Mẹ rao bán tạng lấy tiền chữa bệnh cho con: 'Tôi rất cùng quẫn'
Tin liên quan
Hai ngày nay, cư dân mạng xôn xao trước status của một người mẹ tên Trần Thị Hoa (quê Bình Thuận) có con mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Theo đó, người mẹ này mong mọi người chia sẻ, để có đủ tiền chữa bệnh cho con, chị xin bán bất kỳ bộ phận nội tạng nào trên cơ thể mình.
Gặp chị Hoa tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, được biết cháu Trương Hoàng Phúc (con trai của chị) bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh.
Trong 7 năm qua, cháu Phúc phải gắn bó với giường bệnh, thường xuyên truyền máu. Tìm hiểu thông tin cấy ghép tế bào gốc có thể chữa khỏi bệnh này nên ngày 28/06/2016 chị Hoa quyết định chuyển con từ TP HCM ra Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội) để tiếp tục điều trị.
Sau 3 tháng điều trị tại đây, kinh tế của chị Hoa khánh kiệt. Trong lúc cùng quẫn trí, chị đã đăng tin rao bán nội tạng trên trang Facebook cá nhân. Việc này ngay lập tức thu hút mọi người. Nhiều người cho rằng nội tạng người không phải là thứ có thể đem ra mua bán. Cho nên, status của chị Hoa vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều.
Có người lên án chị dù cùng quẫn cũng không nên như vậy. Có người nói chị cố ý gây sốc tạo chú ý cho mọi người. Tuy nhiên, có nói chuyện với chị mới thấu hiểu hết nỗi lòng của người mẹ đơn thân này.
Chị Hoa tâm sự: “Nhiều người nói tôi nói dối để kiếm tiền, thậm chí có người còn gọi điện thẳng cho tôi mắng một trận té tát... Nhưng họ đâu có hiểu rằng, nếu không vì hoàn cảnh cùng cực, tôi đâu phải đăng tin như vậy”.
Khi phóng viên hỏi chị có biết việc rao bán nội tạng trên Facebook như vậy là vi phạm pháp luật hay không, chị chia sẻ: “Tôi tìm hiểu thì được biết ghép tế bào gốc chi phí khoảng 600 triệu, tôi rất cùng quẫn. Số tiền lớn như vậy, tôi biết lấy đâu ra? Trước khi con nhập viện, tôi chỉ buôn bán nhỏ lẻ, số tiền kiếm được cũng chỉ đủ hai mẹ con trang trải cuộc sống thường ngày. Cái gì bán được tôi cũng đã bán hết rồi, nên dù có phải bán nội tạng để chữa bệnh cho con, tôi cũng cam lòng”.
Được biết từ tháng 6 đến nay, ngoài chi phí đi lại, viện phí cùng sinh hoạt phí của hai mẹ con đã lên tới gần 100 triệu đồng. Chị Hoa vốn là mẹ đơn thân, một mình nuôi con 7 năm qua. Gia cảnh nhà ngoại cũng không lấy làm khá giả, ở quê còn có mẹ già. Chị gái chị Hoa cũng chỉ hỗ trợ được bằng việc ngày ngày chăm nom bé Phúc để chị ra cổng viện Bạch Mai bán trà đá kiếm đồng ra đồng vào.
Hai mẹ con chị Hoa ở viện Huyết học và Truyền máu Trung ương
Hiện tại, để có tiền đóng viện phí cho con, chị Hoa vẫn phải đi bán trà đá tại cổng Bệnh viện Bạch Mai. Với số tiền ít ỏi kiếm được, chị chưa biết phải xoay sở như thế nào trong những tháng tiếp theo.
Trao đổi với phóng viên Emdep.vn, đại diện phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương (Hà Nội) cho biết: "Trường hợp của cháu Phúc phải điều trị liên tục nhưng hiện tại về quyết định ghép tế bào gốc thì bệnh viện vẫn chưa có chỉ định chính thức từ bác sĩ. Cháu Phúc đang trong thời gian theo dõi và sau khi các bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe, hội chẩn mới đưa ra được kết luận và hướng điều trị tiếp theo".
Khi biết về hoàn cảnh của chị Hoa, phòng Công tác xã hội (Viện Huyết học & Truyền máu trung ương) đã kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ cháu Phúc và gia đình.
Rao bán nội tạng có phạm luật?
Luật sư Tuấn Anh (Văn phòng luật Minh Bạch) chia sẻ với Emdep.vn: "Trước hết, qua câu chuyện này, là người làm cha làm mẹ, chúng tôi cũng hiểu và cảm thông với việc làm của người mẹ trẻ. Trong hoàn cảnh túng quẫn, khó khăn, không có tiền để chữa bệnh cho con thì cha mẹ có thể làm bất cứ việc gì để cứu sống tính mạng của con mình. Tình thương của cha mẹ với con cái là vô bờ bến. Tuy nhiên tình thương nào cũng cần phải được đặt trong giới hạn của quy định của pháp luật".
Theo Luật sư Tuấn Anh, pháp luật Việt Nam hiện hành, đã có “LUẬT HIẾN, LẤY, GHÉP MÔ, BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI VÀ HIẾN, LẤY XÁC 2006” quy định về vấn đề này.
Theo đó tại Khoản 3 Điều 4 Luật này quy định về các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là “ Không vì mục đích thương mại”.
Ngoài theo quy định tại Điều 11 Luật này về các hành vi bị nghiêm cấm:
“….
Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.
Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại
…..”
Lý giải về quy định này, luật sư Tuấn Anh phân tích, pháp luật quy định như vậy bởi lẽ, việc hiến tặng nội tạng là mang ý nghĩa thể hiện tinh thần nhân đạo. Khi thương mại hóa vấn đề này, biến việc hiến bộ phận cơ thể con người thành món hàng hoá có thể mua đi, bán lại dễ dàng thuộc phạm trù văn hoá, pháp luật không cho phép
"Như vậy có thể thấy “hành vi rao bán nội tạng của người mẹ” là trái với quy định của pháp luật", luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.
Thùy Trịnh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất