Tim Burton và những ấn tượng điện ảnh
2015-09-05 05:54
- Sự độc đáo, lập dị trong những phong cách làm phim của Tim Burton chính là liều thuốc mê hoặc khán giả khiến họ một khi đã thưởng thức tác phẩm thì không thể nào quên được.
Tin liên quan
Tim Burton là một trong những nhà làm phim thành công nhất của Hollywood. Ông khởi đầu bằng vai trò họa sĩ phim hoạt họa tại hãng Disney, sau đó đạo diễn hai phim ngắn được đánh giá cao là "Vincent" (1982) và "Frankenweenie" (1984), trước khi thu về những bước nhảy vọt trong sự nghiệp làm phim của mình.
Tác phẩm điện ảnh đầu tay của ông ra mắt vào năm 1985 có tựa đề "Pee-Wee’s Big Adventure". Kể từ đó, Burton đã xây dựng nên một sự nghiệp đáng chú ý. Lối kể chuyện bằng hình ảnh của ông rất độc đáo, hội tụ những yếu tố thẩm mỹ nghệ thuật của châu Âu và sự hào nhoáng của nước Mỹ thế kỷ 19, 20. Những câu chuyện chủ yếu đi sâu khai thác các nhân vật kỳ dị và cô độc, mà về lý thuyết, thường khiến các hãng sản xuất phim sợ hãi chạy mất dép. Trên thực tế, những nhà đầu tư mà ông tìm đến đã không làm vậy. Thương hiệu "lập dị" của Burton mang đến doanh thu cực khủng và tác phẩm của ông luôn có một sức hút lạ thường.
Phục trang
Kẻ sọc đen-trắng, trang phục thời Victoria và những nhân vật nữ với mái tóc vàng, khuôn mặt nhợt nhạt là một vài đặc trưng về thiết kế trang phục và trang điểm thường được sử dụng trong các bộ phim của đạo diễn Burton.
Bất kỳ ai từng xem phim của Tim Burton sẽ nhận ra rằng đạo diễn dành một sự ưu ái đặc biệt cho những trang phục mang phong cách thời trang thế kỷ 19, ngay cả khi câu chuyện được đặt trong một bối cảnh hiện đại hơn. Bên cạnh đó, những mẩu chuyện và hình vẽ minh họa lừng danh của tác giả người Mỹ, Dr. Seuss cũng đem tới nhiều cảm hứng cho phim của ông. Khán giả có thể thấy lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của Burton những nhân vật với bộ đồ kẻ sọc đen-trắng, hay các quý cô và nhân vật nữ chính trưng diện mái tóc vàng xõa uốn bồng bềnh bao quanh khuôn mặt trắng lợt cùng chiếc váy dài tinh tế thường bắt gặp trong những bức tranh của thời kỳ tiền Raphael. Burton là một tác giả có đầu óc thiên về lịch sử nghệ thuật. Khả năng khéo kết hợp các giai đoạn và thời đại khác nhau của ông tạo nên sự hài hước và gây ấn tượng cho khán giả.
Chủ nghĩa Biểu hiện Đức
Sự ảnh hưởng của nghệ thuật theo trường phái Chủ nghĩa Biểu hiện Đức có thể được nhìn thấy trong mỗi bộ phim của Burton.
Đạo diễn mô tả phong trào nghệ thuật nổi tiếng của Đức trong cuốn sách "Burton on Burton" xuất bản năm 1995 như là những thứ nằm "bên trong đầu của ai đó, giống như một trạng thái mang tính chất chủ quan được biểu lộ ra bên ngoài". Đó không đơn thuần là hiệu ứng ánh sáng tương phản, mà còn nằm xuyên suốt trong phần thiết kế sản xuất bối cảnh... Lấy lâu đài của Inventor trong "Edward Scissorhands" hoặc toàn bộ thành phố Gotham trong "Batman Returns" làm ví dụ, để thấy rõ tầm ảnh hưởng sâu rộng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức lên tác phẩm của đạo diễn người Mỹ.
Johnny Depp
Johnny Depp và Helena Bonham-Carter trong "Sweeney Todd: The Demon Barber của Fleet Street".
Depp và Burton đã hợp tác với nhau cả thảy tám lần và bộ phim nào cũng thu được những thành công nhất định. Mỗi khi nam diễn viên xuất hiện trên màn ảnh rộng là mỗi lần khán giả chứng kiến một nhân vật với cá tính góc cạnh, kỳ thú. Từ chàng người kéo học yêu "Edward Scissorhands" cho tới đạo diễn tệ nhất mọi thời đại "Ed Wood", lúc lại hóa thân vào vai thanh tra vụng về Ichabod Crane trong "Sleepy Hollow" và hàng loạt các vai độc nhất vô nhị khác trong "Charlie and the Chocolate Factory", "Corpse Bride" (lồng tiếng), "Sweeney Todd: The Demon Barber của Fleet Street", "Alice in Wonderland", và "Dark Shadows". Rõ ràng khi nhắc đến Johnny Depp cũng là nhắc đến yếu tố chủ đạo trong cá tính phim của Burton.
Dấu ấn trong các cú máy
Burton thường sử dụng những cú máy di chuyển trên cao để khoe không gian và bối cảnh đẹp được thiết kế kỹ lưỡng.
Có rất nhiều cách di chuyển máy quay trong phim của Burton. Hiệu quả mà thủ pháp kể chuyện đặc biệt này mang lại đó là tính điện ảnh thuần khiết. Chiếc máy quay thường được gắn liền với thiết bị trượt máy (dolly), cần cẩu, máy bay trực thăng, hoặc các hệ thống ổn định máy (steadicam) truyền thống. Đặc trưng nhất trong các cú máy mà đạo diễn Burton thực hiện đó là khung hình lướt nhẹ từ trên cao. Những ví dụ về thẩm mỹ quay phim này có thể được nhìn thấy trong mọi bộ phim của ông. Đặc biệt, Burton có những cú máy chạy ngang từ trên cao thu lại cảnh toàn rộng ở những trường đoạn giới thiệu mở đầu phim như trong các tác phẩm "Ed Wood", "Batman" (1989) và "Beetlejuice" (1988).
Lumye
Nguồn: Illusion
(Theo Congluan)
Xem thêm:
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Cách bỏ chặn facebook trên điện thoại iPhone