Đã từ bao giờ người ta không còn giới hạn cho phim Nhật với hình ảnh võ sĩ Samurai hay băng đảng Yakuza khét tiếng. Trong một thời gian dài, điện ảnh Nhật đã vươn mình mạnh mẽ với nhiều thể loại mà rất ít người dám khai thác.
Nhiều phim Nhật đã (và đang) gây tranh cãi tại nhiều quốc gia trên thế giới về độ nhạy cảm, gai góc, dữ dội, thậm chí có phần thô tục... Vậy nhưng đó mới là phim Nhật. Các đạo diễn Nhật Bản sẽ không ngần ngại thể hiện trên màn ảnh những góc khuất sâu kín và đen tối nhất trong mỗi con người được bao bọc bởi lớp vỏ xã hội hào nhoáng. Những bộ phim sau đây sẽ là tác phẩm tiêu biểu cho khả năng khai thác chủ đề nhạy cảm, táo bạo của điện ảnh Nhật khiến nhiều dân ghiền phim phải e dè.
Cảnh trong phim Battle Royale.
1. Kotoko (2011)
Kotoko là câu chuyện về người phụ nữ rối loạn tâm lý sau những gánh nặng cuộc sống và trách nhiệm làm mẹ. Bất lực trước mọi thứ và mắc kẹt trong thế giới tối tăm của riêng mình, người mẹ trẻ đã liều lĩnh dứt bỏ đứa con và kết liễu tính mạng người đàn ông cô không có mấy tình cảm bằng một chiếc dĩa.
Bộ phim đã thể hiện xuất sắc sự mâu thuẫn của người phụ nữ xinh đẹp dịu dàng nhưng lại ẩn chứa cả một thế giới nội tâm tăm tối đầy hỗn loạn bên trong. Diễn xuất của nữ ca sĩ Cocco với những phân cảnh ca hát, nhảy múa dưới mưa đã lột tả thành công hình ảnh người phụ nữ bị mắc kẹt hoàn toàn trong thế giới ấy.
Bộ phim được hoàn thiện thêm nhờ phân cảnh cuối về đứa con của phim mang đầy tính tạo hình qua những góc máy tưởng chừng vô hướng nhưng lại rất ăn khớp với bối cảnh và âm thanh trong phim.
2. Suicide Club (2001)
Phân cảnh đầu tiên của Suicide Club đã trở thành những hình ảnh gây ám ảnh nhất của điện ảnh Châu Á. 54 nữ sinh trong bộ đồng phục cấp 3 cầm tay nhau cùng đổ nhào xuống đường ray tàu cao tốc, máu đỏ nhuộm khắp con đường, bắn lên người đi đường và cả những góc máy quay trong phim.
Hình ảnh chấn động ngay đầu phim đã khiến không ít người thẫn thờ mà quên mất nội dung phim. Theo dấu chân điều tra của thám tử, những vấn đề xoay quanh những bạn trẻ đầy bất mãn và bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền văn hóa âm nhạc và mạng Internet thời bấy giờ dần được hé lộ. Trong quá trình điều tra, thám tử Kuroda đã được cung cấp thông tin về một trang web bí ẩn với các đốm đỏ - trắng tương ứng với số nạn nhân nam và nữ sẽ chết, và những chiếc cặp chứa đầy xác thịt được tìm thấy tại hiện trường.
Những chi tiết rùng rợn trên đây vẫn không thể nào so được với sự khác biệt trong thái độ của những học sinh khác với sự sống – cái chết và những thứ tầm thường mà các em vẫn nâng niu hàng ngày. Ý niệm khủng khiếp về việc có những bạn cùng tuổi sẵn sàng chết chỉ vì một bài hát đã khiến rất nhiều học sinh phải tỉnh ngộ và bắt đầu nhận thức về những điều xảy ra trong thế giới thực của mình.
Phim có nhiều cảnh rùng rợn và nhạy cảm, khiến người xem không ít lần thót tim và thêm hoảng hốt về những gì mà phim muốn truyền đạt.
3. Cruel Story of Youth (1960)
Đạo diễn Nagisa Oshima nổi tiếng trong làng điện ảnh Nhật với những tác phẩm phê bình xã hội sâu sắc về cuộc sống của người dân thời kỳ hậu chiến. Cruel Story of Youth đã thể hiện xuất sắc về cuộc sống bị chia cách và đầy xáo trộn của những con người trẻ tuổi trong bối cảnh chính trị và xã hội bất ổn thời bấy giờ.
Với sức ép về nội dung mới thay thế những phim thể loại phim tình cảm và tập trung vào giới trung lưu thời bây giờ, bộ phim của Oshima đã làm nên kỳ tích. Hai diễn viên chính trong phim đã diễn rất trọn hình ảnh một cô gái xinh đẹp ngoan hiền biến thành kẻ xấu và một tên lừa đảo lọc lõi, sành đời. Cặp đôi đã có cú lừa ngoạn mục cho gã đàn ông giàu có và cùng nhau sống bên lề của cái xã hội đầy tôn kính ấy.
Không được ca tụng quá nhiều nhưng tác phẩm của Oshima lại là một cái tên không thể bỏ sót cho những ai yêu phim Nhật. Bộ phim là bức tranh sinh động về dòng chảy xã hội và những người trẻ quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn. Phim còn mang đến những hình ảnh đầy tính chân thực của xã hội Nhật Bản. Những cảnh sex đầy nhục dục, hình ảnh người phụ nữ nhẫn nhục chịu đòn, mẩu thuốc lá cháy, khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, những bóng đèn neon sáng rực… tất cả đều thể hiện sự tuyệt vọng vô tận khi quyền lực bao trùm lên tất cả.
4. In The Realm of The Senses (1976)
Phim được thực hiện dựa trên vụ án mạng tai tiếng về một gái bán dâm (Abe Sada) bị bắt sau khi sát hại người tình một cách dã man. Để có thể sản xuất bộ phim với những cảnh sex và thoát y dày đặc, đạo diễn Nagisa Oshima đã phải thực hiện phim tại Pháp để tránh sự kiểm duyệt hà khắc ở Nhật Bản. Vậy nhưng In The Realm of The Senses không phải là một bộ phim cấp 3 rẻ tiền mà là câu chuyện đầy đam mê và nhục cảm giữa hai con người đang yêu.
Hình ảnh người phụ nữ bị thống trị trở nên nổi loạn vẫn còn khá xa lạ với xã hội nặng tính gia trưởng thời bấy giờ. Thế nhưng chính điều đó đã thêm phần độc đáo cho bộ phim của Nagisa Oshima. Sada vốn là kẻ thuộc tầng lớp hạ lưu trong xã hội nhưng trong tình dục, cô lại trở thành kẻ săn mồi quyến rũ và khát máu với mong muốn được tự do hưởng thụ và chiếm hữu lấy người mình yêu.
Phim có rất nhiều phân cảnh táo bạo (có đam mê và cả man rợ) khiến người xem không khỏi bàng hoàng. Nhưng sau cùng, bộ phim vẫn để lại nhiều ý nghĩa đáng suy ngẫm về bản chất của các mối quan hệ, sự phục tùng và áp chế.
5. Battle Royale (2000)
Battle Royale kể về một nhóm học sinh bắt buộc phải tàn sát nhau để giành lấy hy vọng sống đã gây khá nhiều tranh cãi về nội dung cũng như cách lựa chọn các diễn viên nhỏ tuổi tham gia bộ phim đẫm máu này. Tuy nhiên, chính cách thể hiện gây tranh cãi đã giúp đạo diễn Kinji Fukasawa lột tả thái độ dửng dưng và vô trách nhiệm với bạo lực. Phim đã bị cấm chiếu tại Mỹ và Canada trong 11 năm, chính phủ Nhật Bản thậm chí còn đổ lỗi cho bộ phim (cũng như nền văn hóa hiện thời) cho tình trạng gia tăng hành vi phạm tội của giới trẻ.
Ẩn sau những cảnh bạo lực đẫm máu trong phim, đạo diễn cũng khéo léo lồng ghép những chi tiết thể hiện tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình và nỗi lo sợ phải lớn lên rất thật của tuổi học trò.
Trang Lưu
Nguồn: Tasteofcinema
(Theo Congluan)
Điểm danh 5 tính cách khiến các nàng “mãi cô đơn”