Vụ nổ ở Hà Đông: Người dân sống trong bán kính 1km nên đi khám
Tin liên quan
Vụ nổ tại khu nhà thấp tầng TT9 đô thị Văn Phú nằm trên mặt đường Lê Trọng Tấn nối ra phố Quang Trung (Hà Đông) vào khoảng 15h ngày 19/3 đã khiến 4 người tử vong, 10 người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa; nhiều xe máy để ngoài đường và đi ngang qua bị hư hỏng.
Hai nạn nhân nặng nhất vẫn hôn mê
Thông tin chúng tôi nhận được vào sáng 20/3 từ cán bộ Bệnh viện Quân y 103 cho biết, hai bệnh nhân nặng nhất trong vụ nổ ở Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) là anh Đặng Cao Thủy (SN 1984 ở Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội) và chị Nguyễn Thị Lệ (SN 1993 ở Thanh Thủy, Thanh Oai, Hà Nội) vẫn đang hôn mê, phải thở máy.
Không chỉ thế, theo thông tin chúng tôi có được, một nạn nhân nữ ngồi sau xe máy, bị mảnh vỡ găm vào đùi và đã đến bệnh viện Quân Y 103 để chụp chiếu.
Qua lời kể của nạn nhân này được biết, trước địa điểm xảy ra vụ nổ có một ngã tư đèn đỏ, rất may trước khi đèn đỏ kịp sáng thì người chồng chị cầm lái đã vượt qua. Khi đi qua vị trí nổ khoảng 150 m thì vụ nổ xảy ra và ngay sau đó người phụ nữ này thấy đau đùi phải và có máu chảy qua vết thương.
Các bác sĩ cho biết, kiểm tra qua phim chụp thì thấy có dị vật, lâm sàng không có tổn thương mạch hay thần kinh, vết thương nằm vị trí mặt sau ngoài tương ứng 1/3 trên đùi phải với kích thước khoảng 0,5 x 0,5 cm, bờ nham nhở, xung quay tấy đỏ, thành vết thương có dập nát.
Cán bộ Sở Y tế Hà Nội thăm nạn nhân vụ nổ Hà Đông đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội)
Khảo sát sâu hơn nữa thấy ống vết thương đi từ trên xuống dưới, vào trong, trên đường đi có nhiều di vật kim khí cắm gắn lấm tấm. Phẫu thuật lấy dị vật, dị vật nằm trong cơ rộng ngoài là 1 mảnh kim loại và khả năng là mảnh gang có kích thước 1 x 0,5cm. Phẫu thuật lấy dị vật, khâu dưới da vị trí mở rộng và để hở ống vết thương hoàn toàn, để máng dẫn lưu.
Người dân sống cách hiện trường 1km nên đi khám?
Qua trường hợp trên, chuyên gia y tế (Diễn đàn bác sĩ nội trú) khuyên người dân cứ ai ở gần, thậm chí rất gần vụ nổ thì nên đi khám sức khỏe nhằm tránh không để bỏ sót các tổn thương nếu có. Ít nhất là các sang chấn về tinh thần, cũng như các tổn thương do sức ép trong vụ nổ hoặc do các mảnh kim khí bắn ra.
Cũng liên quan tới lời khuyên của bác sĩ dành cho những người ở gần hoặc đi qua khu vực nổ ngày 19/3 tại Văn Phú, Hà Đông, Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đưa ra lời khuyên đối với những nghi ngờ có mảnh vỡ găm vào người.
“Nếu ai thấy có những vết thương trên da thì phải đi chụp chiếu cẩn thận xem mảnh vỡ có lưu tại vị trí vết thương đó không. Nếu có thì có biện pháp xử lý. Trường hợp không xử lý thì biết mảnh vỡ nằm ở đâu trên cơ thể để lúc nào đó có vấn đề gì thì bản thân còn biết vì có thể gây nhiễm trùng”, bác sĩ Hải nói.
Ông cũng chia sẻ thêm, nếu mỗi người gặp vật thể lạ, chưa biết là gì thì nên tránh xa hoặc gọi cơ quan chức năng có chuyên môn tới kiểm tra.
Còn với bác sĩ Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I thì cho rằng, những người ở gần vụ nổ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ở 2 khía cạnh, trong đó nhiều nhất là áp lực và ô nhiễm.
“Áp suất vụ nổ có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, hệ hô hấp của những người ở gần trung tâm vụ nổ, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già và người mắc bệnh mạn tính. Do đó, người dân trong bán kính vụ nổ 1km nên đi khám sức khỏe để được đánh giá tình trạng sức khỏe và các bộ phận trong cơ thể, nhất là phổi”, bác sĩ Quế nhấn mạnh.
Báo cáo kết quả điều tra bước đầu
Trước đó, sáng 20/3, Công an TP Hà Nội đã có báo cáo kết quả điều tra ban đầu vụ nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trước cửa số nhà 15 - TT19, Khu đô thị Văn Phú.
Qua công tác khám nghiệm hiện trường, các lực lượng chức năng của Công an thành phố Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là vật liệu dùng để chế tạo bom...
Theo kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật Hình sự Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ là loại thường sử dụng để chế tạo bom mìn. Quá trình xác minh, cơ quan điều tra được biết, anh Phạm Văn Cường (41 tuổi, quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), thuê nhà số 15 - TT 19, Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi thu gom phế liệu các loại, anh Cường mang về nơi ở trọ cất giữ.
Trong đó có 1 khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen rỉ, xung quanh bám đất màu vàng. Đặc điểm của vật bằng sắt hình trụ có đường kính khoảng 40 - 45 cm, hai đầu bằng và có nhiều ốc nhỏ nhô ra xung quanh, ở giữa có 2 đai sắt hình vuông nhô ra và trên vật thể này có một số hình lạ mắt. Vật thể này có độ dài khoảng 80 cm, khối lượng ước khoảng trên 100 kg.
Theo quy luật, cứ vào khoảng 14 - 15 giờ hàng ngày, anh Cường mang các loại phế liệu ra vỉa hè trước cửa nhà thuê trọ để dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn. Đến 8h30’ ngày 19/3/2016, anh Cường nhờ một nam thanh niên hàng xóm lăn giúp khối kim loại ấy từ trong nhà thuê trọ ra vỉa hè trước cửa (nơi xảy ra vụ nổ). Quá trình anh Cường cắt phá khối kim loại này bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Thủy Nguyên
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất