Trẻ sặc cháo: Người lớn cảnh giác không bao giờ thừa

Trẻ sặc cháo: Người lớn cảnh giác không bao giờ thừa

2015-07-14 19:14
- Trẻ bị sặc cháo, sữa không còn là chuyện mới. Nhưng nhiều phụ huynh dường như vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm khi trẻ gặp phải tình huống này.

Hồi tháng 11/2014, cháu Phạm Bảo Hân (Quảng Nam) đã bị tử vong tại trường mầm non khi đang đi học. Theo bố của cháu bé, khoảng 16h cùng ngày, phía nhà trường thông báo gia đình đến đưa cháu bé đi cấp cứu do cháu bị sặc cháo

Khi đến trường, gia đình phát hiện cháu Hân đã ngừng thở. Gia đình đưa cháu đến bệnh viện nhưng bác sĩ xác định cháu bé đã tử vong trước khi đến bệnh viện do sặc cháo làm tắc đường thở. Theo lời anh Đô kể lại, vợ chồng anh đến đã thấy cháu tím tái, ngừng thở. 

Hồi năm 2009, cháu Dũng ở Lam Sơn, Thanh Hóa ăn cháo ở lớp mầm non bị sặc chết. Nhà trường đã tiến hành sơ cứu sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực và chuyển lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Sang ngày 8/12/2009 chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhưng đến 10/12, cháu bé tử vong.

Được người lớn đút cháo khi đang khóc mếu, bé gái ở Củ Chi (Tp.HCM) ho sặc sụa rồi tím tái toàn thân. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, khi đến bệnh viện, bé đã có dấu hiệu tổn thương hô hấp cấp, toàn thân gồng giật, tím tái.

Trước tình huống khẩn, các bác sĩ đã lập tức đặt nội khí quản giúp thở, điều trị chống co gồng. Xét nghiệm cấp cứu khí máu động mạch ghi nhận bé bị thiếu oxy máu nặng, kết quả chụp X-quang phổi cũng cho thấy cả hai phổi đều bị tổn thương lan tỏa.

Cùng với máy thở, các bác sĩ đã phối hợp điều chỉnh các rối loạn nước điện giải, toan kiềm và dùng kháng sinh điều trị viêm phổi hít. Kết quả sau hơn một tuần điều trị tình trạng của bé mới dần cải thiện. 

Đang ăn cháo thì ho sặc dữ dội rồi tím tái, bé trai 6 tháng tuổi tử vong khi vừa đến bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Tp.HCM) cho biết, bệnh nhi nhà ở quận 9 được gia đình đưa đến cấp cứu trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Các biện pháp hồi sức đã được tiến hành, tuy nhiên bé không qua khỏi. 

Theo nhận định của các bác sĩ, nguyên nhân khiến bé trai tử vong là do sặc cháo, gây tắc nghẽn đường thở. 

Gia đình nạn nhân cho hay, bé được người lớn tập cho ăn dặm bằng cháo loãng nhiều lần, tuy nhiên lần này đang ăn thì bé ho sặc dữ dội rồi mê man tím tái. 

Người lớn cần rút ra bài học

Những vụ việc sặc cháo là bài học cho những trường mầm non và cả phụ huynh. Câu chuyện trẻ bị sặc cháo, sặc sữa không còn mới. Bởi chỉ cần bất cẩn của người lớn dù là giáo viên hay phụ huynh đều có thể nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. Việc trẻ ăn hay uống sữa đều do người lớn cung cấp, do đó việc trẻ sặc sữa, cháo trước hết lỗi do người lớn. 

Khi trẻ bị sặc sữa, một lượng sữa lọt vào đường thở (vào khí quản) có thể vào đến tận phế nang làm tắc đường thở gây khó thở, tím tái hoặc ngạt thở. Nếu không được sơ cứu kịp thời trẻ bị ngạt có thể chết trong vài phút.

Theo quan sát hàng ngày, nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ với việc cho con ăn. Thậm chí, khi cho con ăn vẫn trò chuyện hoặc mải mê xem tivi hoặc cùng ăn cơm với gia đình. Điều này rất nguy hiểm, bởi như vậy sẽ khó tập trung quan sát trẻ ăn hay lấy lượng cháo, sữa phù hợp cho trẻ tránh gây ra tình trạng sặc. Khi mất tập trung như vậy cũng khó phát hiện bất thường của trẻ giúp sớm sơ cứu kịp thời.

Có phụ huynh cho trẻ ăn cháo, sữa nhưng bế không đúng tư thế. Có người cầm cả thìa cháo cho vào miệng bé, trong khi tay còn lại để bé nằm ngả lên trời. Thậm chí, cho trẻ nằm xuống giường, sàn nhà cầm bình uống sữa. Như vậy là không nên vì khi bé cầm cả bình sữa để uống, lượng sữa vào họng bé liên tục. Trong khi bé chưa kịp nuốt thì sữa vẫn tiếp tục được đẩy vào sẽ rất nguy hiểm và dễ dẫn đến sặc, hoặc sữa đi vào đường thở.

Với công việc bận rộn, có phụ huynh vội vàng cho con ăn để làm việc khác hay đi làm. Tuy nhiên, khi cho con ăn trong tình trạng đó sẽ lấy lượng cháo, sữa nhiều để bé ăn nhanh hơn. Điều này cũng có thể dẫn đến tình trạng sặc sữa, cháo gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ.

Từ những bài học nói trên, phụ huynh cần nghiêm túc hơn khi cho con  ăn sữa, cháo. Khi cho trẻ ăn phải bình tĩnh, không vội vàng, tập trung. Bế trẻ đúng tư thế trên tay, không để bé uống sữa bằng cách cầm bình nằm giữa nhà hoặc giữa giường. Khi ăn cần lấy lượng cháo, sữa vừa phải cho bé ăn, uống từ từ. Khi trẻ có dấu hiệu nôn trớ, không ăn cần dừng lại không liên tục ép trẻ ăn.

Linh Anh
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Hot girl quê Cà Mau, từng làm kẻ thứ ba gia nhập hội dao kéo 'tất tần tật'

Đọc nhiều nhất