3 giờ chiều chủ nhật, chúng tôi có mặt ở giữa sân của bệnh viện ung thư Đà Nẵng, đúng lúc chương trình vừa diễn ra. Sau lời mời của người dẫn chương trình, các bệnh nhân đã tập trung ngồi kín các dãy ghế. Nhiều bệnh nhân lớn tuổi hay sức khỏe yếu thì được các tình nguyện viên vào tận phòng để đẩy xe lăn, hoặc cõng ra sân.
Với sân khấu dã chiến được dựng giữa trời, dàn nhạc “cây nhà lá vườn” và những “nghệ sỹ” chính là các bệnh nhân mắc bệnh ung thư, sinh viên, những doanh nhân hay thậm chí là cả lãnh đạo của các quận, huyện, thành phố. Cứ mỗi lần được tổ chức, chương trình lại mang đến rất nhiều niềm vui, nụ cười cho người xem.
Hàng trăm tình nguyện viên và bệnh nhân ung thư tạo thành một vòng tròn và cùng nhau hát vang những ca khúc rất ý nghĩa. (Ảnh: Khương Mỹ)
Trung bình, mỗi chương trình có khoảng 50 đến 70 bệnh nhân tham gia; có lúc bệnh nhân tham gia đông đến mức không đủ chỗ để ngồi, phải đứng trên các bậc thang để theo dõi. Các bệnh nhân ngồi trên ghế còn hàng trăm sinh viên và doanh nhân ngồi bệt dưới đất tạo thành một vòng tròn, cùng nhau mở màn bằng ca khúc tập thể “Nối vòng tay lớn”, “Niềm tin chiến thắng”…
Sau màn dạo đầu, ông Nguyễn Trọng Minh (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) xung phong lên góp vui bài “Chân quê”. Những tiếng hát tuy yếu ớt nhưng tiếng vỗ tay rộn vang khắp khuôn viên bệnh viện giữa ngày nắng nóng như tiếp thêm niềm tin cho ông lão mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối này.
Bệnh nhân Nguyễn Trọng Minh hát tặng vợ mình bài “Chân quê” (Ảnh: Khương Mỹ)
Kết thúc bài hát, ông Minh cười tươi rồi liếc mắt nhìn về phía vợ mình và nói to: “Hồi trước bà nhà tôi mê tôi như điếu đổ cũng nhờ bài hát này đó”, câu nói hóm hỉnh của ông Minh khiến mọi người phải bật cười và vỗ tay tán thưởng. Đứng bên ngoài vòng tròn, bà Trần Thị Ngọc Liễu (vợ ông Minh) chỉ biết đứng chôn chân một chỗ mà khóc vì quá đỗi xúc động.
“Chồng tôi bị ung thư gan giai đoạn cuối rồi, số ngày sống cũng chẳng còn bao lâu nữa. Bình thường ổng đi còn không nổi nhưng hôm nay thấy đông vui nên ổng mới ráng lên sân khấu để hát tặng mọi người đó. Trước giờ ổng mê văn nghệ lắm, đã lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe ổng hát và được nhìn thấy nụ cười của chồng”, bà Liễu xúc động chia sẻ.
“Tôi đã nhìn thấy lại nụ cười của chồng”, bà Liễu, vợ bệnh nhân Nguyễn Trọng Minh, chia sẻ (Ảnh: Khương Mỹ)
Sau tiết mục của ông Minh, dù đang ngồi xe lăn nhưng ông Phạm Đức Kiên (69 tuổi, trú huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) vẫn “năn nỉ” vợ dìu mình ra sân khấu để hát tặng mọi người một bản nhạc. Trước khi cất tiếng hát, đôi tay ông Kiên run run cầm micro tâm sự: “Tôi bị ung thư phổi giai đoạn cuối, nhập viện gần 1 tháng nay rồi. Tôi biết bây giờ mình và một số bệnh nhân ở đây không còn sống được bao lâu nữa… Cảm ơn các cháu tình nguyện viên đã tổ chức một chương trình rất ý nghĩa để những bệnh nhân như chúng tôi nhận ra rằng cuộc sống này thật đẹp và ý nghĩa vô cùng, còn sống trên đời được ngày nào thì phải tươi vui ngày ấy”. Nói rồi, ông cất lời hát bài “Đám cưới đầu xuân” với nét mặt đầy lạc quan trong tiếng vỗ tay không ngớt của tất cả mọi người.
Cứ thế, chiều hôm ấy, lần lượt hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác thay phiên nhau lên hát trong niềm hân hoan. Có những bệnh nhân chân tay vẫn còn đang cắm ven truyền dịch, có người đầu đã rụng hết tóc vì những lần xạ trị nhưng họ vẫn vỗ tay cổ vũ nhiệt tình cho các “ca sĩ nghiệp dư” của chương trình. Các tiết mục văn nghệ tuy đơn giản nhưng đã thổi vào lòng người bệnh sự lạc quan, niềm tin để sống tiếp. Kết thúc chương trình, các tình nguyện viên còn đến tận giường để an ủi, động viên, tiếp thêm nghị lực cho những bệnh nhân đang ngày đêm chiến đấu với tử thần để giành giật sự sống.
Dù sức khỏe vẫn còn rất yếu vì mới phẫu thuật, nhưng ông Kiên vẫn cố gắng hát tặng các bệnh nhân ung thư (Ảnh: Khương Mỹ)
Anh Hồ Dương Đông, giảng viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, thành viên Ban tổ chức chương trình, cho biết, đây là chương trình được phát động sau dự án “Một bức tranh – Nhiều hy vọng” do nhóm giảng viên và sinh viên khoa Quản lý dự án, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng thực hiện, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
“Nhiều tiết mục tuy không được dàn dựng công phu nhưng điều quan trọng nhất là tạo được không khí gần gũi và vui tươi với người bệnh. Chúng tôi hi vọng sẽ mang lại sự lạc quan cho các bệnh nhân trên hành trình chống lại bệnh hiểm nghèo…”, anh Đông chia sẻ.
Những em nhỏ mắc bệnh ung thư được nhận quà từ các bạn sinh viên.(Ảnh: Khương Mỹ)
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Trịnh Lương Trân, Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng cho biết: “Đối với người bệnh, nhất là những người đang điều trị ở giai đoạn cuối thì liều thuốc tinh thần là rất quan trọng. Bệnh viện hy vọng sẽ tiếp tục nhận được những hoạt động bổ ích như vậy ngày càng nhiều để mang đến cho các bệnh nhân một tâm lý thoải mái, thái độ sống tích cực, lạc quan hơn”.
Bài, ảnh: Khương Mỹ
(Theo Congluan)
Cô đơn chính là nỗi sợ hãi lớn nhất của 4 con giáp này