Vụ chị ve chai nhặt đuợc 5 triệu Yên: Đợi thêm đến bao giờ?
Tin liên quan
"Vợ chồng tôi đã quá mệt mỏi"
Ngày 21/3/2014, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (SN 1979, làm nghề ve chai, tạm trú quận Tân Bình, Tp.HCM) mua được thùng loa cũ. Khi cùng chồng mở thùng loa ra để bán phế liệu, người phụ nữ này tá hỏa khi thấy phía trong có nhiều cọc tiền nước ngoài.
Biết sự việc, nhiều người đến xin, thậm chí gây áp lực ép vợ chồng chị Hồng phải đưa tiền cho họ. Sợ hãi, người phụ nữ này trình báo và giao nộp cho công an. Qua kiểm đếm, cơ quan chức năng xác định số tiền trong thùng loa gồm 5 triệu yên Nhật (khoảng 1 tỷ đồng). Công an quận Tân Bình là đơn vị giữ số tiền này và ra thông báo tìm chủ sở hữu.
Theo quy định tại Điều 239 Bộ luật dân sự, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ra thông báo, không tìm được ra chủ sở hữu thật sự thì số tiền sẽ được trao lại cho người tìm thấy.
Theo đó, ngày 28/4/2015 chị Hồng sẽ được nhận tiền, nhưng Công an quận Tân Bình có quyết định tạm hoãn. Lý do đơn vị này đưa ra là trước đó 1 ngày, bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ở huyện Hóc Môn) có đơn trình báo, cho rằng số tiền trong thùng loa là của chồng bà - ông Afolayan Caleb (người Nigeria).
Bà Ngọt nói, chồng mình từng có thời gian làm việc tại Nhật Bản. Sau đó, người đàn ông này chuyển về sinh sống tại huyện Hóc Môn (Tp.HCM).
Năm 2012, bà Ngọt dọn đến chung sống với người đàn ông ngoại quốc, trong nhà có sẵn bộ loa 3 chiếc của ông Caleb. Thời gian này, bà Ngọt thường nghe chồng phàn nàn là dành dụm được 6 triệu yên Nhật nhưng không nhớ để ở đâu?
Năm 2013, do mẹ bệnh nặng, ông Caleb về nước, đến nay chưa trở lại Việt Nam. Do không sử dụng bộ loa nên bà Ngọt cho anh họ là Phạm Đức Hòa (ở đường Hương lộ 2, quận Bình Tân), sau đó, phát hiện loa bị hỏng, ông Hòa bán lại cho một người ve chai.
Chị Hồng: "Vợ chồng tôi đã quá mệt mỏi".
Chiều 5/5, chị Hồng cùng luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM – người hỗ trợ pháp lý miễn phí) đến Công an quận Tân Bình yêu cầu nhận lại 5 triệu yên.
Sáng 12/5, Công an quận Tân Bình có văn bản trả lời yêu cầu của chị Hồng cùng luật sư. Theo đó, cơ quan này chưa giao tiền cho chị Hồng theo luật vì sự việc phát sinh tình tiết mới, cần có thời gian xác minh, làm rõ để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan. "Công an quận sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh và sẽ giải quyết trong thời gian sớm nhất", văn bản của công an quận cho biết.
Sau buổi làm việc, chị Hồng nói, có hỏi ngày nào giải quyết xong vụ án nhưng phía công an không nói rõ. “Vợ chồng tôi đã quá mệt mỏi, suốt một năm qua chúng tôi đã mong ngóng, hồi hộp rồi thất vọng. Nhiều lần đến làm việc nhưng công an không trả lời dứt khoát mà cứ nói chờ, chờ đến bao giờ nữa", người ve chai tỏ ra mệt mỏi.
Luật sư nói gì?
Còn luật sư Hà Hải cho biết, đã hết thời hạn 1 năm thì công an phải giao tiền cho chị Hồng. Bởi lẽ trong trường hợp này bà Ngọt không có tư cách pháp lý đòi lại tiền, nếu là tiền của ông Caleb thì ông này phải đích thân làm việc với công an. Hiện, ông Caleb không ở Việt Nam, bà Ngọt muốn đại diện cho chồng làm việc này thì phải có giấy kết hôn và giấy ủy quyền, cùng các chứng cứ chứng minh đó là tiền của chồng mình. Nhưng thời điểm hiện tại, bà Ngọt không đưa ra được bất kỳ giấy tờ hay chứng cứ nào, ngoài đơn tường trình nộp cho công an.
Chung ý kiến với luật sư Hải, luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư Tp.HCM) cho biết, theo quy định tại Điều 241 Bộ luật dân sự thì: "Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo, trả lại vật cho người đó hoặc giao nộp cho chính quyền, công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để thông báo tìm chủ sở hữu biết mà nhận lại".
"Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị dưới 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được. Nếu vật vượt quá 10 tháng lương tối thiểu thì người nhặt được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu cộng với 50% phần vượt quá, phần còn lại thuộc nhà nước”.
Trường hợp này, chị Hồng mua ve chai, vô tình phát hiện trong chiếc loa có tiền yên Nhật và giao nộp cho công an. Như vậy, chị Hồng đã thực hiện đầy đủ theo quy định pháp luật. Đã hết thời hạn 1 năm, nhưng chưa tìm ra chủ sở hữu hợp pháp thì công an nên giải quyết theo quy định như đã nêu ở trên.
Cùng chung quan điểm nên giao tiền cho chị Hồng, nhưng luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn luật sư Tp.HCM) lại có góc nhìn khác.
Luật sư Thi cho biết, phải xác định 5 triệu yên này là gì? Hầu hết các ý kiến đều nói đây là vật và áp dụng quy định với vật bị đánh rơi. Nhưng trong trường hợp này là tiền nên cần phải xử lý khác.
"Bộ luật dân sự quy định tiền là động sản. Vì thế trong trường hợp này nên áp dụng điều 247 Bộ luật dân sự: Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục trong 10 năm mới thành chủ sở hữu của tài sản đó.
Công an nên giao tiền cho chị Hồng, nhưng phải mở một tài sản phong tỏa ở ngân hàng, hết thời hạn nói trên mới được nhận", luật sư Thi nói.
Tân Thanh
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất