Làm mới nhạc cách mạng: Giới chuyên môn nói gì?
2015-06-19 13:35
- Việc làm mới các ca khúc cách mạng gây không ít tranh cãi trong thời gian qua, ngay giới chuyên môn cũng có những nhìn nhận khác nhau xung quanh vấn đề này.
Tin liên quan
NSƯT Thái Bảo: “Đừng dưới đi guốc mộc trên mặc áo sơ mi”
Tôi luôn ủng hộ sự cách tân trong âm nhạc, đặc biệt là vấn đề làm mới nhạc đỏ. Cách đây hơn 10 năm có những thời điểm chúng tôi đã tưởng rằng không còn giữ được dòng nhạc đỏ nhưng may thay thế hệ Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh, Việt Hoàn và Đăng Dương ...xuất hiện. Các bạn ấy đã thổi vào nhạc đỏ một hơi thở mới, hơi thở của thời đại. Thế nên việc các bạn trẻ thế hệ 8X, thậm chí 9X hiện nay thể hiện nhạc cách mạng với một phong cách mới và da dạng là điều đáng mừng.
Bản thân tôi cũng luôn có chủ ý phối mới các ca khúc mà mình đã từng thể hiện để chạm được vào trái tim của giới trẻ. Thế nhưng, không phải bài hát nào cũng làm mới được. Phối mới cũng cần đặt trong một quy chuẩn, không thể phối ca khúc dân ca với chất rock được, như vậy người nghe sẽ phản cảm. Tôi cho rằng một ca khúc cách mạng chỉ được cho là cách tân thành công khi nó không có khoảng cách, không xa lạ về cảm xúc, đừng dưới đi guốc mộc mà trên mặc áo sơ mi, đeo cà vạt….
NSƯT Thái Bảo là một trong những giọng mezzo alto hiếm có của Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Trọng Tạo nhận xét Thái Bảo là một giọng hát “không còn trẻ cũng chẳng chịu già” còn Giáo sư Nguyễn Văn Thương cho rằng “Thái Bảo ca, Tây nghe cũng được mà Ta nghe cũng được”. NSƯT Thái Bảo được biết đến với các ca khúc như “Thăm Bến Nhà Rồng”, “Vết chân tròn trên cát”, “Thời hoa đỏ”… Chị từng được Cúp Bạc (không có Cúp Vàng) trong Liên hoan âm nhạc mùa xuân Bình Nhưỡng tại Triều Tiên.
Nhạc sĩ Huy Thục: “Không thể giữ mãi một bản phối”
Làm mới nhạc cách mạng là vấn đề cấp thiết. Tôi trân trọng các nhạc sĩ trẻ đã kỳ công cách tân những bài hát thời mưa bom bão đạn. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng nhiều bản phối cũ chỉ phù hợp vào những thời kỳ nhất định, vì vậy người làm nhạc cần phải phối lại để các sáng tác cũ không xa lạ trong cuộc sống hiện đại. Chúng ta không thể giữ bản phối hết ngày này qua ngày khác vì như vậy không ai có thể chịu đựng được. Khi nghe ca khúc của tôi được phối mới trong chương trình Giai điệu tự hào trên Đài Truyền hình Việt Nam tôi cảm thấy rất thích thú. Giám đốc âm nhạc của chương trình đã thổi vào ca khúc của tôi âm hương trẻ trung hơn, dàn dựng tiết mục cũng công phu, do vậy không thể chê vào đâu được.
Tuy nhiên tôi cho rằng sự đổi mới trong âm nhạc không nên hướng đến một đối tượng cụ thể nào dù là già hay trẻ mà phải là hướng tới mục tiêu xây dựng nền âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc, không bao giờ chấp nhận sản phẩm âm nhạc lai căng. Người sáng tạo phải tự hỏi xem tác phẩm âm nhạc của mình đã xứng đáng với tình cảm của quần chúng hay chưa. Một bài hát hay không chỉ là sự hòa quyện của kết cấu tốt, giai điệu tốt, giọng ca tốt mà còn là sự đánh giá của quần chúng. Với tôi, một tác phẩm âm nhạc chỉ được coi là thành công khi được quần chúng ủng hộ và tán thưởng.
Nhạc sĩ Huy Thục được biết đến với các ca khúc cách mạng như: “Tiếng đàn ta-lư”, “Ơi dòng suối La La”, “Cô gái Pa Kô”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”… Ông đã xuất bản hai Tuyển tập ca khúc và album “Tiếng đàn ta-lư”. Ông nhận được giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam (1993, 1995), Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1994). Nhạc sĩ Huy Thục là Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
PGS.TS Minh Thái: “Mới hay cũ đều phải truyền tải được thông điệp bài hát”
Với tôi, mới hay cũ không quan trọng bằng việc truyền tải thông điệp của bài hát. Mỗi bài hát đều có thông điệp của tác giả, thậm chí có cái tứ của nó. Nhiệm vụ của ca sĩ hay của nhạc sĩ phối mới là phải hiểu được hoàn cảnh sáng tác của bài hát cũng như tình tự của dân tộc có trong bài hát. Ví như khi hát bài “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ thì người ca sĩ phải có nhiệm vụ chuyển tải tình tự về sự chia cắt, có như vậy mới chạm được vào trái tim của người nghe. Tôi nghe nhạc bằng trái tim của mình chứ không phải bằng một điều gì khác, do vậy muốn chinh phục được tôi thì phải chinh phục được trái tim của tôi.
Nhiều bài hát được phối mới lại được những giọng ca trẻ thể hiện nhưng tôi vẫn thích vì nhạc sĩ sáng tạo và ca sĩ trình bày đã hiểu thấu tinh thần của bài hát. Còn làm mới mà không hiểu hết tinh thần, thông điệp của bài hát thì rất dễ làm hỏng bài hát hoặc nếu không chỉ dừng ở việc được khen ngợi chứ không có giá trị gì trong đời sống nghệ thuật cả.
PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái là nhà báo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học – nghệ thuật hàng đầu Việt Nam hiện nay. Bà là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về chủ đề văn hóa như “Sân khấu và tôi”, “Phê bình tác phẩm văn học, nghê thuật trên báo chí”, “Đánh đường tìm hoa”, “Mặt người mặt hoa”… Nguyễn Thị Minh Thái là khách mời bình luận trong nhiều số liên tiếp của chương trình Giai điệu tự hào. Bà hiện là giảng viên cao cấp Khoa Báo chí – Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Bài và ảnh: Lê Đức
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
5 bài tập cực dễ giúp nàng hot girl Hàn chỉ ở nhà cũng giảm được 10kg trong 3 tháng