4 bộ phim hay về tình thầy trò nên xem dịp 20/11

4 bộ phim hay về tình thầy trò nên xem dịp 20/11

Thảo Nguyên 2015-11-20 06:28
- Đó không chỉ là những bài học về tình người, việc xây dựng lòng đam mê âm nhạc ở những học trò nhỏ mà dường như còn là tình cảm lãng mạn của những sinh viên đang ngồi trên giảng đường dành cho người thầy của mình.

Những bộ phim làm về chủ đề nhà trường không chỉ đơn thuần để nói về thầy và trò hay những bài giảng có ý nghĩa. Người xem có thể gặp rất nhiều các tình huống hài hước, cảm động, những tư tưởng tiến bộ, thậm chí cả những tình cảm lãng mạn về chủ đề vốn dĩ rất giáo điều này. 

1. Trường học Rock (Shool of Rock)

Đạo diễn: Richard Linklater.

Đây là một bộ phim âm nhạc hài của Mỹ, sản xuất năm 2003. Câu chuyện kể về một ca sĩ nhạc rock kiêm tay guitar Dewey Finn, người đã bị đuổi khỏi ban nhạc do tính tình và cách trình diễn quái gở của anh. Một ngày nọ, anh chàng Dewey nhận một cuộc điện thoại từ Hiệu trưởng trường dự bị Horace Green danh tiếng để mời Ned Schneebly, một người bạn của Dewey, về dạy tại trường. Dewey bèn giả vờ là Ned và bắt đầu công cuộc “dạy học” cho các học sinh lớp 4, trường Horace Green.

phim ve giao duc
Bộ phim nhận được đánh giá cao từ phía các nhà phê bình và khán giả, nó đã trở thành bộ phim âm nhạc hài thành công nhất mọi thời đại với doanh thu 131 triệu đôla.

Mọi sự rắc rối bắt đầu từ đây. Ngoài niềm đam mê với âm nhạc, Dewey tất nhiên là chẳng có tí xíu kiến thức nào về việc dạy tiểu học cả. Thay vì truyền thụ những kiến thức trong sách vở, anh đã “sáng tạo” môn học mới, tất nhiên là âm nhạc. Đồng thời, Dewey đã phát hiện ra vài tài năng nhí trong lớp, và anh chàng quyết định đào tạo học sinh của mình trở thành một ban nhạc Rock để tranh giải trong cuộc thi của bang.

Anh dạy các em cách chơi nhạc, cách trình diễn theo đúng phong cách Rock, cách vượt qua sự nhút nhát của bản thân để thể hiện năng khiếu của mình. Dewey và những đứa trẻ vốn chỉ biết đến học hành dần dần tìm được tiếng nói chung qua thứ âm nhạc nổi loạn nhưng đầy mê hoặc.

2. Nụ cười nàng Mona Lisa (Mona Lisa Smile)

Đạo diễn: Mike Newell.

Bộ phim lấy tiêu đề từ một bức tranh nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci được đặt trong bối cảnh năm 1953, Katherine Ann Watson (Julia Robert) một cô giáo trẻ dạy lịch sử chuyển từ đại học Southern California về dạy ở trường cao đẳng Wellesley. Ngay tại chính môi trường giáo dục này, Katherine vô cùng kinh ngạc khi nhận ra rằng, ngôi trường có tiếng chuyên đào tạo những người phụ nữ tương lai lại tồn tại một luật lệ và niềm tin cổ hủ: Vị trí của người phụ nữ là ở nhà và nhiệm vụ của họ là làm hài lòng các ông chồng của mình.

phim ve giao duc
Quy tụ dàn diễn viên đầy tên tuổi, "Nụ cười nàng Mona Lisa" là một tác phẩm điện ảnh mang đến cho người xem cái nhìn mới về giá trị của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Tất cả các học sinh trong lớp của Katherine đều là nữ. Họ là các cô nữ sinh với những tính cách khác nhau. Là Betty Warren kiêu kỳ thuộc tầng lớp thượng lưu, người tôn thờ mọi thứ truyền thống cổ hủ và luôn muốn nỗ lực trở thành một phụ nữ trưởng thành khi chỉ mới 21 tuổi; là Giselle Levy đầy nổi loạn, phóng túng, mạnh mẽ đấu tranh tới cùng cho sự sống của mình; là Connie Baker xinh đẹp nhưng nhút nhát… Bộ phim là cuộc chiến căng thẳng giữa cô giáo trẻ quyết tâm đấu tranh cho sự giải phóng phụ nữ, ngay từ chính việc thay đổi suy nghĩ và cái nhìn của các học trò trong lớp của mình.

“Nụ cười nàng Mona Lisa” xoay quanh những tranh cãi trong lớp về lịch sử hội họa, sử dụng ngay chính hội họa như một ví dụ về cái nhìn đối với xã hội và vai trò của phụ nữ trong chính xã hội ấy.  Những bức tranh đưa ra các quan điểm về cái đẹp, thế nào là cái đẹp, thế nào là giá trị thật sự của một con người. Những bài học của Katherine đã dần dần thức tỉnh học trò của mình, cho họ biết nhìn nhận giá trị của bản thân, từ đó có những tranh đấu đầu tiên trong công cuộc giải phóng chính mình, khỏi những hủ tục và lề lối cổ xưa trong xã hội họ đang sinh sống.

Bộ phim kết thúc khi Katherine quyết định rời khỏi trường Wellesley vì không chấp nhận cách dạy học theo lối mòn của nhà trường. Cô lên đường trong cuộc hành trình khám phá Châu Âu. Khi chiếc taxi chở Katherine tăng tốc, tất cả học sinh của cô đuổi theo cô giáo trên những chiếc xe đạp, như để gửi lời cám ơn đến người đã thay đổi cuộc sống của họ, người phụ nữ phi thường đã khiến họ phải nhìn thế giới bằng một đôi mắt khác.

3. Hội cố thi nhân (Dead Poets Society)

Đạo diễn: Peter Weir.

“Hội cố thi nhân” là một bộ phim kể về một thầy giáo dạy tiếng Anh có tư tưởng cấp tiến, John Keating, người đã truyền cảm hứng cho các học sinh của mình thông qua các bài giảng về thơ ca.

phim ve giao duc

“Hội cố thi nhân” được đánh giá là một trong những bộ phim về giáo dục xuất sắc nhất mọi thời đại.

Lấy bối cảnh tại trường Welton Vermont, một trong những ngôi trường phổ thông dành cho nam sinh nổi tiếng với việc dạy học cổ điển và cứng nhắc. Trường duy trì 4 nguyên tắc vàng: Truyền thống - Danh dự - Kỷ luật - Chất lượng, nên các học sinh luôn bị bó buộc bởi những quy tắc và sự áp đặt của giáo viên cho đến khi John Keating xuất hiện và được phân công vào làm chủ nhiệm một lớp nổi tiếng ngỗ nghịch nhất trường.

Với tư tưởng tiến bộ của mình, John không đi theo bất kỳ bài giảng thông thường nào trong sách giáo khoa, ông giúp những học sinh của mình cảm nhận cuộc sống và giá trị sống qua những bài thơ để từ đó, mỗi học sinh tự tìm cho mình sứ mệnh và niềm tin riêng trong cuộc sống. John còn cho phép lũ trẻ gọi mình là thuyền trưởng, cho học sinh đứng hẳn lên bàn để nhìn thế giới ở một tư thế khác. Bọn trẻ được khơi gợi lại lòng yêu thơ và quyết tâm phục hồi lại câu lạc bộ thơ có tên “Hội cố thi nhân” - vốn đã bị hiệu trưởng “xóa sổ” từ lâu.

4. Annabelle đáng yêu (Loving Annabelle)

Đạo diễn: Katherine Brooks.

Không giống với bất kỳ bộ phim nào về nhà trường, "Annabelle đáng yêu" mạnh dạn đề cập đến một vấn đề hoàn toàn khác. Đó là: Điều gì sẽ xảy ra nếu một cô giáo, đem lòng yêu một nữ học sinh của mình tại một ngôi trường Công giáo?

Annabelle Tillman, con gái của một thượng nghị sĩ, được gửi đến học tại một trường nội trú Công giáo sau khi bị đuổi khỏi hai trường trung học trước đây. Simone Bradley, một nữ giáo viên dạy thơ tại trường đồng thời là phụ trách ký túc xá. Simone đôi khi chống lại các quy tắc giáo điều và cứng nhắc của trường vì lợi ích của học sinh. 

4 bộ phim hay về tình thầy trò nên xem dịp 20/11

Bộ phim nói về vấn đề tình dục đồng giới trong nhà trường, nhưng đạo diễn Brooks không cố gắng làm phim để trả lời các câu hỏi về tình dục, bà chỉ trình bày quan điểm của mình và để dành câu trả lời cho chính người xem.

Cuộc sống cá nhân của cô đồng nghĩa với việc tuân thủ các quy ước của xã hội và tôn giáo, trong khi Annabelle gần như một cá thể đối lập với các hành vi thách thức và nổi loạn. Bằng tình thương của mình, Simone nhìn thấy sự trưởng thành và nhạy cảm bên trong con người Annabelle. Cô bắt đầu tìm cách gần gũi để dạy dỗ cô gái. Trong thời gian này, Annabelle nhận ra tình cảm của mình dành cho cô giáo Simone, đồng thời cô cũng phát hiện ra quá khứ đau đớn của Simone.

Khi bà Immaculate, hiệu trưởng của trường, phát hiện ra mối quan hệ giữa hai người. Simone thừa nhận rằng mình yêu Annabelle. Chính vì điều này, cô đã bị bắt giam. Annabelle đứng ôm bức ảnh Simone chụp với mình trong lòng, nước mắt lưng tròng nhìn theo chiếc xe chở Simone đi xa dần.

Thảo Nguyên

Ảnh: Sưu tầm

(Theo Congluan)

Xem thêm:

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những cặp con giáp cứ lấy nhau là giàu sang phú quý

Đọc nhiều nhất