Video: Nước mắt người con bị trao nhầm ở nhà hộ sinh hơn 40 năm trước

Video: Nước mắt người con bị trao nhầm ở nhà hộ sinh hơn 40 năm trước

Thủy Nguyên 2016-03-10 06:53
- Người mẹ biết nhầm con mà vẫn phải giữ trong lòng để rồi âm thầm đi xét nghiệm ADN và tìm đứa con thất lạc. Còn đứa con sống hơn 40 năm bên cạnh vẫn canh cánh mong gặp lại gia đình thật sự.

Nỗi lòng mấy mươi năm

Từ thông tin được đăng tải trên facebook của bạn có nickname Nguyễn Linh với nội dung: “Tìm con gái bị trao nhầm tại nhà hộ sinh Ba Đình, Hà Nội”, chúng tôi tìm tới phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) để được nghe thực hư câu chuyện “trao nhầm con” cách đây 42 năm.

Chị Tạ Thị Thu Trang (SN 10/10/1974) – người con trong câu chuyện “trao nhầm” ấy vẫn đang tất bật với công việc buôn bán thường nhật. Chị Trang ngồi tâm sự với chúng tôi và kể những “cú sốc” mà mình vừa trải qua, cũng như tình yêu thương từ những người thân trong gia đình mà chị đã sống trong hơn 40 năm qua.

 

Chiều 10/10/2015, có lẽ đã trở thành buổi chiều định mệnh mà suốt cuộc đời, chị Trang không thể quên được. Chị nhớ lại: "Mẹ tôi là  bà Nguyễn Thị Mai Hạnh đã ôm lấy tôi mà khóc. Rồi mẹ bảo rằng, con biết không con không phải con của mẹ, mẹ không đùa đâu, đó là sự thật. Con không có lỗi và mẹ cũng không có lỗi, đây là duyên trời. Mẹ nói cho con biết vì giờ mẹ già rồi, mai kia mẹ có chết mẹ không ân hận. Lúc nào trong lòng mẹ cũng canh cánh. Mẹ có lỗi với 2 gia đình là gia đình bố mẹ đẻ của con và gia đình bên nhà chồng của mẹ. Mọi người nghĩ mẹ để thất lạc cháu của họ. Còn bên gia đình của con sẽ nghĩ mẹ để con lưu lạc thế này mà họ không hề biết được...”.

Mỗi lần nhắc lại chuyện đã qua, chị Trang đều khóc

Lấy lại bình tĩnh, chị Trang chia sẻ tiếp với chúng tôi. Từ ngày chị biết nhận thức mọi thứ xung quanh mình, chị đã được bố mẹ và các anh chị em yêu thương hết mực. Tình cảm ấy chị không hề chê trách gì, dù có lúc chị cũng nghe phong thanh tin chị bị “trao nhầm”, hay diện mạo bên ngoài của chị không giống mấy chị em trong gia đình.

Nhưng chính tình yêu thương mà gia đình dành cho đã khiến chị bỏ tất cả ngoài tai. “Suốt bao nhiêu năm qua mẹ đã âm thầm 1 mình đi tìm con của mẹ và tìm lại gia đình cho tôi. Mẹ không muốn nói cho tôi biết vì nói ra, mẹ sợ không tìm được con ruột của mẹ và lại mất cả đứa con hiện tại là tôi. Trước phút lâm chung, bố cũng dặn mẹ không được nói cho tôi biết điều ấy nhưng rồi những trăn trở, day dứt trong lòng đã khiến mẹ đi tới quyết định nói ra tất cả", chị Trang cho hay.

Nói về vấn đề kiểm tra ADN, chị Trang nói: “Tôi sợ đối diện sự thật. Tôi luôn tự dối lòng mình rằng, những gì mẹ nói là không đúng, dù tôi biết cuối cùng sự thật vẫn là sự thật”.

Hơn 40 tuổi nhưng chị Trang vẫn được bà Mai Hạnh quan tâm, lo lắng như lúc chưa xây dựng gia đình. Bởi lẽ, với người mẹ tóc đã nhuốm màu sương ấy, tới bây giờ, chị vẫn chưa rời khỏi vòng tay của bà. Những lúc ốm đau, người bà nghĩ tới đầu tiên cũng là chị Trang.

Sau khi biết sự thật thân phận của mình, với chị Trang, dù luôn coi bà Hạnh là mẹ nhưng chị vẫn khát khao biết người mẹ thực sự là ai.

“Tôi mong mỏi qua truyền thông, người con gái cùng ngày sinh với tôi nhưng cùng huyết thống với mẹ tôi khi đọc những tâm sự này sẽ tìm được về cội nguồn. Dù họ là ai tôi cũng muốn sớm được gặp họ hàng, gặp lại những người thân yêu ruột thịt của mình. Họ không có lỗi và có lẽ cũng không biết con của mình đang bị lưu lạc”, chị Trang trải lòng.

