Thời hoàng kim đã xa của nghề chụp ảnh dạo

Thời hoàng kim đã xa của nghề chụp ảnh dạo

2015-11-05 07:31
- Khi khách tham quan du lịch vẫn say sưa chụp các kiểu ảnh bằng những chiếc điện thoại cảm ứng hiện đại thì những người thợ chụp ảnh dạo chỉ biết ngồi đọc báo để giết thời gian.
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, nghề chụp ảnh dạo được xem là một trong những nghề danh giá và “hái” ra tiền. Vào thời đó, một người chụp ảnh dạo ở các công viên hoặc trên đường phố ở Tp.HCM có thể nuôi sống cả một gia đình mà không cần phải làm thêm bất kỳ công việc gì.
Với cuộc sống bề bộn lo toan, một chiếc máy ảnh lúc bấy giờ có thể là cả gia tài của người thợ chụp ảnh. Vì vậy, để có đủ điều kiện hành nghề nhiếp ảnh không phải là chuyện đơn giản. 
Tuy nhiên, cái thời “hoàng kim” của những người thợ nhiếp ảnh đường phố ấy cũng nhanh chóng đi qua và chẳng kéo dài được bao lâu. Tên tuổi của họ dần bị lãng quên theo thời gian và lụi tàn vào trong dĩ vãng. Giờ đây, mỗi khi nhắc đến hình ảnh của người thợ chụp ảnh dạo đường phố, dường như chỉ còn trong miền ký ức của nhiều người. Khi những chiếc điện thoại smartphone ra đời có thể chụp hình mọi lúc, mọi nơi trong mọi thời điểm, thì nhiều người không còn mặn mà với việc thuê chụp ảnh.
Thời hoàng kim đã xa của nghề chụp ảnh dạo

Ông Thắng buồn bã khi nói về những khó khăn của thợ chụp ảnh dạo hiện nay.

Lang thang trong Thảo Cầm Viên (quận 1, TP.HCM), chúng tôi vô tình bắt gặp một đôi mắt đượm buồn của ông Chu Hoàng Thắng (80 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đang ngồi trên một chiếc ghế đá mòn mỏi đợi khách. Có thể nói, ông Thắng là một trong những “cây cổ thụ” của làng chụp ảnh dạo ở đây. Ông tập tành bước vào nghề năm 15 tuổi.
Khi ước mơ mở một studio chụp hình đã không thể thực hiện được, ông Thắng phải lao đao kiếm sống bằng nghề chụp ảnh dạo ở khắp các công viên thành phố. Ông Thắng nhớ lại thời “vàng son” của mình trong sự hồ hởi: “Vào những năm 1985 - 1995 nghề chụp hình dạo cũng khá lắm, một người chụp hình có thể nuôi sống cả một gia đình. Giá mỗi tấm hình thời đó là 30.000 đồng/tấm ảnh. Có ngày tôi chụp vài trăm tấm, thu nhập cả triệu đồng là chuyện bình thường".
Sự "lên ngôi" của công nghệ smartphone
Với dáng người lọm khọm của một ông lão tuổi đã ngoài bát tuần, mái tóc phai màu vì vết “bụi” của thời gian, ông Thắng vẫn bước đi mệt nhoài giữa một công viên rộng lớn. Dòng người vẫn cứ lạnh lùng trước sự mời gọi của một ông lão chụp hình. Họ vô tư cười nói và chụp ảnh bằng những chiếc điện thoại smartphone hiện đại.
Nói về nghề nghiệp của mình nhiều năm trở lại đây, ông Thắng cho biết: “Thời đại hiện nay, máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại cảm ứng nhan nhản ai cũng có, nên có mấy người thuê mình chụp hình đâu. Có ngày tôi chụp được 100 ngàn nhưng có ngày không chụp được kiểu nào. Trong khi đó, giá chụp hình đã giảm xuống chỉ còn một nửa so với trước đây”.
Ông Thắng mỉm cười nói thêm: “Nhiều khi mỏi gối chùn chân cũng muốn từ bỏ nghề, đi xin cái gì đó để làm, nhưng giờ mình già rồi còn ai nhận nữa đâu. Cho nên, nhiều lúc phó mặc cho số phận, làm được đồng nào phụ cho con cái tiền mắm muối thì phụ chứ tuổi già ở nhà hoài cũng chán”.
Là một người đồng nghiệp với ông Thắng trong nghề chụp ảnh dạo ở Thảo Cầm Viên, ông Lê Quốc Bình (ngụ quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Tôi làm cái nghề này cũng hơn 30 năm rồi, trước đây chụp ở công viên Tao Đàn, Dinh Độc Lập và sau đó là về Thảo Cầm Viên. Từ sáng đến giờ tôi chưa chụp được tấm ảnh nào, khách trước đây đã ít nhưng giờ càng ít hơn. Trong khi đó, thợ chụp hình còn nhiều hơn cả khách. Cái nghề này cũng bạc bẽo lắm, làm cũng phải theo thời vụ nữa. Trước đây, sở thú Thảo Cầm Viên có hơn 150 thợ chụp ảnh, nhưng giờ bỏ nghề hết chỉ còn có hơn 40 người".
Rời khỏi sở thú Thảo Cầm Viên, phóng viên chạy dọc theo công viên Tao Đàn (quận 1, TP. HCM) để tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống của những người lưu lại “kỷ niệm” cho đời. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh Trần Tuấn Huy (27 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) là một nhiếp ảnh trẻ mới vào nghề, anh Huy cho biết: “Tôi vừa tốt nghiệp đại học nhưng vẫn chưa xin việc được, thấy nhiều người chụp ảnh dạo cũng có thu nhập nên tôi cũng đi học một lớp chụp ảnh rồi ra hành nghề. Tuy nhiên, khi vào nghề rồi mới biết nó không dễ như mình nghĩ. Có nhiều khi cả tuần tôi cũng không chụp được tấm nào. Trong khi đó, tôi sắm dụng cụ chụp ảnh hết gần 30 triệu đồng. Do đó, tình hình trạng ế ẩm này vẫn tiếp tục kéo dài thì chẳng mấy chốc phải bán lại máy ảnh rồi tìm nghề gì đó mưu sinh”.
Tình trạng ế ẩm của nghề chụp ảnh dạo không chỉ diễn ra với những người thợ như nói trên. Sau vài ngày khảo sát tại các khu vui chơi như: Suối Tiên, Đầm Sen, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập… chúng tôi mới biết cuộc sống của những người thợ chụp ảnh dạo ngày càng khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (thợ chụp ảnh dạo tại khu du lịch Suối Tiên) cho hay: “So với trước đây, số lượng của những người thợ chụp ảnh dạo gần như đã vắng đi rất nhiều. Vì thu nhập ngày càng ít ỏi nên có nhiều người phải bỏ nghề chụp ảnh dạo đi chạy xe ôm, làm bảo vệ… kiếm tiền. Nghề chụp ảnh dạo trước đây “huy hoàng” bao nhiêu thì bây giờ càng tàn lụi bấy nhiêu”.
Sự bùng nổ của công nghệ smartphone hay máy ảnh kỹ thuật số giá rẻ đã làm cho cuộc sống của nhiều thợ chụp ảnh dạo trở nên điêu đứng. Những người khách du lịch, tham quan dần trở nên hững hờ với sự tồn tại của những nhiếp ảnh gia đường phố. Thế nhưng, vì lòng yêu nghề nên nhiều người vẫn cố gắng bám trụ dù dòng đời nghiệt ngã vẫn trôi. Một vài năm nữa, khi không còn ai cần đến những tấm hình chụp, nghề chụp ảnh dạo có lẽ cũng sẽ biến mất khỏi thị trường nghề nghiệp sau một thời gian vang bóng.
Phạm Thị 
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Điểm danh 6 món chè thanh mát mùa hè mẹ đảm không thể bỏ qua

Đọc nhiều nhất