà bầu 32 tuần ở Nam Định cho biết: “Hiện nay, bụng của mình bị rạn da và rất ngứa. Mình càng gãi càng ngứa và những vết nứt đó lồi lên như những vết sẹo. Mình đã ngưng không dùng kem bôi rạn da và đắp khăn ấm lên những vùng bị ngứa thì cũng không có hiệu quả gì”.
Hay một bà bầu khác ở tuần thai thứ 35 thì lo lắng: “Em không thể chịu nổi, giờ cứ ngồi gãi cành cạch. Hậu quả là những vết rạn mới đó nổi chằn lên như những con giun và đỏ lòm, lại còn bị trày cả da ra nữa. Em sợ sau này sinh xong những chỗ đó sẽ thành sẹo thì kinh khủng lắm”.
Gãi lúc ngứa, nguy hiểm khôn lường
Theo thống kê, có khoảng 14% số phụ nữ mang thai thường xuyên bị ngứa, đặc biệt từ giai đoạn thứ 2 trở đi của thai kỳ, nhất là vào lúc thời tiết chuyển hanh khô.
Lý giải về điều này, TS. BS Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết: “Vùng da bị rạn ở bụng vốn đã nhạy cảm, nay gặp thời tiết giao mùa, độ ẩm trong không khí giảm, khiến da dễ bị bờ lên, mẩn đỏ, ngứa ngáy, khó chịu”.
Đồng cảm với nhiều thai phụ đến khám vì bị ngứa vùng da rạn, nhưng TS Hùng lại đưa ra lời khuyên khá bất ngờ: “Trong lúc đang lên cơn ngứa, thì chớ dại gãi. Điều này nghe có vẻ ngược đời. Tuy nhiên, thực tế thì càng gãi càng khiến vùng da đó bị tổn thương nặng nề hơn. Lớp biểu bì trên da ngày càng mỏng sẽ khiến vi khuẩn dễ xâm nhập, dẫn đến nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, gây ngứa tăng thêm”.
Khi bị ngứa, bà bầu nên quên đi cơn ngứa bằng cách tắm với nước mát hoặc chườm nhẹ khăn mát lên vùng da bụng. Nếu muốn sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để bôi, TS Hùng lưu ý, mẹ bầu cần thử trên từng phần da nhỏ xem có phản ứng tiêu cực hay không, tránh trường hợp dị ứng tăng nặng.
“Đặc biệt, thai phụ không nên tự ý sử dụng các loại thuốc trị ngứa trên thị trường mà không có khuyến cáo của bác sỹ, vì có thể gây ra những ảnh hưởng tới thai nhi”. TS Hùng khuyên.
Một số loại kem thoa bụng có thể gây hại cho thai nhi.
Tư vấn từ ThS.BS Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội thì cho thấy, một số bà bầu có thể áp dụng các biện pháp dân gian như đắp là khế, lá trầu không.
“Tuy nhiên, có khỏi hẳn ngứa được hay không thì còn do cơ địa của mỗi người. Tôi khuyên các mẹ bầu không nên nóng vội, áp dụng đủ các phương cách, có thể lợi bất cập hại.
Cùng với đó, mẹ bầu phải chấp nhận việc bị ngứa do rạn da là điều tự nhiên trong một thai kỳ. Càng sốt ruột với vết ngứa, tâm trạng càng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mẹ và thai nhi. Qua giai đoạn chuyển mùa, những cơn ngứa sẽ giảm dần và chấm dứt”.
Các chuyên gia cũng đưa ra thêm lời khuyên về chế độ ăn cần của mẹ bầu là cần đủ chất, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống ít nhất 1,5-2 lít nước/ ngày.
Châu Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất