Kích hoạt bán cầu não: 'Phụ huynh đang biến con thành... chuột bạch'? (3)

Kích hoạt bán cầu não: 'Phụ huynh đang biến con thành... chuột bạch'? (3)

2016-12-03 06:29
- Mỗi lứa tuổi đều có một vùng phát triển năng lực và nền tảng khác nhau, cho nên không thể áp dụng cùng một quy trình giáo dục tài năng cho mọi lứa tuổi của trẻ.

Những thông tin về lớp học kích bán cầu não vẫn đang rất được các bậc phụ huynh chú ý trong thời gian vừa qua. Câu chuyện về hiệu quả thực sự của phương pháp kích hoạt này vẫn đang gây nhiều tranh cãi và nghi ngờ về cả mặt chuyên môn lẫn độ an toàn cho trẻ khi tham gia học.

Không thể áp dụng cùng một quy trình cho mọi lứa tuổi

Trước những thông tin về lớp học kích hoạt bán cầu não, TS. Tâm lý học, Chuyên gia giáo dục - Lê Thị Phương Hoa, cho biết: “Hiện nay, theo tôi được biết, chưa có một công trình nào trên thế giới nghiên cứu một cách rõ ràng về phương pháp kích hoạt bán cầu não. Phương pháp này cho đến nay chưa được thẩm định về mặt chuyên môn nên chưa thể khẳng định hiệu quả như lời của các trung tâm quảng cáo. Điều này vô hình chung chúng ta đang mang con ra để làm chuột bạch cho một loại thuốc chưa được thẩm định”.

TS. Phương Hoa đặt câu hỏi, mỗi bên bán cầu não phụ trách các chức năng khác nhau nhưng liệu có đảm bảo các tổ chức hoạt động cho trẻ để kích hoạt não bộ được thực hiện một cách phù hợp? Và đưa ra ví dụ, việc cho trẻ hoạt động không phù hợp như việc yêu cầu trẻ nhỏ bịt mắt đoán màu, nếu không cẩn thận sẽ khiến trẻ bị căng thẳng, tìm cách làm bừa và gây hoang mang tâm lý.

Không thể áp dụng cùng một quy trình kích hoạt não cho mọi lứa tuổi của trẻ

Không thể áp dụng cùng một phương pháp giáo dục tài năng cho mọi lứa tuổi của trẻ, cần phụ thuộc vào đặc điểm sinh lý, khí chất, khả năng và nhân cách của trẻ.

Trước thông tin cho rằng, phương pháp kích hoạt bán cầu não chỉ áp dụng hiệu quả đối với trẻ có độ tuổi từ 5 đến 12 tuổi, TS. Phương Hoa nhận định: “Ở mỗi một lứa tuổi luôn có một vùng phát triển gần nhất. Vùng phát triển gần nhất là vùng năng lực mà đứa trẻ đạt được dựa trên những nền tảng hiện tại. Như vậy, những chương trình giáo dục tài năng không thể cùng một quy trình cho mọi trẻ với những nền tảng khác nhau được, mà cần phải cá nhân hóa dựa theo đặc điểm khí chất, nhân cách của từng người. Sự phát triển của trẻ phải theo đúng quy luật lứa tuổi, không thể đốt cháy và không thể đi ngược lại”.

Điều khiến TS. Phương Hoa băn khoăn là đặt giả sử phương pháp kích hoạt bán cầu não có hiệu quả thì những người dạy phương pháp này có hiểu về tâm lý của từng lứa tuổi để tổ chức các hoạt động khác nhau cho phù hợp không?

Chưa kể mỗi đứa trẻ có một cá tính khác nhau, khí chất khác nhau, việc trẻ học như thế nào cho hiệu quả cần phải dựa trên đặc điểm riêng của trẻ.

Nắm bắt đặc điểm độ tuổi để giáo dục an toàn

"Có rất nhiều cách để giáo dục con được tốt hơn thay vì đưa con đi học kích hoạt bán cầu não. Có thể tùy theo từng lứa tuổi để có phương pháp giúp con phát triển cả về ý thức, tư duy lẫn tình cảm. Ở lứa tuổi từ 5 - 6 tuổi, trẻ dành thời gian chơi là chính và những thứ ảnh hưởng đến trẻ là hình ảnh của cô giáo, các quan hệ xã hội mà trẻ được học qua các trò chơi.

Từ 7 đến 9 tuổi, trẻ bắt đầu tập quen với trường lớp và hình thành ý thức kỷ luật ở trường. Trẻ cũng bắt đầu nhận thức được tâm lý chủ quan của bản thân nhưng không kiểm soát được cảm xúc của bản thân và những người xung quanh", TS Phương Hoa nói.

TS Phương Hoa cho biết thêm, tâm lý trẻ rất khó ổn định, lúc phấn khích, khi chán chường và bất cần. Đặc biệt khi bị người khác chỉ trích hay phê bình. Bởi vậy, trẻ thường cảm thấy thiếu thốn tình cảm và không hạnh phúc khi không được quan tâm đúng mức.

kích hoạt bán cầu não

Không thiếu cách giáo dục giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần thay vì đi học kích hoạt bán cầu não.

Ở độ tuổi từ 10 đến 11 tuổi, trẻ bắt đầu có những bộc lộ về cá tính và sở thích riêng cũng như bắt đầu biết quan tâm tới các vấn đề xã hội xung quanh mình. Trẻ dần có những biểu hiện của người lớn và cảm thấy giữa mình và bố mẹ có những khác biệt.

Trẻ có thể nói dối bố mẹ một số điều, không phải vì trẻ hư hỏng mà vì trẻ không muốn dựa dẫm vào bố mẹ nữa. Nếu các bậc phụ huynh tâm sự với trẻ như một người bạn có thể giúp trẻ mở lòng hơn.

“Thay vì bịt bắt đoán màu, hãy tổ chức cho trẻ nhiều hoạt động học tập năng động khác. Đơn giản như việc cho trẻ nhận diện màu sắc gắn liền với những loại hoa bằng đôi mắt mở to. Cách này có thể giúp trẻ có môi trường học tập thoải mái, hình thành cho trẻ bài học về tình yêu thiên nhiên. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển tư duy trực quan của trẻ” – TS. Phương Hoa kết luận.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Gửi người từng phản bội: Chỉ một lần quay đi, anh mãi mãi chẳng có đường quay trở lại!

Đọc nhiều nhất