Hồi giữa tháng 10, bé Linh (8 tuổi, Phú Thọ) bắt đầu xuất hiện những triệu chứng đau bụng từng đợt. Gia đình đưa cháu Linh đến bệnh viện đa khoa Phú Thọ để cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sĩ đã cho cháu Linh tiến hành các xét nghiệm, chụp X-quang...Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra những cơn đau vẫn chưa được xác định.
Sau khi điều trị được 6 ngày, cháu Linh xuất hiện những cơn đau nhiều hơn trước. Trước tình hình đó, các bác sĩ đã cho cháu Linh truyền dịch và dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, sau khi được truyền dịch, bệnh nhân này xuất hiện triệu chứng tím tái và co quắp người.
Khi nhận thấy tình trạng bệnh nhân chuyển xấu, bệnh viện Phú Thọ đã nhờ đến bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ. Bác sĩ Tạ Anh Tuấn (Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương) hướng dẫn đặt nội khí quản, máy thở, điều trị chống sốc qua điện thoại.
Ngay lập tức một chiếc xe cấp cứu đưa bác sĩ và kíp cấp cứu cùng máy móc của Bệnh viện Nhi Trung ương về Phú Thọ. Lúc xe đến Phú Thọ đã 10 giờ tối, bác sĩ Đậu Việt Hùng - người được cử xuống hỗ trợ đã tiếp tục tiến hành hồi sức cấp cứu: đặt tĩnh mạch trung tâm và triển khai lọc máu liên tục cho cháu Linh.
Cháu Linh trong buồng bệnh.
Ngoài triệu chứng bên ngoài, cháu Linh còn có những dấu hiệu như phù phổi, đau bụng, sốc...Khi xét nghiệm thì phát hiện men tim tăng cao. Cháu bé được chẩn đoán viêm cơ tim và được điều trị theo phác đồ của bệnh này.
Mặc dù được điều trị tích cực nhưng chức năng co bóp tim vẫn kém nên phải dùng thuốc trợ tim. Điều đáng nói là sức khỏe của bé khả quan với nước tiểu tốt, không phải lọc máu...Sau đó, cháu bé được đưa về bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục cấp cứu. Sau 2 ngày được tích cực can thiệp, cháu Linh không phải dùng máy thở, rút ống nội khí quản và bình phục.
Gia đình cháu Linh hạnh phúc không gì tả được khi còn dần khỏe lại nhờ sự can thiệp, cứu chữa kịp thời. Chị Phương (mẹ bé Linh) cho hay, chị đã trải qua 7 ngày dài như thế kỷ. Có lúc gia đình tuyệt vọng tưởng chừng như mất con.
"Tôi thấy con mình thật may mắn vì các bác sĩ bệnh viện Nhi đã kịp thời có mặt. Dù không có chuyên môn về y khoa, nhưng tôi cũng nhận thấy bé Linh đã cải thiện rõ rệt. Không biết phải diễn tả cảm xúc thế nào. Chỉ biết nói cảm ơn các bác sĩ thôi”, mẹ bé Linh nói.
Đề phòng viêm cơ tim cấp
Viêm cơ tim cấp xảy ra bất ngờ và bản thân người bệnh cũng như gia đình cũng không lường trước được. Cách đây không lâu, bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) đã cấp cứu cho trường hợp bị nhầm cảm cúm với viêm cơ tim.
Theo đó, bé Trà My có triệu chứng nôn, ói, sốt. Ban đầu tưởng thiếu chất nên mua thuốc điều trị và tự truyền dịch ở nhà y tá gần chỗ ở. Tuy nhiên, triệu chứng mệt mỏi không giảm mà tiến triển nặng hơn. Sau đó, bé My được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Tiền Giang. Ngay sau đó được chuyển lên BV Chợ Rẫy.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ ghi nhận Trà My nhập viện trong tình trạng tỉnh, vã mồ hôi, huyết áp thấp, mạch nhanh. Một ngày sau My bị suy hô hấp, suy tim.
Đề phòng viêm cơ tim (VCT)
- Tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm siêu vi hoặc hội chứng giống cảm cúm cho đến khi họ bình phục hoàn toàn. Nếu bạn đang có những triệu chứng giống nhiễm siêu vi, nên tránh tiếp xúc gây phơi nhiễm cho người khác. .
- Vệ sinh cá nhân tốt . Rửa tay thường xuyên là một biện pháp rất tốt để phòng tránh bệnh lan rộng .
- Tránh những hành vi nguy cơ . Để ngăn chặn nguy cơ VCT do nhiễm HIV, cần thực hiện tình dục an toàn, tuyệt đối không tiêm chích ma túy.
- Trang phục phòng chống côn trùng hút máu. Tránh ve tick, muỗi đốt . Mặc quần áo dài che chắn vùng da càng nhiều càng tốt. Bôi thuốc xua đuổi côn trùng có chứa DEET lên da.
- Hãy đi chủng ngừa. Chủng ngừa đầy đủ theo khuyến cáo của ngành Y Tế. Tiêm phòng các bệnh Rubella và cúm đôi khi có thể gây biến chứng VCT.
Thanh Thu
(Theo Congluan)
Cả 'tỷ' năm mới thấy Hoàng Thùy Linh, Tăng Thanh Hà khoe ảnh bikini nóng bỏng thế này