Hé lộ quá trình trồng cây cho quả tiền triệu dịp Tết
Tin liên quan
Theo anh Tạ Văn Phúc – chủ tịch hội Sản xuất và kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở, hiện tại xã có khoảng 300 – 350 hộ dân trồng cây phật thủ trên tổng diện tích 300 ha. Ban đầu người dân chỉ trồng trên đất nông nghiệp địa phương, nhưng vì diện tích đất không đủ đáp ứng nên mấy năm trở lại đây, người dân phải thuê thêm đất ở xã Yên Sở để mở rộng mô hình. Cũng theo anh Phúc, với tổng diện tích trồng giống cây này, xã Đắc Sở đang là địa phương trồng phật thủ lớn nhất cả nước, hàng năm cung cấp một lượng lớn sản phẩm đến các tỉnh từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An đến TT Huế, Quảng Nam, Tp.HCM.
Nhờ các biện pháp vun trồng hợp lý cộng với sức mua lớn mà nhiều hộ gia đình ở xã đã xây được nhà cửa khang trang, đời sống được cải thiện rõ rệt. Năm 2014, UBND xã Đắc Sở đã làm hồ sơ gửi Cục sở hữu trí tuệ để đăng kí thương hiệu đối với “phật thủ Đắc Sở”.
Trăm ngàn khó khăn
Anh Tạ Văn Phúc ví trồng giống cây này cũng giống như “chơi những canh bạc lớn với trời, được thì được to, mất thì mất nặng”. Bằng chứng là bên cạnh những hộ gia đình thu về hàng tỷ đồng mỗi năm cũng có những hộ phải bán nhà, bán đất để trả nợ chỉ vì phật thủ.
Cũng như nhiều người dân khác, vợ chồng anh Dương, chị Mai đang tất bật cho mùa thu hoạch phật thủ sắp tới. Anh chị cho biết, năm nay phật thủ không cho năng suất cao như mọi năm nhưng nhìn chung vẫn thu được lợi nhuận tương đối ổn định.
Chia sẻ về những khó khăn khi trồng phật thủ, anh Dương cho biết thứ mà dân trồng phật thủ sợ nhất là thời tiết: “Mùa nuôi cây thì cần mưa nhưng lại không được để trũng quá, cây luôn cần ẩm nhưng lại không được để ướt là điều khó nhất, đến mùa nuôi quả thì cần thời tiết nồm, trời nóng quá hoặc rét quá đều không thuận lợi cho phật thủ phát triển”.
Thông thường, mùa phật thủ ra hoa nhiều nhất trong năm là tháng 2 Âm lịch, nhưng vì điều kiện khí hậu không ổn định cũng như để đáp ứng kịp nhu cầu ngày tết thì người trồng cây phải “ép” cây ra hoa vào độ tháng 6, tháng 7. Để cây cho hoa, cho quả đúng mùa đòi hỏi người trồng phải có kĩ thuật cao, phải biết sử dụng đúng thuốc, tiện đốt ở gốc cây đúng thời điểm. Tuy nhiên, việc “ép” như thế cũng rất hại cây, nhiều cây chết hoặc không thể cho quả được nữa.
Anh Dương cũng cho biết thêm, một khó khăn nữa đối với mọi hộ dân là vấn đề kinh tế. Anh nói: “Nhà tôi trồng 7 mẫu phật thủ, một mẫu mất khoảng hơn 100 triệu tiền vốn bao gồm cả tiền thuê đất, giống cây trồng, thuốc, phân, đạm,…Nếu thuận lợi thì cũng phải đến năm thứ 2 mới bắt đầu có lãi, còn nếu không thuận lợi thì vỡ nợ”.
Gia đình anh Hùng trồng phật thủ năm nay là năm thứ 2, khi hỏi về những vấp váp trong vụ mùa đầu tiên, anh cho biết vấp váp chủ yếu xuất phát từ kĩ thuật chăm sóc. Vụ mùa đầu tiên, vườn phật thủ nhà anh xuất hiện nhiều cây bị thối rễ, lá héo và rụng hàng loạt, nếu thối rễ nhẹ có thể dùng thuốc để chữa cho cây, nếu nặng phải thay cây đó bằng cây mới, tổn thất trong vụ đầu tiên là không hề nhỏ.
Phật thủ chỉ sống được 4-5 năm trên một khoảng đất nhất định, sau 4-5 năm đó cây sẽ tự tàn, không thể trồng lại được nữa. Sau mỗi “nhiệm kỳ” như vậy, người dân lại phải tìm khoảng đất khác để tiếp tục ươm những cây non mới.
Vào những dịp cận Tết, người ta đưa ra thị trường hàng trăm quả phật thủ có giá cao, thấp khác nhau. Nhưng đằng sau đó là giọt mồ hôi vất vả của biết bao nhiêu người chờ mong. Họ đã phải ăn ngủ cùng cây phật thủ, làm lán bên cạnh vườn, lo từng giọt nước hay tỉa từng chiếc lá cho cây.
Đó là công sức cả năm trời lao động vất vả, khó nhọc. Hơn ai hết chính người nông dân cảm nhận được sự vất vả của quá trình trồng nên loại cây này.
Thủy Tiên
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất