Nguy hiểm khó lường khi dùng thuốc có Corticoid
Tin liên quan
Gương mặt già nua, sần sùi
Khi đang mang thai đứa con thứ 2, thấy vùng da mặt bị sần, ngứa, căng cứng, sưng, nóng, còn toàn thân thì nổi những mụn đỏ li ti, ngứa nên chị Thạch Thị Tha Ri (29 tuổi, ngụ tại Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) ra tiệm thuốc Tây mua thuốc. Chị được nhân viên tiệm thuốc bán cho một tuýp thuốc bôi ngoài ra.
Sau khi sử dụng thấy da có vẻ đỡ hơn nên bôi hết tuýp thuốc này chị lại mua thêm thuốc về bôi. Đến tuýp thứ 5 thì mặt chị bị sưng. Chị có quay lại tiệm thuốc để hỏi nhưng nhân viên ở đây nói rằng chị nên kiên trì sử dụng. Sau khi chị sinh xong thì da mặt chị biến dạng, chảy xệ, lão hóa. Chị mới 29 tuổi nhưng hiện nay gương mặt chị già nua, sần sùi, trông như bà lão 60, 70 tuổi.
Các bác sỹ cho biết sản phụ Tha Ri bị viêm nang lông do dùng thuốc bôi có chứa Corticoid.
Nguy hiểm đến tính mạng
Cuối tháng 4 vừa qua, bệnh nhân N.T.Đ (52 tuổi, huyện Phú Xuyên, Tp.Hà Nội) được chuyển vào điều trị tại Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng mặt đỏ, khó thở, phù giữ nước, mọc lông ở mặt và chân tay… Bệnh nhân Đ. phát hiện mình mắc bệnh hen và uống thuốc Prednisolon (có chứa corticoid) trị hen. Chỉ sau ít ngày dùng thuốc, bà Đ. thấy người khỏe khoắn, ăn ngon, ngủ ngon, không thấy khó thở. Vì thế, mấy năm nay, ngày nào bà Đ. cũng uống 2 viên Prednisolon.
Sau một thời gian dài dùng Prednisolon, bà lên cơn khó thở nặng phải nhập viện. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị loét dạ dày, tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận, loãng xương. Nguyên nhân của hàng loạt những chứng bệnh nguy hiểm này được xác định là do bà Đ. tùy tiện sử dụng thuốc chứa corticoid kéo dài.
Hoại tử chỏm xương đùi
Tháng 5/2014, Phòng khám dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM tiếp nhận bệnh nhân N.T.T. (54 tuổi, ở Q.10, Tp.HCM) mắc bệnh hen bị hoại tử chỏm xương đùi và khớp háng do từng lạm dụng thuốc chứa corticoid.
Được biết, năm 17 tuổi, ông T. biết mình mắc bệnh hen. Năm 31 tuổi, nghe người quen giới thiệu ông đã tự mua một loại thuốc có chất corticoid và nhờ cô y tá ở gần nhà chích hộ. Chỉ trong một năm ông đã chích mười mấy ống thuốc này và dẫn đến tác dụng phụ đáng sợ như trên.
Mặt sưng húp, hai mắt không mở được
Tháng 9/2014, chị Trần Thị M.H. (ngụ tại khu vực Cầu Ngang, Lái Thiêu, Bình Dương) đã phải vào Bệnh viện Da liễu Tp.HCM điều trị trong tình trạng toàn bộ vùng mặt sưng húp, hai mắt không mở được. Chị M. cho biết, sau khi mua hai sản phẩm kem mủ trôm dùng dưỡng da ban ngày và ban đêm, dùng đến ngày thứ ba thì da mặt chị bắt đầu nổi đốm đỏ, có cảm giác bỏng rát…
Lo lắng, chị quay lại nơi bán thì được chủ tiệm tư vấn nên tiếp tục sử dụng vì đó chỉ là phản ứng phụ. Chị dùng thêm một ngày thì toàn bộ vùng mặt sưng tấy, đỏ ửng, liên tục có cảm giác bỏng rát từ trong da, hai mắt cũng không thể mở được. Tại Bệnh viện Da liễu Tp.HCM, chị M.H. được các bác sĩ cho biết, loại kem dưỡng da chị đang dùng có hàm lượng corticoid quá lớn gây phản ứng và làm bỏng rát da.
