Những tiết mục gây tranh cãi “nảy lửa” trong Giai điệu tự hào
2015-07-02 16:02
- Xem “Giai điệu tự hào” khán giả còn có cơ hội lắng nghe những tranh cãi “nảy lửa” của hai hội đồng bình luận khác biệt về tuổi tác.
Tin liên quan
“Đi học” – Hải Bột
Ngay sau khi ca sĩ Hải Bột thể hiện ca khúc “Đi học” trong số tháng 5/2014 của Giai điệu tự hào, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - thành viên của Hội đồng bình luận lớn tuổi khẳng định “Tiết mục này vừa hát sai lại vừa dựng sai”. Theo bà, bài hát này phải được hát bởi một giọng nữ trẻ con, có thể là soprano (nữ cao) chứ một giọng đàn ông như Hải Bột sẽ làm lạc mất chủ đề của bài hát. NSND Thanh Hoa cũng có chung quan điểm này, nữ ca sĩ gạo cội bày tỏ, bà tôn trong việc làm mới các ca khúc nhưng bà yêu cầu người thể hiện phải hát đúng nhạc, đúng lời.
Khác với ý kiến của PGS Minh Thái và NSND Thanh Hoa, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến – thành viên của hội đồng bình luận trẻ tuổi chia sẻ rằng, tiết mục của Hải Bột hoàn toàn có thể chấp nhận. Theo tác giả của “Bà tôi”, tất cả các cách hát đều hay, một người phụ nữ lớn tuổi thì hát như thể một người bà đang hát cho cháu mình nghe, một người cha hát thì đó là đang kể về đứa con nhỏ của mình trên hành trình đến trường còn hát như Hải Bột thì có thể liên tưởng như một người anh trai. Ngay sau đó, nhạc sĩ Quốc Trung, Giám đốc âm nhạc của Giai điệu tự hào xuất hiện lý giải về cách làm mới, tuy nhiên hội đồng bình luận lớn tuổi vẫn tỏ ra không hài lòng.
“Nhớ về Hà Nội” – Văn Mai Hương
Lần đầu tiên thể hiện ca khúc “Nhớ về Hà Nội” trong chủ đề “Người Hà Nội” của Giai điệu tự hào, Văn Mai Hương vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, một lần nữa thể hiện quan điểm thẳng thắn của mình, bà cho rằng: “Văn Mai Hương là một ca sĩ trẻ có nhiều điều đáng để ngợi khen nhưng vẫn không vượt được 'bóng' của Hồng Nhung khi trình bày ca khúc này”. Tác giả của cuốn sách “Mặt người mặt hoa” không quên nhấn mạnh, diva Hồng Nhung đã hát bằng toàn bộ tinh thần Hà Nội nên trở thành ca sĩ hát thành công nhất sáng tác của Hoàng Hiệp. NSƯT Thanh Tú, người con gái Hà Nội gốc cũng cho rằng Văn Mai Hương hát chưa thực sự cảm xúc vì không sống trong thời điểm đó.
Các thành viên hội đồng bình luận trẻ tuổi lại dành nhiều khen ngợi cho Á quân Vietnam Idol 2010. Danh thủ Lê Hồng Sơn bày tỏ “Tất cả những ký ức tuổi thơ của tôi ùa về khi nghe Văn Mai Hương hát”. Trong khi đó, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng phản biện ý kiến của nhà phê bình Minh Thái, anh cho rằng Văn Mai Hương đã hát bằng cảm nhận của cô ấy đối với Hà Nội ở thời điểm hiện đại và việc làm đó không có gì đáng trách. Ngay sau đó Văn Mai Hương trình bày suy nghĩ của mình trước hai hội đồng bình luận “Những giá trị lịch sử không chỉ quý giá với những thế hệ lớn tuổi mà cháu thiết nghĩ thông qua chương trình như thế này, những người trẻ như chúng cháu được lắng nghe câu chuyện lịch sử từ các cô, các bác. Đó mới là điều quan trọng, chứ không phải là chuyện phải hát thế nào mới hay”. Chia sẻ của Văn Mai Hương nhận được sự tán thưởng của cả hai đồng bình luận và khán giả trong trường quay.
“Gửi em ở cuối sông Hồng” – NSND Thanh Hoa, Tôn Thất Sơn
Tiết mục song ca “Gửi em ở cuối sông Hồng” của NSND Thanh Hoa và con trai Tôn Thái Sơn trong “Giai điệu tự hào” tháng 8/2014 mặc dù được cả hai hội đồng bình luận và khán giả đứng dậy tán thưởng nhưng PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái lại không hài lòng. Nữ nhà báo danh tiếng cho rằng, “Một chương trình truyền hình thì không nên dàn dựng như thế. Thanh Hoa không nên hát cùng con trai trong bài hát này với việc hóa thân thành đôi vợ chồng. Thanh Hoa chỉ nên hát trên nền diễn xuất của Tôn Thất Sơn và nữ vũ công trẻ tuổi. Sự chênh lệch tuổi tác khiến người xem có cảm thấy bị kênh”.
Hội đồng bình luận trẻ tuổi không đồng tình với ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, nhà thiết kế Hà Linh Thư cho rằng, NSND Thanh Hoa và Tôn Thất Sơn đã hoàn thành tốt vai trò của hai diễn viên trên sân khấu và truyền tải xuất sắc thông điệp của bài hát. Kết thúc chương trình, NSND Thanh Hoa bày tỏ quan điểm với báo giới. “Không nên nhìn, đánh giá nghệ thuật “đời” như thế! Lên sân khấu, ngoài hát ca sĩ còn là diễn viên. Hơn nữa, nếu cảm nhận đúng hơn, khán giả sẽ thấy tôi chính là hình ảnh về già của cô gái mặc áo dài trắng, ngồi đan len chờ chồng đi chiến đấu trong phần dàn dựng của biên đạo múa Tấn Lộc. Chiến tranh, bom đạn, sao nói trước được ra đi là sẽ quay trở lại. Hát đấy, giao lưu đấy nhưng đâu phải là thực mà đơn thuần chỉ là hát với hồi ức của sự chia cắt mãi mãi”.
“Đất mũi Cà Mau – NSƯT Đức Long
Phần thể hiện ca khúc “Đất mũi Cà Mau” của NSƯT Đức Long trong Giai điệu tự hào số tháng 5/2015 đã gây nhiều tranh cãi về giọng hát chuẩn và nhạc “mậu dịch”. Nhà báo Ngô Kinh Luân, thành viên của hội đồng bình luận trẻ tuổi bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn rằng, không ai hát cải lương bằng giọng Hà Nội vì loại hình nghệ thuật này đòi hỏi phải có sự xuống xề, da diết; còn NSƯT Đức Long thành công là vì hát bài hát này bằng giọng Hà Nội mà người ta vẫn cảm thấy hay chứ không phải vì bài hát này phải hát bằng giọng Hà Nội mới hay như ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái.
Trả lời câu hỏi của một thành viên hội đồng bình luận trẻ tuổi rằng “Đây có phải một ca khúc mậu dịch không?”, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu khẳng định đây không phải là một bài hát mậu dịch mà là một trong những tác phẩm được các nhạc sĩ viết khi đi thực tế sáng tác. TSKH Đoàn Hương cũng quả quyết rằng, việc đặt câu hỏi “nhạc mậu dịch” trong hoàn cảnh này với sự xuất hiện của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – thế hệ các nhạc sĩ gạo cội, là một sự tàn nhẫn.
“Bác Hồ - Người cho em tất cả” – Hồng Nhung
Tiết mục của nữ diva nhận nhiều ý kiến bình luận khác nhau tại Giai điệu tự hào số tháng 6/2015 với chủ đề “Hạt gạo làng ta”. Trong khi MC, diễn viên hài Trấn Thành đứng dậy vỗ tay và nhận xét: "Với tôi đây là bài hát có giai điệu đơn giản và người hòa âm, phối khí đã làm cho nó có câu chuyện với sắc thái âm nhạc khác nhau. Nó có sự giao thoa giữa hai thế hệ người lớn và trẻ em. Giọng hát của chị Hồng Nhung là giọng hát mang lại hòa bình và an nhàn cho người nghe" thì NSƯT Trần Lực lại khẳng định “Bác Hồ - Người cho em tất cả” là một bài hát dành cho thiếu nhi nên không phù hợp với giọng ca của nữ diva Hà thành.
Trấn Thành tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình "Nếu người lớn hát hay, các em nhỏ nghe hay sẽ hát theo” trước ý kiến “Chúng ta đang thiếu nhiều ca khúc dành cho thiếu nhi và kêu gọi nhạc sĩ sáng tác. Vậy sao không để cho các bé hát những ca khúc của mình mà đưa cho người lớn” của đạo diễn Trần Lực. Phần tranh cãi của hai nam nghệ sĩ chỉ thực sự kết thúc khi MC thông báo đến phần bình chọn.
Lê Đức
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Bắt trend với gam màu xanh quả bơ hot hit nhất hè 2021, vừa xinh vừa cực kỳ dịu mát