Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng: Đau đáu một kiếp người!

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng: Đau đáu một kiếp người!

Khôi Nguyên 2014-12-17 10:24
- Lần đầu tiên trên màn ảnh rộng, một bộ phim tài liệu về một đoàn ca nhạc hội chợ của những người đồng tính, chuyển giới được công chiếu gây xúc động cho khán giả. Những suất chiếu chật kín khán giả, những phản hồi và hơn hết là sự đồng cảm cho thấy bộ phim thực sự đã chạm đến trái tim khán giả
 

 
“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” mở màn bằng lời dẫn của chính đạo diễn Nguyễn Thị Thắm với giọng đọc trầm trầm, buồn buồn chứa đầy tâm sự. Sau lời mở màn đó là cảnh hoang sơ, có phần tiêu điều của những người đang làm công việc dựng sân khấu, kéo những lá cờ trang trí hay tất bật chuyển đồ đạc để chuẩn bị cho buổi diễn mới. Địa điểm tổ chức là một vùng quê nghèo hiu hắt trên nền bãi đất trống. Tất cả như một cảnh toàn mở màn cho những thước phim chân thật và xúc động về những con người làm đủ thứ nghề để mưu sinh tại những hội chợ lô tô. Có lẽ, với nhiều người sinh ra lớn lên ở các miền quê nghèo trên khắp đất nước Việt Nam, những hội chợ này vốn không xa lạ. Nhưng tất cả những gì chúng ta nhìn thấy mới chỉ là bề nổi.“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” lần đầu tiên đưa lên màn ảnh những góc khuất, thực tế đến xót xa.
Những góc máy trong bộ phim tài liệu này không hề được trau chuốt lại càng không có bất kỳ một sự dàn dựng nào của bàn tay đạo diễn. Tất cả giống như một hành trình bởi chính nữ đạo diễn sinh năm 1984 đã ròng rã theo đoàn hát này suốt 13 tháng ròng của 5 năm (2009-2014) để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, từ cảnh vật nơi họ đặt chân đến, hình ảnh những người khán giả và trên hết là cuộc sống mưu sinh với đầy đủ các góc cạnh của những người “nghệ sĩ” rất đặc biệt.
 

 
Bất kỳ ai xem bộ phim này đều có thể tìm thấy một phần nào đó ký ức tuổi thơ của mình bởi nơi dừng chân của đoàn ca nhạc của chị Bích Phụng có thể là miền trung du nghèo, miền núi heo hắt hay những làng biển nghèo xác xơ. Chiếc xe máy cà tàng với hình ảnh chiếc loa cũ kĩ, móp mép, vụn vỡ ra rả len lỏi qua những con đường bụi mù để quảng bá cho từng suất diễn với sự tham gia của những: “ngôi sao ca nhạc”, những “danh hài”… có tuổi mà chưa có tên. Ở đó, khán giả bắt gặp được vẻ thất thểu của những người đi rao bởi trong ánh mắt họ là trần ai cực khổ, làn da cháy sạm, thân hình còm nhom. Còn ở phía bên kia, những người dân, đặc biệt là những đứa trẻ ngơ ngác dỏng tai nghe những lời rao trên chiếc xe máy hay có lúc là chiếc xe tải cũ kỹ, bẩn cáu cạnh vì bụi đường, bùn lầy.
Những đêm diễn tại hội chợ khi ánh đèn được soi rọi, sân khấu bừng lên, cờ hoa rực rỡ là đủ các màu sắc, nhộn nhịp âm thanh, tấp nập dòng người đổ về. Già, trẻ, gái, trai… đủ các thành phần trong xã hội hoặc tìm kiếm vận may của mình qua những trò quay số, trò chơi với giá vé chỉ vài ngàn đồng hoặc dựng chống xe máy và mải mê theo dõi những màn trình diễn của những “nghệ sĩ” trên sân khấu. Đa phần, họ xuống tận hàng ghế khán giả, len lỏi trong dòng người mời chào, cất lời ca tiếng hát mua vui cuộc đời. Nhưng, đó chỉ là những gì hào nhoáng.  


 
Phía sau ánh đèn sân khấu ấy là những sự tất bật khi ai ai cũng vội vã thay đồ, trang điểm cho mình thật lộng lẫy trước khi bước đến với khán giả. Không khó để bắt gặp những hình ảnh thật hơn cuộc sống: một anh chàng độn ngực giả, xúng xính lựa chọn váy áo, chải chuốt cho mái tóc thêm mượt hay đội mớ tóc giả loăn quăn… Những lúc như thế, họ được sống là chính con người mơ ước mặc cho những cái nhìn soi mói, đôi khi là miệt thị của những khán giả có mặt. Và khi ánh đèn màu hạ xuống, đêm buông sâu hơn họ lại tất bật rũ bỏ “mặt nạ” ấy để trở về một cuộc sống đời thường – quay quắt trong kế mưu sinh. Tất cả không hề giấu con người thật của mình và hơn ai hết họ hiểu rằng, tạo hóa ban cho họ hình hài của con người nhưng lại không cho họ một cuộc sống bình thường. Đó thực sự là nỗi chát chúa của những người đồng tính, người chuyển giới quay quắt tìm cho mình ước vọng được làm người tử tế. 
 

 
Điểm thú vị của bộ phim là, những góc khuất ấy tất cả đều quá chân thật, đến xót xa, tủi hổ cho những kiếp người sống lang bạt, nay đây mai đó bằng nghề mua vui cho thiên hạ. Không chỉ trên sân khấu, sau ánh đèn mà mọi hoạt động của họ trong cuộc sống thường ngày đều được đưa lên màn ảnh.
Trong số những con người đó đáng chú ý nhất là chị Bích Phụng (trưởng đoàn ca nhạc hội chợ này) và chị Hằng (người phụ tá thân cận của chị Phụng). Là những người đàn ông nhưng họ khao khát được sống trong hình hài thật sự của một người phụ nữ. Họ cũng khao khát yêu đương như bất kỳ ai trong cuộc sống này nhưng giấc mơ đó càng chỉ là xa vời. Sau những phút thăng hoa trên sân khấu là những tâm sự đến nghẹn đắng của những người chỉ còn một cách duy nhất: phải-cam-chịu-số-phận. Nhưng, những con người cùng khổ, cùng cảnh ngộ ấy lại sát cánh bên nhau, nương vào nhau để sống. Chị Bích Phụng trong phim là người nghĩa tình nhưng cũng rất dữ tợn bởi chỉ có như thế chị mới đủ cái uy duy trì đoàn hát này, để những con người lầm lũi kia có miếng cơm, manh áo sống qua ngày.
 
Chị Bích Phụng - trưởng đoàn ca nhạc (ảnh trái).
Dĩ nhiên, trong phim còn biết bao thân phận mà dù họ chỉ lướt qua màn ảnh nhưng cũng để lại những dấu ấn mạnh mẽ. Đó là những chàng trai buộc mình hóa thân thành các cô gái đi bán vé cho hội chợ, những người làm bốc vác, dựng rạp… Thậm chí con bọ mồi cho chương trình hay đàn chó mẹ con dù xuất hiện ngắn ngủi nhưng cũng đầy ám ảnh.
Dầm mưa dãi nắng từ ngày này qua ngày khác, cuộc sống của họ bấp bênh tựa như cánh bèo trôi có thể bị dòng nước cuốn phăng đi bất cứ lúc nào không hay. Cuộc sống ấy còn luôn bị rình rập bởi những nguy hiểm luôn cận kề. Đó là đám thanh niên ở làng ra gây gổ, ném gạch đá vào lều trại của họ; là cảnh những “cô gái” bị dụ dỗ đi chơi đêm… Nhưng ám ảnh nhất chính là đám cháy ở cuối bộ phim khiến toàn bộ gia sản của họ gần như bị thiêu rụi hoàn toàn. 30 con người bé nhỏ ấy bị bủa vây bởi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con người bên ngoài mà nếu bước ra, họ có thể phải hy sinh tính mạng mình.
Diễn viên Hồng Ánh – người quyết định nhận lời phát hành bộ phim này cho biết ban đầu chị không nghĩ phim nhận được nhiều sự quan tâm đến thế. Trước khi bắt tay vào sản xuất, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm từng đến gõ cửa công ty chị xin tài trợ nhưng lúc đó, chị đã từ chối vì không nhìn thấy sự khả thi. Tuy nhiên, sau này khi xem lại những hình ảnh được ghi lại chị không còn lý do nào để từ chối. Hồng Ánh chia sẻ, với giá vé 40.000 chị muốn bộ phim này sẽ đến với khán giả rộng rãi hơn và trên hết để ủng hộ về mặt tinh thần cho nữ đạo diễn sinh năm 1984 đầy tâm huyết này. 
 

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.
Trong khi đó, chủ nhân của bộ phim đã mất 5 năm đeo đuổi dự án từ khi lên ý tưởng, xâm nhập vào thực tế của đoàn ca nhạc Bích Phụng. Cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ, cùng di chuyển và sinh hoạt với những con người đó, hơn ai hết Thắm hiểu được những câu chuyện đầy ẩn ức chất chứa bên trong họ. Chị chia sẻ, phim hoàn toàn tôn trọng sự thật và quá trình dàn dựng chỉ đảo một phần nhỏ về cấu trúc để phim logic và tạo cảm giác liền mạch cho khán giả hơn. Thắm cũng cho biết mục đích của chị không phải làm phim về những người thuộc giới thứ 3 mà đó là bức tranh chân thực đến đắng lòng về những con người sống bên lề xã hội. Chính bởi tư tưởng coi họ như những con người bình thường nên chị dễ dàng có được sự đồng cảm.
Một điều khá đáng tiếc đó là khi phim hoàn thành thì hai nhân vật chính là chị Bích Phụng và chị Hằng đã ra đi vì căn bệnh HIV-AIDS. Hai trong số những nhân vật trong phim may mắn được xem dự án này đã thành hình hài, chị Ngọc Phụng chia sẻ trong nghẹn ngào rằng chị vui vì nhờ những thước phim như thế này mà mọi người biết đến thế giới của họ. 
“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” chưa hẳn là một tác phẩm hoàn hảo, đặc biệt về mặt kỹ thuật hay các góc máy quay, từng khuôn hình chưa thật sự được chăm chút. Nhưng bỏ qua tất cả những yếu tố đó, sự chân thực của từng hình ảnh trong phim đã chạm đến trái tim khán giả để rồi sau những ngỡ ngàng, bàng hoàng, xót xa khán giả chợt nhận ra trong cuộc đời này, những con người như thế họ đã sống, làm việc bằng mọi cách để mưu sinh, để được làm người một cách đúng nghĩa.
 
Khôi Nguyên
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 hotgirl Việt ngày càng xinh đẹp và gợi cảm

Đọc nhiều nhất