Người mẹ già tìm con

Nói rồi, chị Trang kết nối điện thoại để chúng tôi được nói chuyện với bà Mai Hạnh đang đi du lịch ở Anh quốc.

Mặc dù, ở Anh, vào thời điểm đó mới 4 rưỡi sáng nhưng khi nhận được điện thoại con gái gọi sang, bà tỉnh giấc và trò chuyện như đang ở Việt Nam.  

Video Nước mắt người con bị trao nhầm ở nhà hộ sinh hơn 40 năm trước

Chị Trang (hàng thứ 2, ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình khi còn nhỏ

Qua câu chuyện của bà, chúng tôi được biết, ngày 10/10/1974 bà sinh con gái ở Nhà hộ sinh Ba Đình (địa chỉ ngõ Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội nay chuyển địa chỉ là Nhà hộ sinh 12 Lê Trực, Ba Đình).

“Các bé sinh ra được đánh số vào chân cùng 1 số với mẹ. Tôi được đánh là số 33 nhưng khi nhận con tôi lần đầu thì lại là cháu 32. Lúc đó tôi và gia đình cũng biết là nhận nhầm con và có đi tìm nhưng không thấy.

Các y tá, bác sĩ nói, do lúc đi tắm bị mờ số nên nhận nhầm. Do vậy tôi rất mong gia đình nào có con gái sinh tại thời điểm trên hoặc nhận con gái số 33 của tôi thì vui lòng liên hệ với tôi. Rất mong được gặp lại con gái do mình mang nặng sinh ra”, bà Hạnh trải lòng.

42 năm trôi qua nhưng chưa 1 lần bà nhìn thấy mặt con gái ruột. Nỗi niềm ấy, bà vẫn mang theo bên mình, mang theo trong cả những chuyến âm thầm đi xét nghiệm ADN giữa bà và chị Trang, cũng như những lần đi “gõ cửa” cơ quan chức năng nhờ tìm con giúp.

20 năm trước bà đã đi thử ADN và cách đây 5 tháng bà làm lại điều đó. “Nhận kết quả Trang không phải con tôi, tôi đau đớn lắm. Tôi không nói với ai và âm thầm tìm con nhưng không biết kênh nào để tìm.  Nhưng tôi không kiện ai, không trách ai, chỉ muốn xin danh sách những bé sinh cùng đợt với Trang để mong tìm lại con của tôi cũng như bố mẹ đẻ cho Trang", bà Mai Hạnh nói thêm.

 

 

Liên quan tới vụ trao nhầm con tại nhà hộ sinh quận Ba Đình 42 năm trước, ông Nguyễn Việt Cường, Trung tâm y tế quận Ba Đình cho biết đã tiếp nhận đơn thư của bà Nguyễn Mai Hạnh (Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) phản ánh về việc trao nhầm con vào năm 1974 và mong muốn của người mẹ này muốn tìm lại đứa trẻ thất lạc ấy. Đồng thời, Trung tâm cũng có biên bản gửi Sở Y tế Hà Nội và trả lời cho gia đình bà Mai Hạnh.
Sau khi nhận được tin của bà Mai Hạnh, Trung tâm Y tế quận Ba Đình đã chỉ đạo Nhà hộ sinh, Phòng Kế hoạch – nghiệp vụ và các khoa phòng chức năng của Trung tâm Y tế rà soát, lục tìm lại toàn bộ hồ sơ lưu tại đơn vị, tìm và trao đổi với những cán bộ lâu năm công tác tại Nhà hộ sinh giai đoạn 1974 – 1975.
Tuy nhiên, do Nhà hộ sinh đã chuyển sang địa điểm mới và thời gian quá lâu nên không thể tìm được bất cứ thông tin nào liên quan đến trường hợp của bà Mai Hạnh.
Hiện tại, thông tin về những em bé sinh cùng thời điểm với chị Trang vẫn là con số “bí ẩn”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hữu Tiệp, Giám đốc Trung tâm y tế quận Ba Đình cho hay: Chính những khó khăn nêu trên nên đến nay chưa thể tìm được manh mối nào để gỡ những vướng mắc của sự việc này.
Theo ông Phạm Hữu Tiệp, Trung tâm y tế quận Ba Đình vẫn tiếp tục tìm kiếm, nhờ những người đã làm và đang làm trong ngành y cùng giúp đỡ, có những thông tin liên quan đến trường hợp này sẽ ngay lập tức thông tin cho gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh được biết.

 

 

Thủy Nguyên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Thanh Hằng 'nghiện' dùng mũ và phụ kiện tóc, phối kiểu gì cũng sành điệu hết nấc

Đọc nhiều nhất