Nhạc sĩ An Thuyên - “con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”

Nhạc sĩ An Thuyên - “con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”

Lê Đức 2015-07-04 09:01
- Sự ra đi đột ngột của tác giả “Ca dao em và tôi” vào chiều ngày 3/7 là tổn thất không gì có thể bù đắp được đối với nền âm nhạc Việt Nam.

Người khai thác tài tình vốn âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh

Nhạc sĩ An Thuyên được mệnh danh là người “rút ruột” dân ca tài năng bậc nhất của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Phần lớn các ca khúc nổi tiếng của ông đều mang âm hưởng dân ca, đặc biệt là dân ca Nghệ Tĩnh như “Em chọn lối này”, “Ca dao em và tôi”, “Neo đậu bến quê” hay “Đêm nghe tiếng đò đưa nhớ Bác”… An Thuyên đã đưa tinh hoa dân tộc vào trong các sáng tác của mình một cách tự nhiên nhưng đầy chủ ý bởi hơn ai hết ông hiểu rằng dân ca là bản sắc của dân tộc, cũng là tiếng nói tình cảm của con người. 

Nhạc sĩ An Thuyên - “con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”

Sở dĩ An Thuyên chọn dân ca của Nghệ Tĩnh để đưa vào các sáng tác của mình vì đây là quê hương của ông. An Thuyên sinh ra và lớn lên ở Nghệ An – một vùng đất đầy nắng và gió, một miền quê nghèo với những con người quanh năm lam lũ. Tuổi thơ của vị nhạc sĩ sinh năm 1949 là những tháng ngày ăn cơm độn nhưng tràn ngập tiếng hát lời ru của những người lao động chân lấm tay bùn. Thế nhưng chính mảnh đất nghèo mà sở hữu dân ca trù phú ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc cho An Thuyên để rồi sau này ông trở thành một trong những nhạc sĩ hàng đầu của của dòng nhạc cách mạng và cả nhạc trữ tình.

Lý giải cho sự thành công của An Thuyên trong việc sáng tác các ca khúc mang âm hưởng dân ca, nhiều ý kiến cho rằng tài năng của An Thuyên nằm ở chỗ ông đã tinh chế dân ca sao cho phù hợp với dòng chảy thưởng thức âm nhạc hiện đại. Tác giả của “Ca dao em và tôi” không bê nguyên dân ca vào những nốt nhạc mà kết hợp một cách hài hòa nhất, đúng hơn là coi dân ca là chất liệu nghệ thuật. Chính An Thuyên từng chia sẻ: “Tôi đã được lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian. Nhưng điều đấy không có nghĩa là chất liệu đó sẽ vào trong sáng tác của mình. Ðiều cốt lõi là người nhạc sĩ phải biết nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần tuý thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca.”

Người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ học trò

An Thuyên không chỉ là một nhạc sĩ nổi tiếng mà còn là một người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ học trò. Hơn 20 năm gắn bó và làm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, ông đã nhóm lửa và cùng tập thể thổi bùng ngọn lửa cho biết bao thế hệ học trò tài năng âm nhạc xuất chúng của đất nước. An Thuyên cũng được xem là người góp phần không nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu giáo dục của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, từ một trường không phiên hiệu đến cao đẳng và sau cùng là đại học uy tín bậc nhất về đào tạo âm nhạc.

Nhạc sĩ An Thuyên - “con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”

Là một người thầy có nhiều năm đứng trên bục giảng lại yêu lớp trẻ như yêu chính bản thân mình, An Thuyên từng tâm sự “Tôi sẵn sàng cống hiến và luôn học tập được nhiều điều từ lớp trẻ, để mình luôn được trẻ hơn, để luôn sáng tạo...” Với thế hệ đi sau, An Thuyên vừa coi như học học trò, vừa xem như người bạn thế nên sự ra đi đột ngột của ông với các ca sĩ trẻ, đặc biệt là những người đã từng được ông hướng dẫn chỉ dạy là một mất mát quá lớn. Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương ngay sau khi biết tin người thầy đáng kính của mình qua đời đã viết trên trang cá nhân: “Thầy ơi! Con biết nói gì đây? Điều gì thế này? Con không tin vào tai mình khi nghe thông tin này. Một người thầy, một người cha của con - nhạc sĩ An Thuyên tài hoa của đất nước. Con đường nghệ thuật của con bắt đầu từ thầy, nếu không có thầy sẽ chẳng có ai phát hiện ra cô gái nhỏ Quảng Ninh. Cảm ơn thầy đã có mặt trên cuộc đời này! Con sẽ vẫn tiếp tục nói con yêu thương thầy, cha của con!”. Nỗi lòng của giọng ca “Hoang mang” có lẽ cũng là tâm sự chung của nhiều người.

Hình ảnh của “con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”

Nhiều đơn vị tổ chức muốn dựng chương trình chương trình ca nhạc và An Thuyên nhưng ông từ chối hết với lý do đơn giản “Tôi đang viết, chưa vội tổng kết”. Dẫu đã về hưu được mấy năm nhưng An Thuyên luôn bộn bề với những dự án âm nhạc và so với những nhạc sĩ cùng thời thì ông được xem là một người sáng tác khỏe và không ngừng. Ca khúc “Tiếng đàn” được ông viết cách đây hơn 2 năm khi ông đã ngoài 60 tuổi là minh chứng cho nhận định âm nhạc vượt trên tuổi tác. An Thuyên viết ca khúc này ngay sau Lễ Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó “Tiếng đàn” đã được nhiều ca sĩ thể hiện và nhận được sự tán dương của đông đảo người yêu nhạc. 

Nhạc sĩ An Thuyên - “con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”

Nhạc sĩ An Thuyên là hình ảnh của “con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”. An thuyên chưa có một ngày nghỉ ngơi thực sự vì ông vẫn đang bước trên hành trình cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam với nhiều dự định còn dang dở. Tác giả “Chiều sông Thương” xứng đáng là mạch nguồn trong trẻo tưới mát tâm hồn con người.

 

Lê Đức
(Theo Congluan)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mách bạn 4 bài tập để có ngay cánh tay thon dài mỏng manh ai nhìn cũng mê mẩn

Đọc nhiều nhất