Bé gái mọc lông, béo phì
Sau khi cho cả nhà đi bắt mạch ở nhà một thầy lang ở Đông Anh, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Vân Anh (trú tại Trần Đại Nghĩa – phường Đồng Tâm – Hà Nội) đã cho người thân uống thuốc mà vị thầy lang này cắt. Sau hơn 1 tháng dùng thuốc, con gái chị có nhiều biểu hiện khác lạ như: mặt vầng trăng, người mọc lông, béo phì…
Mang thuốc đi xét nghiệm, chị Anh hoảng hốt khi bác sĩ khẳng định thuốc đông y của ông lang này có chứa hàm lượng corticoid lên tới 2,2 mg/g – vượt quá giới hạn. Điều này khiến cho trẻ có những biểu hiện khác thường như: ăn nhiều hơn bình thường, mặt vầng trăng, nang lông phát triển… Nếu sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Corticoid là “con dao hai lưỡi”
Theo các chuyên gia y tế, corticoid có nhiều tác dụng như chống viêm, ức chế miễn dịch… nên con người đã lợi dụng sản xuất ra các chất corticoid tổng hợp như dexamethasone, prednisolone, depersolon, K-cort..., để điều trị rất hiệu quả nhiều bệnh nặng như hen phế quản, viêm khớp, bệnh ngoài da, một số bệnh ung thư… Corticoid được dùng dạng uống, tiêm mạch, tiêm bắp và tiêm tại chỗ hay bôi da tại chỗ.
Corticoid là thuốc chống viêm mạnh hiệu quả nhanh nhưng chỉ điều trị triệu chứng, không điều trị nguyên nhân viêm. Nó khiến người bệnh lệ thuộc thuốc và hiệu ứng phản hồi, khi dừng thuốc thì vấn đề da trở lại còn nặng hơn trước nhiều. Ngoài ra, corticoid còn làm yếu hệ thống bảo vệ của da nên dễ bị nhiễm trùng da lan rộng, làm giảm, thậm chí làm mất khả năng sinh sản của tế bào da, gây tình trạng teo, da mỏng, chảy nhão…
Corticoid còn gây hiệu ứng phản hồi khi ngưng thuốc, mụn nổi lên, viêm da kích ứng, da tiết nhờn nhiều hơn trước, gây nám da lan rộng, giãn mạch làm da hay bị đỏ và nóng rát, da già cỗi sần sùi khi ngừng bôi. Không những thế, thuốc còn có thể thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân (có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm). Các cô gái trước tuổi dậy thì nếu bôi các loại corticoid lên da diện rộng, lâu ngày sẽ bị rối loạn sự phát triển hệ lông.
Corticoid dùng lâu dài thường gây nhiều biến chứng như giảm khả năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ thể, rối loạn hoạt động nội tiết và các biến chứng như tiểu đường, hội chứng Cushing, cao huyết áp, đặc biệt là hiện tượng nghiện corticoid. Lạm dụng các thuốc có chứa corticoid cả dạng bôi, dạng uống hay dạng tiêm đều dễ bị các tác dụng phụ như tăng huyết áp, tiểu đường, teo cơ, mỏng da, lao phổi, loãng xương... Đặc biệt có thể dẫn đến tình trạng bị hoại tử chỏm xương đùi, khớp háng.
Như vậy có thể thấy thuốc có chứa corticoid có nhiều tác dụng trị liệu rất tốt nhưng cũng có không ít tác dụng phụ gây nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý sử dụng corticoid bừa bãi mà chỉ dùng khi có sự chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.
Minh Minh
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất