Bùng nổ du lịch, Sa Pa mất dần vẻ đẹp tự nhiên
Tin liên quan
Sa Pa là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam với cả du khách trong và ngoài nước. Những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, những bản làng người dân tộc thiểu số độc đáo hay đỉnh Fanxipan cao 3143m chính là sức quyến rũ của mảnh đất Tây Bắc.
Thế nhưng, không ít người tỏ ra lo lắng cùng với tốc độ tăng trưởng du lịch đáng kinh ngạc, Sa Pa ngày càng mất đi vẻ đẹp hoang sơ, yên bình và đặc trưng riêng vốn có bằng những công trình hiện đại, những tòa nhà cao tầng mang kiến trúc phương Tây.
Vô vàn người chen chúc chụp ảnh trên đỉnh Fanxipan. (Ảnh AFP)
Mới đây, tờ Daily Mail đăng tải bài viết với tựa đề “Bùng nổ du lịch đe dọa nóc nhà Đông Dương của Việt Nam” đã dẫn lời của một hướng dẫn viên du lịch người Mông Đen. Chị Giang Thị Lang chia sẻ quan điểm: “Nếu xây dựng nhiều hơn, chúng tôi sẽ dần mất Sa Pa, trong khi chúng tôi lại không có thêm núi”.
Dẫn chứng cho điều này, Daily Mail đưa ra một vài số liệu cụ thể. Tại thị trấn Sa Pa, số phòng nghỉ tăng từ 2.500 (2010) lên 4.000 phòng (2015). Số lượng khách du lịch tới đây cũng tăng chóng mặt, khoảng 700.000 (2015) khiến doanh thu tăng gấp 3 lần lên đến 50 triệu USD.
Lí giải cho sự tăng trưởng đó là tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đã được đưa vào sử dụng, giúp rút ngắn thời gian lên Sa Pa. Bên cạnh đó, việc khai thác tuyến cáp treo 2 dây dài nhất thế giới từ tháng 2/2016 với sức chở 2.000 người/ngày khiến cho lượng khách đến với Sa Pa ngày càng tăng cao.
Tuyến cáp treo được đưa vào khai thác có thể chở 2.000 khách/ngày. (Ảnh AFP)
Trước đây, mỗi một chuyến leo “nóc nhà Đông Dương”, du khách phải mất ít nhất 2 ngày để chinh phục thì giờ với tuyến cáp treo mới đưa vào hoạt động, người ta chỉ mất 20 phút từ là lên tới đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Và rồi từ khách du lịch lên bằng cáp treo và các “phượt thủ” bỏ công sức leo trong 2 ngày đều cùng “check-in” cột sắt đánh dấu độ cao 3143m, không phân biệt lên bằng hình thức nào.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch Sa Pa nói thêm rằng ngành này cung cấp việc làm cho hàng ngàn người dân: “Tuyến cáp treo đi vào hoạt động thu hút nhiều khách du lịch và tạo công ăn việc làm cho 1 lượng lớn người dân địa phương”.
Thế nhưng bên cạnh đó, sự phát triển này cũng để lại nhiều hệ lụy. “Khi chưa có cáp treo, người dân có thể làm nghề porter để kiếm sống. Nhưng từ khi cáp đi vào hoạt động, chúng tôi mất việc và hầu hết trở thành công nhân xây dựng tự do”, Ma A Tro – 1 porter dẫn khách leo Fanxipan 2 ngày cho biết.
Những công trình hiện đại đang dần thay thế vẻ đẹp tự nhiên ở Sa Pa. (Ảnh AFP)
Khách du lịch cũng nhận thấy rằng Sa Pa đang dần mất đi vẻ đẹp và sức hấp dẫn tự nhiên của mình. Nếu như trước kia, đỉnh Fansipan vẫn được coi là “địa điểm thần thánh” mà mỗi người đều mơ ước được đặt chân tới với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ thì giờ đây, vẻ đẹp nhân tạo của những bậc đá, cửa hàng lưu niệm hay đền chùa đã thay thế cho vẻ đẹp tự nhiên.
Không ai có thể phủ nhận sự bùng nổ khách du lịch mang lại cơ hội để phát triển các điều kiện thiết yếu về điện đường trường trạm với người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên sự phát triển không bền vững và có chiến lược cụ thể ở Sa Pa chẳng khác gì “tự bắn vào chân mình” theo như nhận xét của ông Hubert de Murad, giám đốc của khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge.
Ông Hubert de Murad lo ngại các nhà đầu tư chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt để thu hút càng nhiều du khách càng tốt chứ chưa tính tới tương lai lâu dài cho du lịch Sa Pa và nhấn mạnh rằng cần thận trọng hơn trong việc phát triển du lịch đại trà ở Sa Pa nhằm tránh những sai lầm đáng tiếc.
Moon (Dịch từ Daily Mail)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất